Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 30/1/2017 10:47'(GMT+7)

Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng mục tiêu đạt chuẩn quốc tế

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo đề án này, phấn đấu đến năm 2020, 100% giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo đạt chuẩn về trình độ trở lên theo quy định.

Ngoài ra, đến năm 2025, Đề án bảo đảm năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được chuẩn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Quy hoạch, đầu tư có trọng điểm


Tính đến năm 2016 cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và bốn cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có chín trường đại học sư phạm, năm trường đại học sư phạm kỹ thuật, một trường đại học giáo dục, một học viện cán bộ quản lý giáo dục, 33 trường cao đẳng sư phạm, 47 khoa/ngành sư phạm trong các trường đai học đa ngành.

Các tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Phần lớn các trường đại học sư phạm tham gia đào tạo giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông, một số địa phương tập trung khá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như Hà Nội có tám cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh có sáu cơ sở.

Kể từ khi ngành sư phạm được thành lập, các cơ sở đào tạo giáo viên đã đào tạo cho đất nước hơn 2 triệu giáo viên (hiện có hơn 1 triệu giáo viên đang làm việc), quy mô đào tạo có thay đổi trong từng thời kỳ, nhưng theo xu hướng ngày càng mở rộng.

Tuy có nhiều cơ sở đào tạo, phân bố phạm vi rộng và quy mô đào tạo của mỗi cơ sở nhỏ dẫn đến tình trạng đầu tư manh mún và dàn trải. Nhiều trường sư phạm phát triển trong tình trạng thiếu ổn định, năng lực và quy mô đào tạo vượt quá nhu cầu về số lượng giáo viên ở một số ngành học, bậc học.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, để tăng cường năng lực đội ngũ hiệu quả, trên cơ sở cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ rà soát lại quy hoạch, phân cấp phân tầng cụ thể trong quản lý, cũng như hoạt động chuyên môn. Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các quy chuẩn về giáo viên, từ đó rà soát đội ngũ hiện nay để bồi dưỡng, đào tạo lại. Khi đã xây dựng chuẩn giáo viên thì cán bộ quản lý giáo dục cũng cần có chuẩn để tập huấn, bồi dưỡng học tập nâng cao trình độ.

Mục tiêu của ngành giáo dục và đào tạo tiến tới là tất cả giáo viên khi được bổ nhiệm đều bảo đảm đạt chuẩn nghề mới, bảo đảm có năng lực quản lý đã được qua đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các trường sư phạm, sẽ gắn bó sâu với quá trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Một số chuyên gia giáo dục cũng đề xuất việc tăng cường mở rộng liên kết với các trường đại học sư phạm danh tiếng trên thế giới để nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên, luôn bổ sung, đổi mới giáo trình và tài liệu giảng dạy, tạo thuận lợi để sinh viên tiếp cận với kiến thức mới nhất trên thế giới.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đào tạo giáo viên cũng là nội dung cần chú trọng. Đây là giải pháp có tính quyết định nhằm tạo ra nguồn giảng viên trẻ giàu tri thức và nhiệt huyết, có khả năng thích ứng linh hoạt với yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đội ngũ giảng viên trẻ chính là lực lượng kế cận quan trọng để hội nhập và phát triển giáo dục theo xu hướng phát triển của thời đại.

Liên kết để đào tạo giáo viên trình độ cao


Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, một trong những bất cập lớn trong đào tạo giáo viên hiện nay là nội dung dạy nghề chưa sát với thực tiễn hành nghề của giáo viên tại các nhà trường, thời lượng dành để thực hành kỹ năng nghề chưa đủ.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn khuyến khích các trường sư phạm xây dựng các trung tâm nghiệp vụ sư phạm, các trường thực hành trong trường sư phạm, với các trường ở địa phương để tạo thành hệ thống trường thực hành sư phạm cho riêng mình.

Việc đưa sinh viên, giảng viên xuống trường mầm non, phổ thông và mời giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giỏi ở các trường mầm non, phổ thông đến trường sư phạm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành nghề đã được chú trọng hơn trong vài năm gần đây. Đã có không ít trường làm tốt điều này như Đại học Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh…

Theo thạc sỹ Mai Quang Huy, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay, một số giáo viên phổ thông và các cử nhân mới tốt nghiệp theo học các khóa học thạc sỹ về lý luận, phương pháp dạy học bộ môn. Quá trình đào tạo này đã góp phần tạo ra một lực lượng giáo viên có trình độ cao, có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của việc dạy học trong trường phổ thông.

Để quá trình đào tạo có hiệu quả, có thể hình thành các nhóm học viên bao gồm các giáo viên đương chức và các cử nhân mới tốt nghiệp, sử dụng trường phổ thông nơi giáo viên đang công tác là cơ sở để tiến hành các đề tài nghiên cứu. Việc hình thành các nhóm này giúp giáo viên mới sớm quen với thực tế trường phổ thông, giáo viên lâu năm được hỗ trợ, cập nhật kiến thức và phương pháp mới.

Giáo dục và đào tạo của Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng. Thực chất sự cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay là cạnh tranh về nguồn nhân lực, về khoa học và công nghệ. Việt Nam đã coi giáo dục và quốc sách hàng đầu từ nhiều năm nay. Do vậy, việc đào tạo giáo viên chính là nội dung quan trọng cần tập trung đầu tư để có nguồn giáo viên có năng lực, có trí tuệ, có tay nghề cao, có khả năng tiếp nhận và sáng tạo tri thức, công nghệ mới đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất