I. Khái niệm “trọng điểm” lần đầu tiên xuất hiện từ chủ trương “xây dựng một số trường trọng điểm quốc gia” tại Nghị quyết số 04 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) năm 1993. Năm 2001, chủ trương này tiếp tục được thể chế hóa trong Quyết định 47 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt mạng lưới trường ĐH. Đến năm 2004, Bộ GD-ĐT chính thức đưa tên 14 trường vào danh sách trường trọng điểm quốc gia. Từ đó đến nay, danh sách đã thêm 9 trường, nâng thành 23 ĐH được chọn xây dựng thành ĐH trọng điểm - đều ở những ngành đặc biệt quan trọng cho đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, như: sư phạm, y dược, kinh tế, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghệ, kỹ thuật quân sự, quân y, hàng hải. Năm 2016, khi Tổ chức xếp hạng các trường ĐH châu Á (QS University of Ranking Asia) công bố top 350 các trường ĐH châu Á, lần đầu tiên Đại học quốc gia (ĐHQG) Hà Nội và ĐHQG TPHCM lọt vào tốp 150. Đây là thứ hạng tốt nhất của các trường ĐH Việt Nam mà tổ chức này công bố trong những năm qua. Kết quả này được coi là đóng góp quan trọng của mô hình ĐH trọng điểm.
Bên cạnh khái niệm các trường ĐH trọng điểm, Việt Nam còn một ước mơ khác, đó là đến năm 2020 có ĐH đẳng cấp quốc tế, thậm chí có ít nhất 1 ĐH lọt vào tốp 200 trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín của thế giới. Con đường để biến ước mơ thành hiện thực này chính là việc xây dựng mới các ĐH xuất sắc theo phương thức hợp tác với các đối tác chiến lược, với đầu vào là những học sinh xuất sắc của Việt Nam và nước ngoài. Đây là những trường được xây dựng theo mô hình 3 bên: Chính phủ Việt Nam, chính phủ đối tác và đơn vị tài trợ. Chính phủ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng các trường ĐH xuất sắc. Đã có ĐH Việt - Đức được thành lập đầu tiên năm 2008 dựa trên sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với CHLB Đức và Ngân hàng Thế giới. ĐH Việt - Pháp thành lập năm 2009 dựa trên hợp tác Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Pháp và Ngân hàng Phát triển châu Á. Năm 2014, ĐH Việt - Nhật được thành lập với đơn vị chủ quản là ĐHQG Hà Nội, hiện phía Nhật đã cam kết sẽ cùng Việt Nam xây dựng ĐH Việt - Nhật thành ĐH hàng đầu của Việt Nam và cả châu Á.
Từ cuối năm 2015, Chính phủ yêu cầu tập trung đầu tư xây dựng ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM sớm phát triển thành các cơ sở giáo dục ĐH xuất sắc, hàng đầu của Việt Nam, từng bước vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đồng thời tập trung xây dựng các trường ĐH Việt - Đức, Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ĐH Việt - Nhật thành các trường đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Hành trình xây dựng các đại học xuất sắc, ĐH trọng điểm cho thấy, ước mơ ghi danh vào danh sách các ĐH có tiếng trên thế giới của Việt Nam vẫn còn mất nhiều thời gian nữa mới có thể thành hiện thực. Nhưng dù gian nan đến mấy, ước mơ đó vẫn phải được ấp ủ.
II. Sản phẩm của đại học chính là nguồn nhân lực. Nhân lực phải có chất lượng thì công cuộc xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” mới sớm tới đích thành công. Ngay trong giai đoạn đầu điều hành Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục ĐH Việt Nam. Thủ tướng đã đến thăm, làm việc với ĐHQG TPHCM, ĐHQG Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân để trao gửi kỳ vọng của Chính phủ về “giấc mơ ĐH Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những thước đo thành công của ĐH là có bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm. Các trường ĐH lớn của đất nước phải là một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, phải là nơi khuyến khích, ươm trồng những tài năng khởi nghiệp, đi tiên phong trong việc xây dựng quốc gia khởi nghiệp. Cũng chính điều này tạo nên danh tiếng của các ĐH trên thế giới. Bằng chứng là ĐH Tokyo, Nhật Bản có khoảng 240 công ty khởi nghiệp, trong đó có 16 công ty đã lên sàn chứng khoán với mức vốn hóa thị trường đạt khoảng 8 tỷ USD.
Khi thăm ĐH Kinh tế quốc dân, biết được mục tiêu của trường trong những năm tới là đứng vào danh sách 1.000 ĐH danh tiếng của thế giới, Thủ tướng tỏ vẻ chưa hài lòng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới câu nói của Goethe, danh nhân thế kỷ thứ 18: “điều lớn lao nhất trên thế gian này không phải là chỗ chúng ta đang đứng, mà là hướng chúng ta đang đi”. Thời gian không chờ đợi ai, nếu cố đứng vào danh sách 1.000 trường thì biết bao lâu, chúng ta mới đạt tới giấc mơ về ĐH Việt Nam.
Để thực hiện sứ mệnh lớn lao của mình, các ĐH trọng điểm, ĐH xuất sắc của Việt Nam phải có ước mơ lớn hơn và những bước đi táo bạo, nghiên cứu cách làm của những ĐH tiên tiến của châu Á và thế giới để nâng cao chất lượng đào tạo của mình, vì một tương lai tươi sáng của đất nước. Các trường ĐH phải đào tạo ra sản phẩm có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế, trước hết là hội nhập cộng đồng ASEAN. Dĩ nhiên, cơ chế chính sách của nhà nước và nỗ lực của các trường ĐH chưa đủ, đó còn phải là nỗ lực tự thân của các thế hệ sinh viên biết thi đua học tập giỏi, rèn luyện đạo đức tốt, tích lũy được nhiều kiến thức, không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc, có những ước mơ, hoài bão lớn về tương lai, chuẩn bị thật tốt hành trang để vào đời, quyết tâm khởi nghiệp…
LÂM NGUYÊN/SGGP