Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Năm, 28/2/2019 9:57'(GMT+7)

Đổi mới giảng dạy triết học Mác - Lê-nin ở các trường đại học theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII

Sự cần thiết đổi mới phương pháp giảng dạy triết học Mác - Lê-nin

Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, trí tuệ được coi là sức mạnh hàng đầu, khẳng định vai trò, vị thế của mỗi quốc gia. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Do đó, bất kỳ quốc gia nào, ở giai đoạn phát triển nào, muốn thúc đẩy và phát triển kinh tế không thể không quan tâm và đầu tư cho giáo dục. Giáo dục và đào tạo trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc. Người ta có thể nhìn thấy sự phát triển của một quốc gia trong tương lai khi nhìn vào giáo dục của quốc gia đó hôm nay. Do đó, giáo dục và đào tạo con người là yếu tố quyết định cho tương lai của mỗi quốc gia. Trong thời đại của khoa học - công nghệ hiện đại, của toàn cầu hóa, hội nhập và mở cửa những trào lưu và xu hướng tiến bộ đang bùng phát trên khắp thế giới thì tri thức triết học và tư duy triết học lại ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. 

Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đẩy lùi tình trạng suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên cơ sở nền tảng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục triết học Mác - Lê-nin trong các trường đại học, nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Đổi mới phương pháp giảng dạy triết học Mác - Lê-nin trong các trường đại học nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học, đáp ứng tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là yêu cầu tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay.

Trong những năm gần đây, một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng được Đảng ta đặc biệt quan tâm là xây dựng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thực chất là quá trình suy thoái bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đó là sự thay đổi từ lập trường, lối sống, lý tưởng cách mạng sang lập trường, quan điểm, lối sống của những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất. Lối sống của những phần tử đó ngày càng tinh vi, phức tạp, móc nối chằng chịt trên dưới, từ đó dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tràn lan. Cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh đòi hỏi mỗi người mà trước hết là mỗi cán bộ đảng viên phải tự ý thức được và phải tự mình thường xuyên thực hiện nhằm đưa “chân, thiện, mỹ” và những giá trị nhân văn đích thực trở thành dòng chủ lưu trong Đảng và toàn xã hội.

Một trong những “nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”(1). V.I. Lê-nin căn dặn những người cộng sản rằng, không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta. Do đó, để tránh được những sai lầm đó, nhằm cung cấp cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận khoa học định hướng trong hoạt động nhận thức và thực tiễn, giúp người học có thái độ đúng đắn với hiện thực, có khả năng phân tích, xử lý các vấn đề, xây dựng niềm tin khoa học vào lý tưởng cách mạng của Đảng, có lập trường chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao, quán triệt sâu sắc và thực hiện triệt để đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lê-nin nói chung và triết học Mác - Lê-nin nói riêng càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.

Việc đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy Triết học trong các trường đại học diễn ra thường xuyên, liên tục. Trong thời gian qua, việc dạy và học Triết học tại một số trường đại học mang tinh thần, hơi thở của công cuộc đổi mới, có những khởi sắc đáng kể. Triết học ngày càng khẳng định được vị trí độc lập, giáo trình phong phú, sâu rộng hơn trước, nội dung có những điều chỉnh và cải tiến đáng kể. Trong kết cấu thời gian, một thời lượng đáng kể dành cho thảo luận được đặt ra. Nhờ hoạt động này mà phần đông sinh viên nhận rõ vai trò, tác dụng của triết học. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy triết học trong các trường còn chưa thật sự đạt được kết quả cao như mong muốn. Người dạy đôi khi còn mang tính hình thức, người học chán học, học xong không nhớ nội dung kiến thức nên khó vận dụng vào trong thực tiễn đời sống. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, từ chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy, thiết bị và điều kiện dạy học, tâm lý tiếp thu môn học và nhiều yếu tố khách quan khác.

Trong giai đoạn hiện nay, để đẩy lùi nguy cơ thoái hóa, biến chất của các cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị, thực hiện thành công yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong bối cảnh mới thì việc nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, chủ động hội nhập và giải quyết những yêu cầu mới đòi hỏi tất yếu phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; học lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng, giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta”(2). Với chức năng là môn khoa học cung cấp thế giới quan và phương pháp luận cũng như tư duy biện chứng cho người học, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy triết học là một yêu cầu bức thiết, một nhiệm vụ quan trọng. Song, để bảo đảm chất lượng và tính hiệu quả, quá trình giảng dạy, để xác định được phương pháp giảng dạy thích hợp, cần phải trả lời các câu hỏi: Dạy ai? Ai dạy? Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Dạy như thế nào?.

Những giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy 

Thứ nhất, dạy ai? Người dạy cần bảo đảm nguyên tắc xác định đúng đặc thù của đối tượng dạy học. Việc xác định đúng đối tượng dạy học sẽ quyết định việc lựa chọn phương pháp phù hợp, nội dung cần nhấn mạnh và kiến thức vận dụng trong thực tiễn. Đối tượng chung nhất của các trường đại học là sinh viên, họ cần được trang bị kiến thức về thế giới quan, phương pháp luận khoa học chung nhất. Tuy nhiên, ở mỗi trường khác nhau có mục tiêu đào tạo khác nhau. Trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra của mỗi trường, thậm chí mỗi ngành học khác nhau trong trường, người dạy phải xác định đúng đối tượng để có những liên hệ thực tiễn, vận dụng những phương pháp giảng dạy và đáp ứng các kỹ năng cần thiết phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc xác định đúng đối tượng dạy học theo yêu cầu của từng ngành góp phần giúp giảng viên vận dụng những kiến thức thực tiễn sát với chuyên ngành của người học, góp phần làm cho triết học đáp ứng yêu cầu thực tiễn người học cần, thu hút sự chú ý của người học, giúp người học xây dựng được thế giới quan, phương pháp luận sát với yêu cầu của ngành học.

Sinh viên theo học ở mỗi khoa có một lĩnh vực chuyên sâu riêng biệt. Dạy triết học Mác - Lê-nin cho sinh viên chuyên ngành đó cần vươn tới chỗ gắn kết nó với chuyên môn riêng, với những ví dụ cụ thể để tạo nhiều hứng thú. Cách dạy này nếu chỉ nhìn qua khó thấy được tính ưu việt. Thậm chí, có người còn cho là xa đề, làm loãng những nội dung của triết học. Song, đây chính là cách tạo môi trường để những nguyên lý nằm trong sách vở bước ra, sống động. Muốn khẳng định vị trí môn triết học trong nhà trường phải gắn nó với các môn khoa học chuyên ngành. Sự gắn kết này có tác dụng tránh cho triết học khỏi xa rời cuộc sống mà ở đây là hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên, đồng thời giúp cho các sinh viên khi ra trường đáp ứng tốt được các yêu cầu thực tiễn đặt ra, có phương pháp luận phù hợp để xây dựng phương phướng, lựa chọn phương pháp và hành động phù hợp để giải quyết công việc, có khả năng phản biện các thông tin sai lệch, lựa chọn được những yếu tố tích cực để vận dụng trong công tác chuyên môn. 

Thứ hai, dạy cái gì? Đây chính là yêu cầu của việc xác định tính chất đặc thù của môn học. Đặc thù của khoa học Triết học là ở chỗ, trong sự phản ánh hiện thực, tri thức triết học có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao và được biểu đạt bằng hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật. Hơn nữa, triết học là môn khoa học lý thuyết, chứ không phải môn khoa học ứng dụng. Chính vì vậy, môn học này thiên về những kiến thức hàn lâm và hầu như không có những mô hình thực nghiệm, ứng dụng, trực quan, nên không thể sơ đồ hóa bài giảng một cách máy móc. Môn Triết học có chức năng cơ bản là trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho người học. Vì thế, việc giảng dạy triết học Mác - Lê-nin phải đạt được mục đích là giúp người học xác lập cho mình thế giới quan và phương pháp luận khoa học cả trong nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. 

Trong giai đoạn hiện nay, cần dạy cho người học những kiến thức để giúp họ làm chủ được công việc, chủ động, nhạy bén, tích cực trong cuộc đấu tranh tư tưởng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì việc tiếp nhận những tri thức mới của nhân loại, bảo đảm chính xác, nhanh chóng của thông tin là một yêu cầu tất yếu trong giảng dạy triết học Mác - Lê-nin nói riêng. Để đáp ứng được yêu cầu đó, giảng viên phải chuẩn bị kỹ đề cương hướng dẫn sinh viên học tập, hướng dẫn cách đọc tài liệu, chọn sẵn các chủ đề thảo luận chuyên môn. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần khẳng định được bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là học thuyết mở đòi hỏi phải luôn được bổ sung, đổi mới qua thực tiễn cách mạng, cũng như sự phát triển trí tuệ của nhân loại.

Thứ ba, dạy để làm gì? Đây chính là việc bảo đảm mục đích của việc dạy học, yêu cầu chuẩn đầu ra của từng ngành học khác nhau thì việc xác định mục đích giảng dạy càng có nhiều yêu cầu và đòi hỏi mang tính đặc thù hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lê-nin ngoài việc phải gắn với mục tiêu đào tạo của từng ngành, giảng dạy triết học Mác - Lê-nin còn phải gắn với việc nhận diện, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc và các thủ đoạn chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nhằm thực hiện thành công chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị tư tưởng của các thế lực thù địch. Với mục đích nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhằm làm mất phương hướng, giảm sút ý chí chiến đấu, các thế lực phản động cố gắng chứng minh “tính lỗi thời của học thuyết Mác - Lê-nin; phủ định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phủ nhận con đường xây dựng đất nước của Việt Nam là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Để góp phần xóa bỏ âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đó đòi hỏi cung cấp thế giới quan, phương pháp luận khoa học, phương pháp tư duy biện chứng cho sinh viên - những chủ nhân của đất nước để họ có cơ sở khoa học tin tưởng vào con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn. Có như vậy, mới giúp cho người học tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân; sẵn sàng phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhất là trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ, phá hoại nền tảng văn hóa xã hội chủ nghĩa. 

Thứ tư, dạy như thế nào? Đây là yêu cầu của việc xác định phương pháp dạy học. Việc xác định dạy như thế nào cần phải bảo đảm mục đích đặc thù của từng ngành học và việc đáp ứng tốt các yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn của đất nước. Xác định đúng và vận dụng tốt các phương pháp giảng dạy, nhất là khi yêu cầu giảng dạy triết học phải giúp người học có được phương pháp tư duy khoa học, biết phản tư lại những quan điểm sai trái để đưa ra những giải pháp hợp lý. Dạy học là quá trình tương tác giữa người dạy và người học, ở đó người dạy phải sử dụng phương pháp thích hợp truyền tải kiến thức đến cho người học, bảo đảm nguyên tắc: biết, hiểu, vận dụng. Nói cách khác, có những kiến thức người học chỉ cần biết, có những kiến thức người học nhớ để vận dụng làm bài tập, nhưng có kiến thức người học cần nhớ suốt đời để vận dụng vào giải quyết tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra. Để làm được điều đó, đòi hỏi người dạy phải có phương pháp phù hợp, phương pháp đó phải truyền được cảm hứng cho người học, tạo được hứng thú để người học tìm tòi, nghiên cứu kiến thức lý thuyết, vận dụng giải quyết tốt yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc có tầm quan trọng đặc biệt được đặt ra khi giảng dạy triết học Mác - Lê-nin. Do đó, người dạy phải luôn gắn chặt nội dung tri thức của khoa học triết học với bản chất, xu hướng vận động của lịch sử hiện đại, gợi mở, định hướng cho sinh viên phương pháp luận đúng đắn trong cách xem xét, đánh giá những gì đang diễn ra trong đời sống hiện thực, tránh cách tiếp nhận triết học một cách giáo điều. 

Thứ năm, ai dạy? Đây là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Người thầy giáo giỏi phải là người truyền được cảm hứng tới người học, dẫn dắt người học học tập một cách say mê, thu được kết quả tốt. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì một trong những yếu tố có tính quyết định là đội ngũ giảng viên phải có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và phương pháp giảng dạy. Do vậy, đội ngũ đó cần được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục nâng cao trình độ để có đủ khả năng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy. Đội ngũ giảng viên cần được tăng cường đào tạo lý luận chính trị theo hướng chuẩn hóa, bám sát định hướng đổi mới công tác lý luận của Đảng trong tình hình mới; cần phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn lý luận chính trị nói chung và triết học Mác - Lê-nin nói riêng; cần quán triệt, vận dụng đúng đắn, đầy đủ, sáng tạo nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sinh viên chính là những nhà khoa học trẻ, là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng trực tiếp yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước. Họ là hiện thân của đội ngũ trí thức hôm nay và trong tương lai, là những người được đào tạo chuyên sâu về những lĩnh vực nhất định để đảm nhận, gánh vác những trọng trách của xã hội nói chung và của nền khoa học nước nhà nói riêng. Do vậy, có thể khẳng định, việc trang bị, bồi dưỡng tri thức triết học với tư cách là môn học cung cấp thế giới quan, phương pháp luận và tư duy biện chứng cho sinh viên là một yêu cầu quan trọng, có tính chất sống còn đối với việc bảo đảm chế độ chính trị và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo./.

TS. Trần Thị Điểu
 Đại học quốc gia Hà Nội

 

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất