Với hơn 8.000 lễ hội dân gian truyền thống,
trong đó nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia, cùng khoảng 40.000 khu di
tích, thắng cảnh tập trung chủ yếu ở đền, chùa, miếu mạo, lăng tẩm, phủ,
khu tưởng niệm,... trải khắp các tỉnh, thành phố, cùng các hoạt động
văn hóa, tín ngưỡng phong phú được Nhà nước tôn trọng, quan tâm và tạo
điều kiện hoạt động, có thể thấy Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên vô
cùng giàu có, đa dạng, dồi dào để phát triển du lịch tâm linh.
Theo ông
Nguyễn Văn Tuấn - nguyên Tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch), thì "xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm
linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh
vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con
người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh
khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các
hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể
gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những
giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc
biệt khác".
Như vậy, các tua (tour) du lịch tâm linh thường gắn với
những không gian văn hóa có yếu tố linh thiêng. Ở đó, du khách tiến hành
tham quan, cúng tế, cầu nguyện, chiêm bái, thiền, tham gia lễ hội...
Với du khách, các hoạt động du lịch tâm linh giúp mang đến cảm nhận, giá
trị trải nghiệm, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị
chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Còn đối với
những tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh trên
các tuyến hành trình và tại các khu, điểm, loại hình du lịch này cũng
giúp gia tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương;
qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di tích, di sản và
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian gần đây, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, đời
sống tinh thần càng được chú trọng. Tâm lý phần đông người Việt Nam
trọng tín ngưỡng cho nên nhu cầu du lịch tâm linh có xu hướng tăng cao.
Bằng chứng là số lượng khách tham gia loại hình du lịch này luôn chiếm
tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách, nhất là khách nội địa.
Hoạt động kinh
doanh, đầu tư vào du lịch tâm linh cũng được đẩy mạnh, thể hiện qua sự
ra đời, phát triển nhanh của các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa
phương, vùng, miền trên cả nước, tiêu biểu như: Ðền Hùng (Phú Thọ), Yên
Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Ðính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội), núi Bà
Ðen, Thánh thất Cao Ðài (Tây Ninh), đền Trần, phủ Dầy (Nam Ðịnh), miếu
Bà Chúa Xứ (An Giang)...
Theo thống kê, khi đến các điểm du lịch tâm linh, phần lớn du khách
thường chỉ thăm viếng trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm cho nên
chi tiêu cho lưu trú, ăn uống thường không cao. Song nguồn chi tự nguyện
cho các hoạt động công đức, phục vụ tế lễ, cầu nguyện là khá lớn. Bên
cạnh đó, các chi tiêu cơ bản cho hoạt động di chuyển để phục vụ nhu cầu
chiêm bái như cáp treo, thuyền, đò, xe điện,... cũng chiếm tỷ trọng
không nhỏ. Và những nguồn thu dễ nhìn thấy này là lý do khiến nhiều đối
tượng đầu cơ, ồ ạt xây dựng các dự án du lịch tâm linh để trục lợi, thậm
chí dựng lên những công trình giả để thu lời bất chính.
Nhiều người vẫn
chưa quên việc lực lượng chức năng tại địa bàn thắng cảnh chùa Hương đã
phải ra quân rầm rộ để giải tỏa hơn 40 chùa giả, động rởm được dựng lên
trái phép trong khu vực cách đây nhiều năm. Tương tự, có thời gian
người dân ở thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng không khỏi giật mình khi khu vực
núi Trường Lệ xuất hiện một chùa lạ xây dựng trái phép trên mảnh đất
của tư gia tự đặt tên là "Linh Sơn Thượng". Hay gần đây là việc xây dựng
pho tượng bà Chúa Xứ trên Núi Sam, tỉnh An Giang, đã gây bức xúc dư
luận. Ðiều đáng nói, dù chưa có phép, dự án vẫn được tiến hành. Phải tới
khi công trình sắp hoàn thành, trước áp lực dư luận và chính quyền, chủ
đầu tư mới xin lỗi và tháo dỡ...
Tuy nhiên, không phải dự án nào bị
người dân phản đối cũng bị dừng lại như vụ việc nêu trên, có công trình
quy mô lớn được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục, nên việc dừng và tháo dỡ
rất phức tạp. Trên thực tế, còn có công trình phục vụ du lịch tâm linh
chủ yếu chỉ gây ấn tượng mạnh ở cái tên "có vẻ" huyền bí, yếu tố lạ,
tính hoành tráng, độ choáng ngợp hơn là giá trị tinh thần mang ý nghĩa
tâm linh. Và đương nhiên, khi điểm du lịch tâm linh hướng đến mục tiêu
lợi nhuận thì những chuyện như thu phí, đặt hòm công đức dày đặc, ra giá
cúng, khấn thuê, hóa sao giải hạn... trở thành chuyện thường tình. Nếu
tình trạng này còn tiếp diễn, hậu quả sẽ không chỉ là nguy cơ phá vỡ
cảnh quan vốn hài hòa của di tích, mà còn góp phần tạo nên tình trạng
ngày càng thương mại hóa đời sống tâm linh, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng
của cộng đồng.
Song có "cầu" thì mới có "cung". Không khó để nhận diện hiện tượng
trục lợi tâm linh hiện nay còn xuất phát từ một bộ phận không nhỏ du
khách, khi tìm đến các điểm di tích linh thiêng chỉ nhằm mục đích cầu
xin danh lợi, thậm chí xin triệt hạ đối thủ trong làm ăn, kinh doanh.
Cũng từ đây xuất hiện những biểu hiện mê tín dị đoan, buôn thần bán
thánh.
Ðơn cử, theo truyền thuyết, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) vốn ra đời
để tưởng nhớ công đức của một người phụ nữ đã khéo tích trữ lương thực,
trông nom kho lương triều đình; nhưng giờ đây, mỗi ngày có không ít
người tới đền vay vốn, mong được thành "con nợ" của Bà Chúa Kho để làm
ăn có lộc.
Hay đền Ông Hoàng Bảy (Lào Cai) vốn là nơi thờ thần vệ quốc -
vị anh hùng đã đánh tan giặc phương Bắc, bảo vệ dân làng; song không
biết từ lúc nào đã trở thành nơi để không ít người dâng lễ cầu lộc cho
hoạt động lô đề, buôn bán hàng lậu, làm ăn phi pháp...
Nghi lễ khai ấn ở
đền Trần (Nam Ðịnh) vốn là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cầu chúc cho
thiên hạ thái bình thịnh trị, giáo dục truyền thống yêu nước,… nhưng
với nhiều người thì "ấn đền Trần" bị biến thành lá bùa phù trợ cho đường
quan lộ. Rồi, từ mục đích đậm màu sắc vật chất khi hành lễ đã khiến
nhiều người không còn biết giữ mình ở chốn tôn nghiêm, dẫn đến cảnh thi
nhau đốt vàng mã, sắm mâm cao cỗ đầy để "hối lộ" thần linh... Không gian
văn hóa, sự thiêng liêng của lễ hội và không gian thờ tự cũng vì thế bị
biến dạng, méo mó.
Có thể nói rằng, những hành vi trục lợi nói trên
chính là biểu thị của hiện tượng "tham nhũng tâm linh" xuất phát từ sự
mưu cầu lợi ích cá nhân, thiếu sự hiểu biết và bị lôi cuốn theo tâm lý
đám đông. Từ đây những hành vi biến tướng được nhân rộng, trở nên phổ
biến, tạo cơ hội, điều kiện để một số tổ chức, cá nhân biến một số cơ sở
thờ tự thành địa chỉ "buôn thần, bán thánh", lợi dụng lòng tin của
người dân để lừa bịp nhằm trục lợi, thu lời.
Vài năm gần đây, ngành văn hóa - du lịch đã ban hành nhiều văn bản
nhằm hạn chế các biểu hiện trục lợi, mê tín dị đoan trong lễ hội. Công
tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trước, trong và sau lễ hội đã được
lực lượng thanh tra ngành và địa phương đẩy mạnh. Nhờ đó, tình trạng lộn
xộn, chen lấn và các biểu hiện biến tướng như cúng thuê, khấn thuê, đốt
vàng mã tràn lan… ở những nơi thực hành tín ngưỡng trong lễ hội đã bước
đầu được ngăn chặn. Nhưng dường như các giải pháp này mới giải quyết
được "phần ngọn" của tình trạng, bởi nếu không tăng cường kiểm tra, xử
lý vi phạm thì khi có điều kiện, hành vi trục lợi tâm linh vẫn có thể
bùng phát.
Về cơ bản, lâu dài, giải pháp mang tính căn cơ vẫn phải là
tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của công chúng khi tham
gia thực hành tín ngưỡng, cũng như tăng cường tri thức, hiểu biết của
người dân địa phương và khách du lịch về văn hóa tâm linh, cung cách ứng
xử khi tham gia lễ hội hoặc khi đến các cơ sở thờ tự.
Bên cạnh đó, cần
phải tính đến giải pháp cho cả bên đầu tư, cung ứng dịch vụ tâm linh, và
cả du khách tham gia hoạt động du lịch tâm linh ở các lễ hội, cơ sở thờ
tự… Cụ thể, đối với các khu du lịch tâm linh, các cơ quan chức năng cần
sớm có tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học dưới nhiều góc độ nhằm
định hướng kế hoạch đầu tư trong tương lai một cách cẩn trọng, bền vững,
không để xảy ra những hệ quả đáng tiếc.
Việc đầu tư xây dựng các công
trình du lịch tâm linh thường gắn với những địa điểm có di tích, di sản
quốc gia nên cần phải quản lý chặt chẽ. Cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp
phép khi thủ tục đầu tư bảo đảm công khai, minh bạch, dựa trên cơ sở bảo
đảm về sự thống nhất giữa tính khoa học với lịch sử - văn hóa, có tham
vấn ý kiến từ trung ương đến địa phương, và chuyên gia về văn hóa tín
ngưỡng, chuyên gia đánh giá tác động môi trường...
Ðể hạn chế sự xuất
hiện các công trình tâm linh xây dựng trái phép, giải pháp cốt yếu nhất
là cần tăng cường vai trò, chức năng quản lý của chính quyền các địa
phương, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò phát hiện, giám sát của
người dân để kịp thời có biện pháp xử lý, ngăn chặn. Có như vậy mới tạo
ra những chuyển biến trên diện rộng từ trong nhận thức của số đông công
chúng nhằm từng bước lành mạnh hóa nhu cầu, hình thành những thay đổi,
điều chỉnh trong hành vi thực hành tín ngưỡng theo hướng tích cực, đẩy
lùi và tiến tới loại trừ các biểu hiện trục lợi tâm linh./.
Hạnh Duyên (nhandan.com.vn)