Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội toàn cầu hóa với sự giao lưu vượt qua ranh giới của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều quan trọng trong một xã hội như vậy là sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người. Và một trong những công cụ để thực hiện điều đó chính là giao tiếp bằng ngôn ngữ. Việc dạy và học, cũng như việc đổi mới các hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập ngôn ngữ của học sinh cũng luôn phải thay đổi không ngừng để đáp ứng được nhu cầu đó. Giáo viên cần có được các kĩ năng cơ bản như: xác định mục đích đánh giá, lập kế hoạch đánh giá, xây dựng bộ công cụ đánh giá, thu thập và xử lí kết quả đánh giá. Việc này so với việc kiểm tra đánh giá truyền thống có thể sẽ khiến giáo viên phải tốn nhiều thời gian hơn, học sinh cũng phải “học đều”, học thực chất các kĩ năng,…, song nó lại giúp cho giáo viên có những điều chỉnh kịp thời hoạt động giảng dạy của mình, và giúp học sinh ngày càng tiến bộ hơn. Có thể nói, việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là điều tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, cần thiết đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá môn tiếng Nhật theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh để nâng cao, đổi mới các hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập ngôn ngữ của học sinh.
CẦN THIẾT THỰC HIỆN ĐỔI MỚI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP
Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được hiểu là quá trình tập hợp, phân tích thông tin nhằm đưa ra những nhận định, nhận xét về mức độ hiểu biết, mức độ đạt được các kết quả học tập của học sinh sau quá trình học tập so với mục tiêu đã đề ra, và sử dụng chúng để đưa ra các quyết định phù hợp.
Ngoài ra, để đánh giá kết quả học tập thì cần sử dụng các phương tiện đánh giá để thu thập thông tin. Do vậy, ta cũng có thể hiểu kiểm tra kết quả học tập là quá trình thu thập thông tin, số liệu… về kết quả học tập của học sinh bằng nhiều hình thức, kĩ năng, công cụ, kĩ thuật khác nhau.
Học sinh sau khi hoàn thành chương trình học, cần đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn học.
Như đã nói ở trên, mục đích lớn nhất của việc đổi mới kiểm tra, đánh giá từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình học tập là vì sự tiến bộ của học sinh. Việc này cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục. Nó giúp cho giáo viên có cái nhìn đa chiều hơn để đánh giá học sinh một cách toàn diện về năng lực, phẩm chất, đồng thời cũng đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng những kiến thức mình đã học để giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn, từ đó mà các ý tưởng sáng tạo mới được hình thành. Điều này chính là sự khác biệt lớn nhất với việc đánh giá truyền thống.
Trong đào tạo các ngoại ngữ, việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập lại càng phải được chú trọng và tiên phong, hướng tới bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề và năng lực hiểu biết đa văn hóa.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ PHƯƠNG ÁN KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ MÔN TIẾNG NHẬT
Để việc kiểm tra không còn là nỗi lo sợ của học sinh, rất nhiều các hoạt động đổi mới kiểm tra, đánh giá đã và đang được áp dụng theo hướng đa dạng hóa các hình thức, cách thức, nội dung kiểm tra tiếng Nhật phù hợp với từng trình độ.
Thứ nhất, đối với trình độ nhập môn sơ cấp
Đây có thể coi là giai đoạn bản lề vô cùng quan trọng và cũng là giai đoạn khổ ải nhất của việc học tiếng Nhật. Rất nhiều người học tiếng Nhật đã nản lòng, không vượt qua được giai đoạn này vì cảm thấy nó quá khó khi vừa phải nhớ đến hai bảng chữ cái, vừa phải học một thứ tiếng ngoại ngữ không phải bằng chữ la tinh như tiếng anh, tiếng đức… và đã bỏ cuộc. Hiểu được điều này, chúng tôi đã có những thay đổi trong hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Cụ thể là:
Thay vì gọi học sinh lên kiểm tra miệng, hay những bài kiểm tra viết 15 phút, chúng tôi tiến hành những trò chơi ngay trong giờ học hoặc đầu giờ học, vừa để khuấy động không khí lớp học, tăng sự hứng thú của học sinh, giúp các em từ đó ghi nhớ và thuộc lòng bảng chữ cái.
Ví dụ, trò chơi vẽ tranh: Trò chơi cá nhân. Luật chơi: Sử dụng các chữ cái đã học để vẽ tranh. Thời gian hoàn thành bức vẽ là 10 phút. Bức tranh nào được các bạn bình chọn nhiều nhất sẽ giành được chiến thắng, tương ứng được 10 điểm.
Trò chơi dân gian Nhật Bản Karuka: Luật chơi: Cách chơi Karuta cũng khá đơn giản, mỗi lượt chơi Karuta được tham gia bởi 3 học sinh trở lên, chia thành các cặp thi đấu 1-1 và một người đọc bài.
Đầu tiên, trộn các lá bài karuta bảng chữ cái, sau đó sắp xếp chúng đối mặt với nhau để tìm một thẻ hình được ghép nối với thẻ đọc mà người đọc gọi tên. Khi người đọc đọc lá bài lên, cần nhanh mắt tìm ra thẻ bài tương ứng và nhanh tay chạm vào thẻ hình ảnh và trả lời "có". Lặp lại điều này và cuối cùng người có nhiều lá bài được chạm nhất sẽ thắng. Người chơi có thể chạm vào lá bài bất cứ lúc nào kể từ khi người đọc cất tiếng. Nếu chạm vào lá bài sai, lá bài đó sẽ bị loại bỏ.
Trò chơi shiritori: Được áp dụng sau khi đã học được 1 lượng từ vựng tương đối. Luật chơi như sau, người đầu tiên sẽ nói 1 từ và người tiếp theo sẽ phải tiếp tục list từ bằng chữ kết thúc của người phía trước. Trò chơi này khá linh hoạt, có thể chơi được với nhiều người, cần chú ý là từ của người nói sau không được trùng lặp với từ của người nói trước. Shiritori cũng có thể chơi bằng tranh.
Thứ hai, trình độ N5
Ở giai đoạn này, thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, học sinh có thể hiểu và sử dụng tiếng Nhật ở mức độ căn bản:
Cụ thể là:
Nghe: Có thể hiểu các phát ngôn nếu được nói chậm và phát âm rõ ràng, có ngắt đoạn.
Nói: Có thể sắp xếp từ ngữ đơn giản để nói về người, vật hoặc nơi nào đó.
Đọc: Có thể hiểu từng mệnh đề, câu của các đoạn văn bản rất ngắn và đơn
Viết: Có thể viết các câu đơn giản riêng lẻ. Có thể viết hoặc diễn đạt bằng văn bản các thông tin cơ bản về bản thân.
Chính vì vậy, bên cạnh những bài kiểm tra tổng hợp truyền thống, giáo viên có thể tiến hành kiểm tra, đánh giá thông qua các dự án.
Ví dụ: “Kể lại một câu chuyện cổ tích mà em biết bằng tiếng Nhật”. Trong đó, yêu cầu quay video không quá 5 phút với thang điểm 10. Tiêu chí đặt ra là phát âm và độ chính xác của ngôn ngữ (3 điểm); độ trôi chảy, mạch lạc, tự tin (3 điểm); trả lời câu hỏi của giáo viên xoay quanh chủ đề (3 điểm); độ công phu (1 điểm).
Thứ ba, đối với trình độ N4
Ở giai đoạn này, thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, người học có thể thể hiểu và sử dụng tiếng Nhật ở mức độ cơ bản:
Cụ thể là:
Nghe: Có thể hiểu ở các nội dung cụ thể liên quan đến cuộc sống hằng ngày nếu được nói chậm và rõ ràng. Có thể hiểu các từ ngữ, cách diễn đạt liên quan đến cuộc sống hằng ngày (ví dụ như các thông tin rất đơn giản của cá nhân hoặc gia đình, mua sắm, đặc điểm địa lí của khu vực nào đó, tuyển dụng, ...) nếu được nói chậm và rõ ràng.
Nói: Có thể trình bày, thuyết trình một cách đơn giản về các chủ đề thân thuộc (người, sự vật, cuộc sống, môi trường làm việc, thói quen hằng ngày, sở thích….). Có thể sắp xếp một cách đơn giản câu, từ ngữ.
Đọc: Có thể hiểu các đoạn văn bản ngắn và đơn giản về các vấn đề cụ thể, gần gũi được viết bằng những từ ngữ thông dụng hằng ngày hoặc có liên quan đến công việc của bản thân.
Viết: Có thể viết các đoạn văn đơn giản có sử dụng các từ nối. Có thể viết các đoạn ghi nhớ ngắn và đơn giản về các sự việc trong cuộc sống hằng ngày liên quan trực tiếp đến bản thân.
Dưới đây là ví dụ về hình thức kiểm tra có thể áp dụng ở trình độ này:
“Thử sức làm biên tập viên thời sự”, trong đó, học sinh đóng vai trò làm 1 biên tập viên chương trình thời sự để giới thiệu về 1 sự kiện, tin tức trong các lĩnh vực xã hội, chính trị...”. Thang điểm là 10 điểm với các tiêu chí: Khả năng sử dụng từ ngữ, độ chính xác và sự đa dạng trong ngữ pháp (3 điểm); Phát âm và độ chính xác của ngôn ngữ (2 điểm); Độ trôi chảy, mạch lạc, tự tin (2 điểm); Trả lời câu hỏi của giáo viên xoay quanh câu chuyện (2 điểm); Độ công phu (1 điểm). Với dự án này, học sinh sẽ có cơ hội tốt để áp dụng những kiến thức đã được học trên lớp thực hành viết và dẫn bản tin thời sự.
Thứ tư, trình độ N3, N2.
Ở giai đoạn này, thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, người học có thể thể hiểu và sử dụng tiếng Nhật ở mức độ độc lập:
Cụ thể là: Nghe: Có thể hiểu hết các thông tin đơn giản liên quan đến các chủ đề trong cuộc sống hằng ngày và trong công việc. Có thể hiểu chi tiết của hầu hết các đoạn thông tin nếu được nói bằng cách nói quen thuộc và phát âm rõ ràng. Có thể hiểu ý chính của các đoạn truyện ngắn, các phát ngôn/ cuộc nói chuyện thường gặp trong công việc, học tập, giải trí nếu được nói rõ ràng bằng ngôn ngữ chuẩn.
Nói: Có thể trình bày, nói một cách rõ ràng và tỉ mỉ về những chủ đề tương đối rộng có liên quan đến lĩnh vực bản thân quan tâm. Có thể bổ sung thêm ý chính, đưa ra ví dụ có liên quan, để triển khai, nhấn mạnh quan điểm của bản thân. Có thể thuyết trình hoặc trình bày một cách khá trôi chảy một nội dung đơn giản với độ dài nhất định về chủ đề mà bản thân quan tâm.
Đọc: Có thể hiểu một cách đầy đủ nội dung của các văn bản đơn giản liên quan đến lĩnh vực chuyên môn hoặc lĩnh vực bản thân quan tâm .
Viết: Có thể viết thư, bản ghi nhớ, thông báo, yêu cầu v.v. một cách dễ hiểu và truyền đạt được nội dung mà mình coi là quan trọng và quan tâm.
Do vậy, ở giai đoạn này, giáo viên có thể áp dụng đa dạng hơn các hình thức kiểm tra, đánh giá.
Ví dụ: “Hãy tạo 1 pamphlet/video giới thiệu về đặc điểm về ẩm thực, địa danh... của Nhật Bản”. “Xây dựng gameshow bàn về chủ đề: Có nên đi học đại học hay không?”
Thang điểm là 10 điểm, với các tiêu chí: Nội dung (4 điểm); Khả năng sử dụng từ ngữ, độ chính xác và sự đa dạng trong ngữ pháp (1 điểm); Phát âm và độ chính xác của ngôn ngữ (1 điểm); Độ trôi chảy, mạch lạc, tự tin (1 điểm); Trả lời câu hỏi của giáo viên xoay quanh câu chuyện (2 điểm); Độ công phu (1 điểm)
Ví dụ: “Hãy dịch những câu danh ngôn, những lời thoại hay trong anime và manga mà em đã từng xem/đọc”
Thang điểm là 10 điểm với các tiêu chí: Dịch đúng, chính xác (5 điểm); Dịch hay (2 điểm); Độ khó, đa dạng (1 điểm); Trả lời câu hỏi của giáo viên xoay quanh chủ đề (2 điểm).
Có thể khẳng định, với các hình thức kiểm tra đánh giá như trên, học sinh không còn cảm thấy lo sợ trước mỗi đợt kiểm tra. Thay vào đó, học sinh thấy hứng thú với nhiệm vụ được giao, phát huy được sức sáng tạo. Đồng thời, học sinh còn có cơ hội tư duy, có thể hiểu thêm văn hoá Nhật Bản, có thể so sánh để thấy được những điểm tương đồng và khác biệt giữa văn hoá Nhật Bản với văn hóa Việt Nam. Đây chính là cơ sở cho việc hình thành năng lực ngôn ngữ và năng lực giao tiếp bằng tiếng Nhật của người học, đồng thời là cơ sở cho việc cung cấp thêm kiến thức về văn hóa - xã hội nói chung, phát triển năng lực hiểu và tiếp nhận những điểm đặc thù, những điểm khác biệt của các nền văn hóa khác nhau. Các kiến thức về văn hóa - xã hội nói chung và văn hóa Nhật Bản - Việt Nam nói riêng sẽ giúp cho học sinh tự tin trong công việc và giao tiếp với người Nhật Bản nói riêng và giao tiếp trong môi trường quốc tế nói chung.
Về phía giáo viên, giáo viên cũng có được cái nhìn toàn diện hơn, nắm rõ được ưu nhược điểm của học sinh, nguyên nhân của những lỗi sai và chỉ ra cho họ cách sửa lỗi, từ đó giáo viên biết được từng học sinh đã tiến bộ đến đâu, họ có điểm mạnh nào, điểm yếu nào. Qua đó, giáo viên sẽ có những điều chỉnh kịp thời trong giảng dạy, giúp học sinh ngày càng tiến bộ hơn.
Đào Thị Kim Thu