(TG) - Hiện nay, toàn tỉnh có trên 400 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú có hoạt động nấu ăn cho hơn 200.000 học sinh từ 1 - 3 bữa tại trường. Hàng năm, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên có văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các cơ sở giáo dục.
Với đặc thù là trường dân tộc nội trú, Trường PTDT Nội trú THCS Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày, nên vấn đề đảm bảo chế độ dinh dưỡng, VSATTP luôn được nhà trường quan tâm.
|
Một bữa ăn đảm bảo VSATTP của các em học sinh tại Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.
|
Ngay từ đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã đến làm việc, kiểm tra từng nhà cung cấp thực phẩm, rau, củ, quả, đảm bảo các cơ sở có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, cam kết trách nhiệm về VSATTP.
Trước khi thực phẩm được chế biến, nhân viên y tế của nhà trường đều tổ chức giám sát đầu vào. Các thực phẩm không đạt chất lượng thì kiên quyết trả lại cho nhà cung cấp và chấm dứt hợp đồng, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đông lạnh. Thực phẩm còn được tính toán, cân đối vừa đủ theo số lượng học sinh, không để thừa, tránh lãng phí.
Nhân viên chế biến được tập huấn, có xác nhận kiến thức VSATTP. Thức ăn được tiến hành lưu mẫu theo quy định của Bộ Y tế sau 24 giờ mới hủy mẫu. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất các công đoạn trong việc nhập, sơ chế, chế biến, đảm bảo công khai, minh bạch về chất lượng và tài chính.
Ngoài ra, việc lựa chọn, lập danh sách từng đơn vị cung ứng thực phẩm về hồ sơ, năng lực và trực tiếp khảo sát chất lượng thực phẩm tại cơ sở cũng được các cơ sở giáo dục triển khai. Việc này, được thực hiện thường xuyên để chính các đơn vị phải cạnh tranh lẫn nhau.
Đây là khâu quan trọng để "lọc" những đơn vị không bảo đảm an toàn, giúp các nhà trường trên địa bàn huyện Mù Cang Chải nói riêng và các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh nói chung thực hiện tốt công tác chăm sóc học sinh. Dựa trên danh sách này, các nhà trường chủ động lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế và sự thỏa thuận với phụ huynh, tuyệt đối không có sự chỉ định.
Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng Phòng GDĐT huyện Văn Yên cho biết: Việc tổ chức thẩm định, lựa chọn, lập danh sách các nhà cung ứng thực phẩm đảm bảo, đã được Phòng phối hợp thực hiện từ năm học 2019 - 2020. Các đơn vị trường cũng đã trực tiếp đến kiểm tra từng nhà cung ứng, thực hiện niêm yết thông tin các nhà cung ứng lên bản tin của nhà trường, có số điện thoại, địa chỉ để phụ huynh theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Với cách làm này, phụ huynh và học sinh có thể hoàn toàn yên tâm bởi các nhà cung ứng đều đã được các cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt; gắn được trách nhiệm của chính quyền địa phương vào việc kiểm tra, giám sát cùng nhà trường, phụ huynh.
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành GDĐT cũng đã tăng cường nguồn kinh phí hỗ trợ mỗi năm cho việc xây dựng bếp ăn bán trú; huy động nguồn lực từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà bếp; khuyến khích các trường chủ động, linh hoạt huy động xã hội hóa cơ sở vật chất để hoàn thiện trang thiết bị, dụng cụ chuyên dùng theo các quy định, đảm bảo VSATTP.
Ngoài ra, ngành GDĐT thường xuyên phối hợp với ngành y tế phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật về VSATTP, tác hại của thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Công tác đảm bảo vệ sinh trong trường học cũng được các trường quan tâm thực hiện. Trường học sạch sẽ, phòng học có đủ ánh sáng, nhà tiêu hợp vệ sinh, dụng cụ chứa rác thải và xử lý rác thải hằng ngày được thực hiện đúng quy định... Tất cả đã góp phần đảm bảo sức khỏe, hỗ trợ phát triển toàn diện thể lực, trí lực cho học sinh.
Hoài Anh