Ngày 16-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo”. Đồng chí Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo chủ trì buổi tọa đàm.
Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; PGS.TS. Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương...cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học,đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị trong Ban Tuyên giáo Trung ương, đại diện Lãnh đạo các Tạp chí khối các cơ quan Đảng Trung ương... đã đến dự và phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Thành Vinh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo cho biết, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động đang được thực hiện "mở rộng" với hai nội dung cơ bản: "dân chủ hoá về chính trị" và "tự do hoá về kinh tế". Vấn đề "nhân quyền" và "dân chủ" được coi là vũ khí lợi hại, nhằm "chuyển hóa hòa bình" các nước xã hội chủ nghĩa theo tư bản chủ nghĩa.
Đối với nước ta, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường ráo riết các hoạt động “diễn biến hòa bình”, đặc biệt là sử dụng triệt để mạng internet để truyền bá các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH của nước ta. Đối tượng mà chúng nhằm vào là một bộ phận cán bộ trong Đảng, kể cả cán bộ cấp cao, đang giữ những vị trí trọng trách trong bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống chính trị, cán bộ hoạch định chiến lược, cán bộ làm công tác tư tưởng lý luận, công tác, tổ chức...; một bộ phận trí thức và tầng lớp văn nghệ sỹ có nhạy cảm cao về chính trị xã hội; thanh niên, sinh viên, thiếu vốn sống và kinh nghiệm, mức độ kiềm chế và năng lực đề kháng trước những cám dỗ, dễ bị lôi kéo bởi những luồng thông tin sai lệch; những phần tử cơ hội chính trị có quan điểm sai trái, đối lập với chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là những thành phần cực đoan, sẵn sàng tiếp tay cho các thế lực thù địch, tập hợp lôi kéo lực lượng chống phá ta từ bên trong; một bộ phận khác trong nhân dân do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng mua chuộc dụ dỗ, nhất là đối với đồng bào dân tộc ít người, đồng bào theo các tôn giáo... thường bị kích động, lôi kéo, trở thành quân cờ chính trị trong tay các thế lực thù địch.
Đặc biệt là trong thời điểm Đảng ta đang chuẩn bị tiến hành Đại hội XII, các thế lực thù địch đang tăng cường, ráo riết trong các luận điệu, quan điểm sai trái, tấn công vào đường lối của Đảng, bài bác các chủ trương, quan điểm, quyết sách của Đại hội XII. Trọng tâm trong nhiều luận điểm mới tấn công nội dung văn kiện Đại hội XII là bôi nhọ, chia rẽ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi đổi tên Đảng, tên nước, phủ định Điều 4 Hiến pháp 2013. Thực chất mưu đồ của chúng là kích động tự diễn biến, tự chuyển hóa, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Trước những diễn biến đó, cho thấy sự phức tạp và nguy hiểm trong âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Điều đáng quan tâm là, trên thực tế, có không ít các quan điểm sai trái, thù địch... đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là một bộ phận trí thức và thanh niên, sinh viên; gây mất phương hướng, sa sút niềm tin, làm hạn chế vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước... Tình hình đó, đặt ra cho cách mạng nước ta những nhiệm vụ cấp bách, là phải nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, báo chí là một trong những phương tiện quan trọng trong cuộc đấu tranh lâu dài và phức tạp này.
Tạp chí Tuyên giáo là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, có chức năng nghiên cứu lý luận, cung cấp thông tin và định hướng về công tác tuyên giáo; là diễn đàn trao đổi ý kiến về các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực tuyên giáo. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tạp chí là tham gia đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phê phán kịp thời các quan điểm sai trái, các biểu hiện tiêu cực; giáo dục bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để tạo nên sức mạnh trong đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, Tạp chí Tuyên giáo phải thực sự trở thành một trong những vũ khí sắc bén, cùng với các báo và tạp chí của Đảng đi tiên phong trong công tác này. Thực tiễn cho thấy, trong nhiều năm qua, Tạp chí Tuyên giáo đã xây dựng, duy trì chuyên trang “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Trong đó, đăng tải nhiều bài viết phê phán, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Các ý kiến, tham luận tại buổi tọa đàm đã tập trung thảo luận, làm rõ hơn cơ sở lý luận và những luận cứ khoa học trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tưởng của Đảng, trong đó làm rõ nguyên nhân, nguồn gốc của “diễn biến hòa bình”. Đồng thời, đưa ra những luận điểm mới về các quan điểm sai trái, thù địch cần đấu tranh, phê phán trên báo chí nói chung và Tạp chí Tuyên giáo nói riêng. Từ đó, nắm chắc bản chất, quan điểm sai trái, thù địch; nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng đối với nước ta; Nghiên cứu dự báo xu hướng các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục chống phá; xác định rõ thái độ, quan điểm, hình thức, phương pháp đấu tranh phê phán, bác bỏ quan điểm sai trái thù địch; nâng cao nhận thức và khẳng định những giá trị và những thành tựu của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc đổi mới cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng ta.
Trong cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp này, đòi hỏi Tạp chí Tuyên giáo phải bám sát các luận cứ khoa học để xây dựng chương trình, nội dung các bài viết phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của xã hội. Thông qua các bài viết, làm cho cán bộ, đảng viên hiểu rõ âm mưu, mục tiêu của “diễn biến hòa bình”; hiểu rõ các thủ đoạn, các hình thức mà chúng tiến hành để nêu cao tinh thần cảnh giác và có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.
Đổi mới nội dung, phương thức phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi, chính nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng - lý luận hiện nay của Đảng, nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây “điểm nóng” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận toàn dân trong xã hội. Từ đó, các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp, khuyến nghị để đổi mới, nội dung, phương thức phê phán, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm của Tạp chí; để đảm bảo tính kịp thời, tính chiến đấu, tính thuyết phục và tính hấp dẫn trên các bài viết khi phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Các ý kiến cũng cho rằng, cần lựa chọn phương pháp, cách thức thông tin phù hợp để nâng cao hiệu quả phê phán, phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Trong xu hướng thông tin phát triển hiện nay, cần lựa chọn phương pháp đối thoại, tranh luận, thông tin đa chiều có định hướng, thay cho cách thức độc thoại, một chiều sơ cứng.
Các ý kiến đã bổ sung và làm rõ hơn một số kinh nghiệm đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng. trong đó nêu ra một số kinh nghiệm để trao đổi như: Kinh nghiệm tập hợp các cây bút giỏi, xây dựng các bài viết đấu tranh sắc sảo gắn với phát động phong trào bạn đọc tham gia đấu tranh; tổ chức tuyên truyền bài bản, hệ thống, thường xuyên, liên tục; giành thế chủ động, phản ứng kịp thời, sắc bén; luôn phát huy thế mạnh của từng tờ báo, kết hợp giữa xây và chống trong thực hiện nhiệm vụ chống “diễn biến hoà bình”; xác định rõ những nội dung cần tập trung đấu tranh; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ tác giả, nhất là chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, mài sắc ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho đội ngũ những người trực tiếp cầm bút; nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, phóng viên; tổ chức lực lượng chuyên sâu trong nghiên cứu và tuyên truyền chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Phát biểu kết thúc buổi Tọa đàm, TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu những ý kiến quý báu và tâm huyết, sâu sắc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm. Đồng chí khẳng định, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nói chung, chống quan điểm sai trái, thù địch nói riêng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan ngôn luận của Ban cần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức phê phán, phản bác các quan điểm sai trái để nâng cao hiệu quả trong cuộc đấu tranh này.
Đồng chí Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo, thay mặt Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "Đổi mới nội dung, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo" đã cảm ơn tất cả những ý kiến quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Các ý kiến tâm huyết này tại buổi tọa đàm sẽ được tiếp thu đưa vào nội dung của Đề tài, đồng thời cũng là những cơ sở quan trọng để Tạp chí ngày càng nâng cao chất lượng nội dung các ấn phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay./.
Thu Hằng