Chủ Nhật, 8/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 3/9/2018 13:23'(GMT+7)

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Đường cách mệnh dẫn câu nói nổi tiếng của Lênin: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong". Quán triệt quan điểm trên, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác lý luận chính trị, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: “tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng". Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 20-4-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị căn cứ vào nội dung của Nghị quyết để xây dựng các chương trình, đề tài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn triển khai Nghị quyết Đại hội XII, khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình giảng dạy lý luận chính trị sát với từng đối tượng cụ thể".

Có thể khẳng định, giảng viên là người có vai trò quan trọng trong việc định hướng phương pháp học tập cho học viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên và học tập của học viên, người giảng viên cần không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Phương pháp giảng dạy của giảng viên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài giảng của giảng viên và kết quả học tập của học viên trên lớp. Có một thực trạng hiện nay về phương pháp giảng dạy vẫn còn lạc hậu, nặng về truyền thụ một chiều, thầy đọc, học viên ghi, ít phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Phương pháp giảng dạy theo lối truyền thống đó đã làm cho học viên thiếu sự tìm tòi, sáng tạo, khiến cho bài học nhàm chán, không lôi cuốn, hấp dẫn học viên, giảng viên mất rất nhiều sức nhưng hiệu quả lại không cao.

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị phải xuất phát từ yêu cầu của sự hội nhập giáo dục và đào tạo khi Việt Nam gia nhập WTO. Gia nhập WTO, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đứng trước nhiều cơ hội, song cũng đan xen những thách thức. Đặc biệt việc học lý luận chính trị sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, bởi thế giới, nhất là các nước phát triển hầu như không dạy và học các môn này, mà nếu có học cũng chỉ học triết học và kinh tế chính trị học nói chung; đổi mới phương pháp giảng dạy còn xuất phát từ đối tượng người học – là những cán bộ, công chức, viên chức có thâm niên công tác, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao; đổi mới phương pháp giảng dạy xuất phát từ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay. Do đó, việc giảng dạy lý luận chính trị dứt khoát phải đổi mới mạnh mẽ.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của giảng viên, cần đổi mới phương pháp giảng dạy, cụ thể:

Một là, giảm thời gian thuyết trình của giảng viên, trong một buổi giảng bài, giảng viên chỉ được thuyết trình tối đa 75% tổng thời gian; thời gian còn lại dành cho trao đổi, thảo luận; mời các nhà lãnh đạo các cấp, các chuyên gia thực tiễn trong các lĩnh vực liên quan báo cáo chuyên đề, đồng chủ trì các buổi thảo luận; giảng viên lên lớp bắt buộc phải soạn bài trên phần mềm trình chiếu (Power Point).

Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm. Trong đó, phương pháp giảng dạy của giảng viên phải khuyến khích học viên tự học hỏi, tự phát huy sáng kiến, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn. Tạo cơ hội cho học viên tham gia tích cực vào quá trình dạy học; giảng viên đóng vai trò là nguồn thông tin chính, nhưng cũng là người thúc đẩy quá trình học của học viên. Theo Điều 4 mục 2 Luật Giáo dục cũng nêu rõ: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo cho người học, bồi dưỡng năng lực tự học, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”. Bài học được sử dụng chủ yếu để phân tích, tìm hiểu những kiến thức cơ bản và thực hành đòi hỏi tư duy như: phân tích, tranh luận, áp dụng, sáng tạo và ra quyết định. Những kiến thức thông thường, những dữ kiện thì học viên sẽ tự tìm kiếm trong các loại tài liệu tham khảo từ các nguồn. Vì vậy, để nâng cao chất lượng bài giảng, trong quá trình giảng dạy người giảng viên cần sử dụng linh hoạt, sáng tạo tổng hợp các phương pháp như: phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp tổ chức học viên theo nhóm hợp tác, phương pháp thuyết trình của giảng viên kết hợp với sử dụng giáo án điện tử, trong đó:

Đối với phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề, giảng viên đặt ra những tình huống có vấn đề và điều khiển hoạt động của học viên nhằm giúp họ độc lập giải quyết các vấn đề học tập, tạo điều kiện cho việc lĩnh hội tri thức mới và hành động mới, hình thành năng lực tư duy sáng tạo cho học viên. Giảng viên thực sự là người thúc đẩy học viên hoạt động tích cực tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu, phải xác định rõ ràng học viên là người trực tiếp tái tạo lại kiến thức chứ không phải là giảng viên làm thay.

Đối với phương pháp giảng dạy tổ chức học viên theo nhóm hợp tác, giảng viên giao các nhiệm vụ cho nhóm học viên thực hiện, từ đó học viên tích cực tìm tòi tài liệu, nghiên cứu thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bên cạnh đó giảng viên luôn quan tâm định hướng hoạt động đọc, nghiên cứu của học viên để họ thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Ở đây học viên được tập dượt kỹ năng nghiên cứu tài liệu mới một cách khoa học, biết phân tích, phê phán những ý kiến khác nhau trước một chủ đề nêu ra.

Ba là, giảng viên quan tâm đến đặc điểm tư duy của học viên, hướng dẫn định hướng cho học viên tìm tài liệu và nghiên cứu tài liệu. Trong giờ lên lớp, bên cạnh việc giới thiệu bài giảng, người giảng viên cần giới thiệu cho học viên những loại tài liệu tham khảo cần thiết, giới thiệu nguồn tìm kiếm, hướng dẫn cách tiếp cận, khai thác thông tin từ tài liệu. Nhờ đó, học viên sẽ tìm kiếm và khai thác tài liệu theo sự hướng dẫn của giảng viên; sau đó giảng viên cùng kiểm tra, đánh giá việc đọc tài liệu của học viên để học viên rút kinh nghiệm, đồng thời có thêm động lực tiếp tục hoàn thiện kỹ năng đọc.

Như vậy, giảng dạy lý luận chính trị phải xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội và phải trở lại phục vụ, giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, do đó đòi hỏi phương pháp dạy và học lý luận chính trị cũng phải rất thực tiễn và không ngừng được đổi mới. Trong bối cảnh hiện nay, trước hàng loạt vấn đề mới đặt ra từ đời sống xã hội sinh động của đất nước và thế giới, việc truyền bá một chiều, áp đặt, duy ý chí từ phía giảng viên sẽ không còn phù hợp. Do đó, đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại... tiếp tục được xem là giải pháp hữu ích.

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Cường

Trường Chính trị tỉnh Hà Nam

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất