Thứ Sáu, 22/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 17/7/2018 14:56'(GMT+7)

Vài suy nghĩ về đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII)

Nếu như chúng ta vào Google tìm kiếm cụm từ “phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”, một cụm từ dài tới 21 từ như vậy, nhưng chỉ trong vòng chưa tới 1 phút, kết quả tìm kiếm sẽ là danh sách của hơn 1,1 triệu bài viết trên mạng.

Một kết quả tương tự cũng đem đến cho chúng ta khi tìm kiếm cụm từ “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những con số biết nói trên đã khẳng định công tác tuyên truyền về Chỉ thị 05-CT/TW, cũng như về Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương trên cả nước. Không những được quan tâm, mà công tác tuyên truyền cũng đạt nhiều kết quả cụ thể. Điều chúng ta cần suy nghĩ nên tập trung vào những phương thức cụ thể để tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền. Cụ thể hơn, là cần làm thế nào để tạo thêm sức cuốn hút, gia tăng ấn tượng và tác động tích cực tới xã hội từ công tác tuyên truyền vốn đã và đang được quan tâm thực hiện. 

Một là, tăng cường tuyên truyền về người thật, việc thật. 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều năm theo dõi những việc làm tốt hằng ngày của những người bình thường, người thật, việc thật trong bộ đội, công nhân, nông dân, trí thức, phụ lão, phụ nữ, thiếu nhi; trong các ngành, các giới, các địa phương, ở miền ngược, miền xuôi và bà con kiều bào mới về nước. Những người đã làm công việc không do mình phụ trách, không vì quyền lợi của bản thân hay của người quen biết. Bác tự lựa chọn những việc làm ý nghĩa để trao tặng huy hiệu của mình. Tháng 6 năm 1968, chỉ có 2 tháng trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người đã chỉ đạo việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để mỗi người đều có thể noi theo, học tập. Và hàng chục năm sau khi Người ra đi, những cuốn sách này vẫn còn được tiếp tục xuất bản. Những câu chuyện nhỏ mà nghĩa lớn, những tấm gương bình dị mà cao quí, tự mang theo trong mình sức cuốn hút, sức hấp dẫn, động lực và truyền cảm hứng cho độc giả.

Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... tạo nên ý nghĩa lớn lao. Trong giao lưu điển hình học tập và làm theo Bác năm 2017, một cán bộ dân vận người dân tộc của Bát Xát, Lào Cai đã khái quát một chân lý hết sức mộc mạc: “hãy nói với mọi người bằng chính cái tâm của mình; để rồi mưa dầm sẽ thấm lâu; mưa càng lâu, thấm càng sâu và cho đến khi không mưa thì đất vẫn còn ẩm”. Công tác tuyên truyền của chúng ta cũng cần kiên trì hệt như vậy.

Hai là, kết hợp “xây” với “chống”, lấy “xây” để “chống”. 

Nhìn lại những năm tháng chiến tranh, khi chia rõ 2 phe “địch” - “ta”, thì đen – trắng thật rõ ràng, chân lý thật đơn giản. Nhưng trong điều kiện ngày nay, khi chúng ta phải "đấu tranh" trong hòa bình, khi ta – địch, trở thành đối tượng – đối tác, không phải lúc nào ranh giới cũng rõ ràng, cũng hiển nhiên, không phải khi nào cũng phân biệt được. 

Hơn thế nữa, cuộc đấu tranh xây dựng, chỉnh đốn Đảng là cuộc đấu tranh trong nội bộ, giữa những người đồng chí, đồng nghiệp. Thậm chí, đây là cuộc đấu tranh với chính bản thân mình, đấu tranh với những mặt còn hạn chế, còn tiêu cực trong chính bản thân mỗi con người chúng ta. Bởi vì thế, nên cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh thường xuyên, liên tục, không phải “ai thắng ai” mà là tự điều chỉnh, tự hoàn thiện, giống như “đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, không ai là không phải thực hiện.

Do đó, “xây” thực sự rất quan trọng, bắt buộc phải lấy “xây” để “chống”. Trong mỗi bài viết, kể cả khi chỉ ra và phân tích, phê phán cái sai, cái ác, cái xấu, luôn luôn phải chỉ rõ phương hướng để đấu tranh và xây dựng niềm tin vào sự chiến thắng của cái tốt đẹp, của những mặt tích cực. 

Ba là, sử dụng văn học, nghệ thuật trong công tác tuyên truyền.

Không phải không có lý do khi mà Ban Bí thư Trung ương Đảng kiên trì tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo Bác suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, từ Đại hội X cho tới nay. 

Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng, trong 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, sáng tạo văn học, nghệ thuật về đạo đức, về nhân cách con người chưa có những tác phẩm thực sự đi vào lòng người và đọng lại sâu sắc. Chúng ta còn không ít tác phẩm chưa khắc họa được rõ nét những nhân vật điển hình mang tính tích cực xã hội, thậm chí có nội dung thiếu tính xây dựng, phản giáo dục, phản đạo đức, phản nhân cách, còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật.

Ngay cả về chủ đề ca ngợi truyền thống yêu nước, một chủ đề có thể nói là dễ viết nhất, hiện nay cũng đang để lại nhiều khoảng trống trong thơ, ca, văn học, điện ảnh, sân khấu...

Thiết nghĩ, các cơ quan báo chí trong nhiều ấn phẩm của mình, nhất là ấn phẩm điện tử, nên chăng dành một phần thỏa đáng cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật khắc họa hình ảnh con người mới, mô tả cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái tốt, cái tích cực với cái xấu, cái tiêu cực từ chính trong nội bộ và nhất định phải gieo cho được niềm tin vào sự chiến thắng của cái thiện, của sự trung thực, của cái đẹp trước cái ác, cái giả dối, cái xấu xa. Đó chính là cách đi vào lòng người dễ nhất và ở lại lâu nhất, lắng đọng và lan tỏa nhất.

Bốn là, chú ý đầu tư nghiên cứu, tăng tính hấp dẫn, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. 

Năm 2017, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 5 Hội nghị giao lưu điển hình tạo được ấn tượng tốt. Quân  ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương và rất nhiều địa phương như Hà Nội, Hà Nam... cũng đã tổ chức các hội nghị giao lưu điển hình rất có sức thuyết phục. 

Cần tổ chức và mở rộng các hình thức giao lưu điển hình để tạo sức lan tỏa từ các gương người tốt, việc tốt ra diện rộng. Các cơ quan báo chí của các bộ, ngành và địa phương nên phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức giao lưu, gặp mặt, trao thưởng để động viên các bạn trẻ làm những việc tốt theo gương Bác. Đặc điểm của giới trẻ là luôn mong muốn được cống hiến, được làm việc có ý nghĩa với xã hội, bằng chứng là có hàng trăm trang mạng, block của các bạn trẻ lập ra để đóng góp cho cộng đồng, xây dựng lối sống tích cực...

Ngoài ra, có thể tổ chức một số diễn đàn, giao lưu trực tuyến, phỏng vấn các chuyên gia, nhà nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới việc học và làm theo Bác; góp phần làm lan tỏa mạnh mẽ hơn những tấm gương, những mô hình tốt, cách làm hay trong thực tiễn/.

PGS. TS. Nguyễn Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ Lý luận Chính trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất