1. Mảng sách lý luận chính trị có nhiệm vụ quan trọng, đáp ứng nhu cầu đọc, cung cấp thông tin, tri thức về lý luận chính trị của các tầng lớp nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước. Sách lý luận, chính trị chủ yếu tập trung xuất bản ở một số NXB như NXB Lý luận chính trị, NXB Công an nhân dân, NXB Quân đội Nhân dân, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, một số NXB tổng hợp của các cơ quan bộ, ngành khác, trong đó, nòng cốt là NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Ngày 27-1-2003, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư (2003-2018), công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã có bước phát triển toàn diện cả về số lượng và chất lượng. Đã xuất bản được một số bộ sách lý luận, chính trị lớn, quan trọng về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện Đảng; sách phổ biến, tuyên truyền pháp luật; sách nghiên cứu lý luận, chính trị; sách về các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng… được xem như những “cột mốc” trong lịch sử xuất bản Việt Nam hiện đại. Nhiều công trình, tác phẩm quan trọng về lý luận, chính trị, văn hóa, pháp luật, về những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đổi mới, về thành tựu và kinh nghiệm công cuộc đổi mới ở nước ta được xuất bản và công bố.
Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã được các NXB quan tâm cải tiến, từng bước thích ứng dần với cơ chế thị trường và nhu cầu của bạn đọc. Nhiều bộ sách chính trị phổ thông, biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, đề tài sát với thực tiễn nhu cầu trang bị kiến thức lý luận, chính trị của từng đối tượng đã dần thay thế những cuốn sách lý luận, chính trị theo kiểu kinh điển, tuyên truyền một chiều, thiếu thuyết phục, hấp dẫn. Tư duy khép kín của người viết và xuất bản đã một phần giải tỏa, tư duy mở từng bước được khẳng định. Tính chiến đấu, chất lượng chính trị dành cho sách lý luận được yêu cầu ở mức độ cao hơn; tính khoa học, tính thực tiễn, tính thuyết phục là tiêu chí hàng đầu đặt ra của sách lý luận chính trị hiện nay.
2. Những năm qua, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị đã có bước chuyển biến tích cực. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại của sách lý luận chính trị ngày càng phong phú và đa dạng.
Công tác phát hành sách lý luận, chính trị có một số chuyển biến. Nhiều chương trình, tủ sách phục vụ cán bộ, nhân dân đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí tài trợ, hỗ trợ xuất bản, in ấn. Tính từ năm 2009 đến nay, hàng trăm nghìn đầu sách với hàng vạn bản sách được đưa về khắp các cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành của cả nước, bước đầu tạo được khí thế mới đối với phong trào đọc sách trong nhân dân. Nhiều cuốn sách là nguồn tài liệu thiết yếu đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; góp phần phổ biến kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật; trang bị các kỹ năng cần thiết dành cho nhiều đối tượng, áp dụng vào đời sống nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị còn có không ít hạn chế: tính thực tiễn, tính hấp dẫn của sách lý luận chính trị chưa cao, sách áp dụng sinh động vào đời sống thực tiễn chưa nhiều. Số lượng sách lý luận, chính trị tính bình quân theo đầu người còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Tính bình quân ở Việt Nam hiện nay, mỗi người chỉ đọc xấp xỉ 4 bản sách/người/năm, bao gồm cả sách giáo khoa là sách công cụ trong nhà trường, chứ chưa nói đến tỷ lệ sách dành cho lý luận chính trị; cơ cấu sách chưa hợp lý, còn ít sách chuyên đề, sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; hình thức, nội dung sách chưa phong phú, chưa thật sự phù hợp với các đối tượng và vùng, miền khác nhau. Sách đấu tranh chống tiêu cực, phê phán, phản bác các quan điểm sai trái chưa sắc bén, kịp thời. Sách dành cho nhân dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn ít. Chất lượng một số công trình nghiên cứu chưa giải đáp đúng, sâu sắc những vấn đề thực tiễn công cuộc đổi mới đặt ra. Chất lượng một số đầu sách lý luận chính trị chưa hấp dẫn và thật sự có ích cho bạn đọc. Đội ngũ viết sách lý luận chính trị hiện nay còn mỏng và hạn chế, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tác giả ngại viết, ngại “đầu tư” cho chủ đề này vì tính khô khan đối với chủ đề lý luận chính trị và một phần, do chế độ đãi ngộ viết cho mảng sách này chưa được thỏa đáng.
3. Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xuất bản sách lý luận chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều văn bản chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị được ban hành và đi vào thực tiễn; nhiều đề án, chương trình của Trung ương, Chính phủ dành cho sách, trong đó có sách lý luận chính trị được xây dựng, triển khai, phổ cập đến toàn dân, góp phần tăng cường và đổi mới công tác xuất bản sách lý luận chính trị.
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, sách lý luận chính trị cũng phải đồng hành cùng công tác tư tưởng, lý luận; thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc góp phần truyền bá những giá trị kiến thức, những vấn đề lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, cung cấp cho bạn đọc hệ thống những tri thức về khoa học chính trị, triết học, đạo đức, pháp luật… giúp cho việc củng cố và xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan của con người thời kỳ mới.
Để thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự chủ động, tích cực từ phía các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, các cấp ủy trong công tác chỉ đạo, quản lý xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị, cụ thể:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác xuất bản sách lý luận chính trị phù hợp với tình hình mới; chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; gấp rút xây dựng và thực hiện chiến lược xuất bản sách lý luận chính trị ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Hai là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các NXB, các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị. Các NXB, các đơn vị phát hành sách lý luận, chính trị cần chủ động đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Nâng cao năng lực tài chính, năng lực tổ chức bản thảo, biên tập, phát triển thị trường và khả năng cạnh tranh; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, có tầm nhìn. Trong đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thực hiện chức năng tư tưởng - văn hóa và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; chủ động xây dựng, củng cố, phát triển mạng lưới cộng tác viên sách lý luận, chính trị, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nhà khoa học, quản lý, giáo dục, hoạt động thực tiễn… tích cực tham gia biên soạn sách lý luận, chính trị.
Ba là, xây dựng đội ngũ biên tập viên có trình độ khoa học cao, có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và có kỹ năng giao tiếp khoa học, ứng xử văn hóa. Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản sách lý luận chính trị, theo hướng chuyên sâu về chuyên môn, vững vàng về chính trị, tiếp cận dần với công nghệ xuất bản tiên tiến, hiện đại của thế giới.
Bốn là, quan tâm xuất bản một số sách lý luận chính trị theo hướng phổ cập, phổ thông, ngắn gọn, sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu cho đông đảo quần chúng mà vẫn thể hiện được nội dung cốt lõi. Cần tránh khuynh hướng tập trung cho việc xuất bản những sách lý luận, chính trị có độ dày quá lớn, chỉ nhằm diễn giải, phân tích về mặt lý thuyết, mà không gắn với thực tiễn, đồng thời khó có khả năng phát hành rộng rãi trong cán bộ và công chúng.
Năm là, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Nghiên cứu, điều chỉnh các luật phù hợp để có sự thống nhất trong việc hỗ trợ, đầu tư xuất bản sách đặc thù: hỗ trợ về thuế (0% đối với sách lý luận chính trị); hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hỗ trợ bằng chính sách đặt hàng của Nhà nước, trợ giá, cước, dịch tác phẩm ra tiếng nước ngoài; xây dựng và triển khai các chương trình quốc gia về xuất bản sách lý luận, chính trị hằng năm và dài hạn, nhằm phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, đáp ứng nhu cầu xã hội và bảo đảm khắc phục tình trạng thiếu sách, trắng sách.
Nguyễn Mỹ Linh