(TG)-Giáo dục giáo dục lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm bồi dưỡng về lý luận chính trị, truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và quản lý Nhà nước cho cán bộ, đảng viên... góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng để đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng đáp ứng với yêu cầu mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Do đó, đối tượng cán bộ tham gia các lớp tập huấn tại trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện không chỉ được lĩnh hội, bồi dưỡng về tri thức mà còn phải rèn luyện những kỹ năng cơ bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức phong trào; rèn luyện tác phong, tính sáng tạo, độc lập trong làm việc...
Vậy, tầm quan trọng, ý nghĩa và tính cấp bách của việc đổi mới phương pháp dạy học quyết định đến việc nâng cao chất lượng dạy học, cũng là một vấn đề cấp bách quyết định đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Trước hết về đánh giá các nhân tố ảnh hưởng, tác đội đến quá trình dạy học, đổi mới phương pháp tại trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện nói chung.
Về công tác phục vụ dạy-học, hiện nay các trung tâm bồi dưỡng chính trị cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới nội dung, cải tiến phương pháp, hình thức dạy học như thành lập Tiểu ban đánh giá chất lượng giảng viên kiêm chức, mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy học; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở huyện và cử giảng viên tham gia lớp học ở tỉnh; chủ động về xây dựng chương trình, kế hoạch chiêu sinh đào tạo và tạo mọi điều kiện cho giảng viên tham gia giảng dạy.
Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học ngày càng được hoàn thiện như trang bị các phương tiện dạy học hiện đại (màn hình, máy chiếu, hệ thống âm thanh), phòng học khang trang, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Có hệ thống biển bảng thông báo quy định, quy chế tạo nên tính trang nghiêm và tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho giảng viên, học viên trong quá trình tham gia các lớp tập huấn. Tuy nhiên một số khó khăn khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học là trong khâu kiểm tra, đánh giá còn thực hiện theo phương pháp truyền thống là kiểm tra viết nên để đánh giá ''sản phẩm'' của quá trình dạy học đã được ''hấp thụ'', ''chuyển hóa'' qua người học chưa được phát huy mà mới chỉ dừng lại chủ yếu về kiểm tra trí nhớ. Đây là vấn đề khó khăn vì đội ngũ cán bộ ở Trung tâm ít, đội ngũ giảng viên kiêm chức bận rộn về công việc chuyên môn nên để tổ chức kiểm tra vấn đáp là rất khó khăn.
Mặt khác, để đổi mới phương pháp dạy học thì người học phải có tài liệu nghiên cứu trước để dành thời gian lên lớp tiến hành thảo luận, trao đổi, xử lý tình huống. Nhưng thực tế hiện nay các lớp bồi dưỡng tại trung tâm chỉ diễn ra trong khoảng 3- 4 ngày, thời gian ngắn, học viên đông nên công tác phục vụ tài liệu cũng khó khăn. Một số phương tiện dạy học khác còn thiếu như bảng ghim, nam châm dính ở bảng từ để giữ các phiếu hoặc các bảng, tranh, ảnh minh hoạ.
Đối với đội ngũ giảng viên kiêm chức, trong thực tế khi tiến hành đổi mới phương pháp dạy học, đối với người dạy có khá nhiều trở ngại khách quan và chủ quan. Nhưng vấn đề thuận lợi nhất ở giảng viên kiêm chức là những người vừa trực tiếp làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở, đồng thời vừa là người tham gia giảng dạy nên nắm bắt cơ sở sâu sát, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, hiểu biết rõ về những ''lỗ hổng'', những mặt yếu của đội ngũ cán bộ cơ sở. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều khó khăn như giảng viên kiêm chức thường dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn nên từ soạn giáo án đến tìm hiểu thông tin trau dồi cho bài giảng hạn chế. Đáng kể nhất đối với không ít giảng viên đó chính là những cản trở về mặt tâm lý. Đứng trước việc phải thay đổi phương pháp dạy học, người giảng viên thường phải vượt qua các trở ngại chính về tâm lý.
Trở ngại đầu tiên đó là tâm lý lo lắng. Bất cứ sự đổi mới nào cũng chứa đựng ít nhiều những khó khăn như phương pháp mới tiếp cận chưa nhuần nhuyễn, trong đó phương pháp dạy truyền thống đã quen thuộc. Xử lý các tình huống xảy ra trong xã hội thông tin hiện nay nhiều học viên không chỉ tiếp cận thông tin giới hạn trong làng bản, xã hay huyện mà người học tiếp cận được nhiều thông tin mới nếu hỏi giảng viên, giảng viên không trả lời được thì sao, ngại lắm!
Sợ tích cực đối thoại, phát vấn nhiều sẽ không đủ thời gian thực hiện kế hoạch giảng dạy, sẽ lại “cháy giáo án”, nhất là ở những bài học về lý luận chính trị thường có nội dung dài trong khi thời gian phân bổ lại hạn hẹp. Ngại cho học viên thảo luận, nêu lên những vấn đề “nhạy cảm” hoặc quá khó, không thể xử lý được. Tâm trạng này có thể thấy ở những giảng viên ít tìm hiểu nắm bắt những thông tin mới, những cái hiện đại mình chưa được tiếp cận, tích lũy chưa được nhiều trong khi học viên phần lớn lại là cán bộ kinh nghiệm qua công tác nhiều năm, có một số có đầy đủ phương tiện cập nhận thông tin như Internet.
Ngại phải hao tốn nhiều thời gian, công sức để đầu tư, soạn lại giáo án của tất cả các bài giảng cho phù hợp với phương pháp, phương tiện, hình thức dạy học mới. Điều này thể hiện khá rõ nét ở các giảng viên đã giảng dạy lâu năm, giảng dạy nhiều bài. Cá biệt, có giảng viên sợ gặp những sự cố về thiết bị kỹ thuật trong khi tiến hành dạy học theo phương pháp mới như sử dụng màn hình, máy tính, máy chiếu. Thậm chí, ở một ít giảng viên còn tồn tại băn khoăn rằng các phương pháp dạy học mới đi kèm các phương tiện nghe nhìn hiện đại một khi bị lạm dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thao tác.
Đối với học viên, điều thuận lợi nhất đối với học viên học tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị là những người ''trong cuộc'', những người trực tiếp triển khai thực hiện để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Nên họ có kinh nghiệm thực tiễn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào và các thông tin về cơ sở. Đây là sự gặp gỡ, giao thoa hay nói cách khác là điểm mạnh của học viên và giảng viên kiêm chức. Nếu như trong quá trình dạy học người giảng viên biết khơi dậy những thông tin này rất tốt, vừa cùng với học viên giải quyết được vấn đề bài học đặt ra, đồng thời vừa phát huy được tính tích cực của người học và bản thân người giảng viên cũng thu được thông tin ngược và học tập ở chính người học viên.
Song, bên cạnh đó người học viên cũng có một số hạn chế như ảnh hưởng sâu sắc thói quen từ nền giáo dục cũ là phương pháp dạy học truyền thống, thường là ''đọc- chép'' nên ngại phát biểu ý kiến và nói lên những chứng kiến, suy nghĩ của mình để trao đổi, thảo luận, nhất là khi gặp vấn đề khó. Do đó khi giảng viên đặt câu hỏi hay nêu vấn đề học viên thường không trả lời. Hơn nữa, lớp tập huấn thời gian cũng quá ngắn để các học viên tìm hiểu, tạo mối quan hệ thân mật, cộng tác trong làm việc nhóm. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý e ngại, rụt rè của người học hoặc ít hợp tác, trao đổi.
Đặc điểm tâm sinh lý của học viên hoàn toàn không đồng nhất như một lớp học gồm nhiều lứa tuổi, trình độ có người đại học, có người trung cấp, sơ cấp và thậm chí cũng có những người chưa học hết bậc học THPT. Mặt khác, đối tượng học viên là cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ thôn bản theo tính chất công việc nên thường là hoạt động trí óc gắn với hoạt động chân tay, ít khi ngồi yên một chỗ 3- 4 giờ đồng hồ. Nên khi tham gia lớp tập huấn phải ngồi liền trong nhiều ngày dễ tạo ra cảm giác khó chịu, thiếu ổn định, không chú ý tập trung bài học. Hơn nữa các lớp tập huấn tại trung tâm thường là thời gian ngắn, số lượng học viên tham gia lại đông nên để triển khai theo các phương pháp mới cũng rất khó.
Về giáo trình dạy học, đối với bộ môn lý luận chính trị thường ''khô khan'', trừu tượng, nội dung bài học thường kết cấu dài nên ảnh hưởng đến tâm lý người dạy sợ ''cháy giáo án''. Mặt khác, trong nội dung bài lại thường có nhiều thuật ngữ học viên ít được tiếp cận nên khó hiểu, buộc giảng viên phải dành nhiều thời gian để phân tích, giải thích.
Giáo trình thường mang tính ổn định, ít thay đổi trong nhiều năm liền, trong đó các thông tin cập nhật thay đổi nhanh buộc người dạy phải không ngừng cập nhật thông tin để bổ sung vào bài dạy. Hơn nữa, đối tượng học viên cũng mang tính ổn định nên hàng năm thường tham gia tập huấn và năm nào cũng học cùng chương trình đó nếu giảng viên thiếu cập nhật, đổi mới dễ gây nhàm chán.
Từ những nhận định, đề xuất và vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực phù hợp với tình hình thực tế và mạnh dạn nêu lên một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, công tác chuẩn bị: Đây là khâu hết sức quan trọng trong quá trình dạy học, cũng là yếu tố tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho giảng viên khi lên lớp. Công tác chuẩn bị theo tôi nên thực hiện theo các bước:
Bước 1: Trước hết giảng viên phải tìm hiểu sơ lược về đối tượng dạy, trả lời câu hỏi ''dạy cho ai?'' để khi trình bày vấn đề, thể hiện phong cách sư phạm, lấy dẫn chứng, ví dụ... cho phù hợp. Mặt khác, trong đối tượng đó bản thân mình quen biết những ai để bước đầu tạo bầu không khí tâm lý lớp học sôi nổi, cởi mở, thân mật.
Bước 2: Giảng viên nghiên cứu giáo trình, nội dung bài dạy và tìm kiếm những thông tin, ví dụ, dẫn chứng có liên quan. Yêu cầu người dạy phải nắm chắc nội dung và chuyển hoá nội dung thành cách hiểu của mình, cách diễn đạt của mình thì mới tạo điều kiện để khi lên bục giảng thoát ly được giáo án và trình bày các vấn đề một cách lôgíc. Nhưng muốn có thông tin người dạy phải có quá trình tích luỹ và nên ghi vào sổ những thông tin đã từng được đọc, nghe và chứng kiến rồi lựa chọn liên kết với nội dung dạy.
Bước 3: Thiết kế bài dạy. Trước hết nên xây dựng kế hoạch bài giảng, nó mang tính khái quát, tóm tắt khoảng chừng 1- 2 trang vì khi lên lớp người giảng viên thường bị cuốn hút theo nội dung bài dạy và khả năng hiểu biết của mình nên phân bổ thời gian không hợp lý. Trong đó giáo án lại thường dài, nhiều trang nên khả năng quan sát cũng hạn chế. Ví dụ trong mục (I) là 30 phút thì trong đó mục (1), (2), đã phân chia ước lượng thời gian bao nhiêu, người giảng viên chỉ cần quan sát qua và gợi nhớ ngay trong quá trình đã chuẩn bị và rất dễ ước lượng thời gian.
Đối với soạn giáo án để thuận lợi trong quá trình lên lớp vẫn dễ quan sát nên chia giáo án thành 3 cột (gồm thời gian, nội dung bài dạy và hoạt động của giảng viên và học viên). Trong thiết kế giáo án điều quan trọng nhất là người dạy phải dự kiến được các tình huống dạy học có thể xảy ra và nên đưa một hệ thống câu hỏi trong đó có câu hỏi chính và câu hỏi gợi mở để dẫn dắt.
Thứ hai, tiến hành lên lớp: Trước hết phải tạo bầu không khí tâm lý sôi nổi, hợp tác. Đối với giảng viên nên có khâu chuẩn bị tâm lý cho mình thoải mái, tự tin nhiều người thì thường quan niệm rằng dạy lý luận chính trị nên phải có tác phong nghiêm trang nên không nói vui hay cười đùa. Từ quan niệm đó dẫn đến lớp học thường ''nghiêm trang quá'', bầu không khí lớp học quá nặng nề mà những phút đầu đó không bao giờ kéo lại được. Nhất lại là đối tượng học viên thường là cán bộ cơ sở còn giảng viên là cán bộ cấp trên họ lại càng e ngại và thu mình lại, trong suốt quá trình dạy học không có sự trao đổi, hợp tác giữa thầy và trò. Đây cũng là nguyên nhân mà giảng viên đặt câu hỏi, học viên không dám trả lời. Vậy, tại sao chúng ta không có suy nghĩ rằng ''chơi mà học'', cởi mở, thân thiện với nhau để cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề.
Cách nêu vấn đề và đặt câu hỏi cũng đặc biệt quan trọng. Ở đây cũng có quan niệm rằng dạy lý luận chính trị thì các quan điểm đường lối của Đảng không được nói sai và nếu đặt câu hỏi không may học viên trả lời sai thì thật là “nguy hiểm”. Quan điểm đó dẫn đến giảng viên ngại đặt câu hỏi hay không ''dám'' thảo luận về nội dung bài học mà chỉ đọc cho học viên ghi và phân tích, giải thích qua là được.
Hơn nữa, giảng viên lại thường đưa ngay quan điểm, nguyên tắc, đường lối của Đảng để hỏi học viên. Ví dụ như dạy bài ''Phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam'' cho học viên đối tượng Đảng mà đặt câu hỏi '' Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam thì điều kiện nào được xét kết nạp Đảng?'' hay bài ''Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng'' giảng viên đặt câu hỏi '' Đồng chí hãy cho biết quan điểm của Đảng ta về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước?''... Gặp những dạng câu hỏi như thế này học viên thường sợ trả lời sai nên không dám trả lời. Do đó, nếu chúng ta cần sự hợp tác của học viên thì hãy đặt câu hỏi vào đúng ''miền nhận thức” của họ để khơi gợi, ví dụ như chúng ta đặt câu hỏi theo kiểu ''Theo đồng chí thì....?'' hay '' Ở bản của đồng chí vấn đề .... thực hiện như thế nào?'' với dạng câu hỏi như vậy chắc chắn học viên sẽ dễ hợp tác và trao đổi. Chính trong quá trình này người giảng viên cũng thu được thông tin hai chiều và học ở chính người học viên.
Điều quan trọng nữa khi nêu vấn đề, đặt câu hỏi phát vấn hay cần điều động học viên lên bảng sắp xếp phiếu câu hỏi, ghi ý kiến hay hợp tác một vấn đề nào đó thì điều kiêng kị nhất là không nên bình luận thiếu tinh thần động viên. Tâm lý chung của người giảng viên khi đứng trên bục giảng khi thấy học viên trả lời sai thì thường lập tức bình luận ngay, thậm chí chê bai, chỉ ra cái sai làm học viên ngại và không bao giờ tham gia trả lời nữa. Nếu chúng ta biết kìm chế để học viên trả lời hết và có thể nhiều học viên trả lời càng tốt, sau đó câu bình luận trước hết là xin cảm ơn những gì học viên đã đóng góp cho lớp học và người dạy phân tích, giải thích, minh hoạ đưa ra kiến thức chuẩn. Chắc hẳn bản thân người học cũng cảm thấy thoải mái, hứng thú và thông qua quá trình này chắc chắn họ sẽ ghi nhớ tri thức sâu sắc hơn.
Một điểm nữa trong đặt câu hỏi cũng cần có hệ thống câu hỏi phụ để gợi mở, tuỳ từng tình huống cụ thể để giảng viên gợi mở một cách linh hoạt, tránh tình trạng gọi học viên trả lời nhưng không trả lời được, học viên rất ngại, biết đâu có thể buổi sau học viên sẽ bỏ học. Gợi mở câu hỏi từ khó đến dễ để tạo cơ hội cho học viên trả lời và hợp tác.
Cách lấy dẫn chứng, ví dụ để minh hoạ. Qua quá trình tham gia dạy học lý luận chính trị bản thân nhận thấy đây cũng là điểm quan trọng để lôi kéo sự tập trụng chú ý của học viên, đồng thời cũng là cách để chúng ta đơn giản hoá các vấn đề trừu tượng. Ví dụ khi dạy về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không có gì cuốn hút hơn là những câu chuyện kể về Bác hay một gương sáng thực tế. Những dẫn chứng, ví dụ đó quan trọng hơn chúng ta thuyết trình suông lý luận hàng chục phút thì giờ.
Ví dụ, dẫn chứng phải sát với từng đối tượng cụ thể và cách trình bày cũng đều khác nhau để nhằm đạt mục đích chính là minh hoạ cho nội dung bài học. Chẳng hạn căn cứ vào đối tượng là cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ hay lớp đảng viên mới, đối tượng đảng... để đưa ví dụ đúng nhu cầu quan tâm của người học. Mặt khác, ví dụ cũng phải sát với thực tế, như ở địa bàn huyện hay một bản nào đó, một câu chuyện hay một gương sáng người học đã từng nghe nói hay thông qua dư luận họ đã biết thì rất dễ gây chú ý tập trung. Đây cũng là điểm mạnh của các giảng viên kiêm chức- những người vừa giảng viên nhưng đồng thời là cán bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở nên rất hiểu các vấn đề đang diễn ra ở cơ sở. Có thể nói những dẫn chứng, ví dụ trong giảng dạy lý luận chính trị như là ''phương thuốc'' để giảm bớt sự căng thẳng, trừu tượng, dễ nhàm chán của học viên. Muốn vậy người giảng viên cũng phải có vốn sống, cập nhật thông tin và chuyển hoá nội dung bài học thành vốn riêng của mình để trình bày, diễn giải không phải là lời của sách mà trình bày theo cách hiểu của mình.
Cách neo chốt kiến thức. Trong các mục của bài giảng lý luận chính trị thường rất dài nên để học viên dễ hiểu thì người dạy sau mỗi mục nên có sự neo chốt kiến thức bằng một cách gắn gọn, súc tích dễ nhớ, dễ hiểu. Hay nói tóm lại trong phần này chúng ta cần nắm được vấn đề này, những nội dung cơ bản này. Bởi trong quá trình dạy học không phải tất cả những kiến thức, tri thức người giảng viên truyền đạt đều được người học viên lĩnh hội đầy đủ.
Cách neo chốt kiến thức nữa là nếu có thời gian thì giảng viên có thể đưa ra tình huống để học viên xử lý, suy nghĩ hay nói cách khác là họ vận dụng ngay kiến thức vừa học vào thực tiễn.
Trên đây là một số kinh nghiệm bản thân tác giả tích luỹ được trong quá trình tham gia giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện trong thời gian qua, tác giả mạnh dạn nêu lên để mong được cùng trao đổi để góp phần bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở không những được trang bị về tri thức, trình độ lý luận chính trị mà còn có kỹ năng, phương pháp làm việc để khi giải quyết các công việc ở cơ sở một cách tự chủ, độc lập. Bởi đơn giản vấn đề quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở là học để làm./.
Quang Thịnh
Ban Tuyên giáo huyện ủy Quỳ Châu - Nghệ An