Thứ Hai, 7/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 25/3/2016 20:8'(GMT+7)

Hoạt động báo cáo viên phải có nhiều thông tin chuyên đề

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên nhiệm kỳ qua, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10 /2007 về “tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Thông báo Kết luận số 225- TB/TW, ngày 3/3/2009 về “cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền” của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) và Chỉ thị số 39 - CT/TU, ngày 8/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của tỉnh Quảng Bình đã được các cấp uỷ đảng quan tâm chỉ đạo, xây dựng, củng cố, kiện toàn về tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo về tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực. 

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có bản lĩnh chính trị, lập trường quan điểm vững vàng, trung thành với mục tiêu lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, có tính chiến đấu và ý thức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn; khiêm tốn học hỏi, gương mẫu về đạo đức lối sống, có mối quan hệ gần gũi, sâu sát với quần chúng nhân dân; có trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu trong việc tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. 

Trong chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, cấp ủy các cấp đã kết hợp giữa tuyên truyền thường xuyên, định kỳ hàng tháng, quý; nội dung thông tin của các kỳ hội nghị khá đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực, vừa mang tính thời sự, vừa mang tính nghiên cứu như: Thông báo kết quả Đại hội Đảng các cấp; các Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Tỉnh ủy; các kỳ họp của Quốc hội, HĐND tỉnh; về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; những nội dung cơ bản của các luật mới, những điểm bổ sung, sửa đổi một số luật được Quốc hội thông qua; tình hình tôn giáo và hoạt động tôn giáo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và sự chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị; làm rõ những hành động ngang ngược, xâm phạm quyền chủ, quyền tài phán của Trung Quốc trên vùng biển, đảo của Việt Nam; về các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng ta với các nước, các nước đến thăm ta; kết quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước qua mỗi năm; tình hình cắm mốc biên giới, quản lý, khai thác có hiệu quả các tuyến biên giới; tình hình Trung Quốc, Ucraina, Biển Đông; các cuộc xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; sự biến động chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông và Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS...

Hầu hết nội dung các chuyên đề báo cáo tại hội nghị báo cáo viên đều được chọn lọc từ hội nghị cấp trên theo nguồn cung cấp của Ban Tuyên giáo Trung ương và những thông tin ở địa phương, vừa có nội dung chuyên sâu vừa có nội dung toàn diện, đảm bảo thông tin định hướng kịp thời, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, sau các hội nghị báo cáo viên Tỉnh ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã dành thời gian để định hướng công tác tuyên truyền, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm nổi lên trên địa bàn. 

Để làm phong phú thêm nội dung báo cáo tại các hội nghị, ngoài các nội dung thông tin thời sự, Ban Tuyên giáo các cấp đã phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành để tuyên truyền một số chuyên đề chuyên sâu, tuyên truyền các luật, Bộ luật mới, truyền thống của các ngành, công tác bảo vệ rừng; xây dựng nông thôn mới; biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... 

Đặc biệt, năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằm định hướng dư luận, ổn định tình hình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới đã cử các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy trên địa bàn về tất cả các xã, phường trên địa bàn huyện, thành phố báo cáo chuyên đề về Biển Đông, định hướng dư luận kịp thời không để tình hình mất ổn định xẩy ra.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, đội ngũ báo cáo viên Tỉnh uỷ đã báo cáo 2.058 buổi với 156.295 lượt người nghe tại các hội nghị báo cáo viên ở huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức tốt hoạt động báo cáo viên như Ban Tuyên giáo Thành ủy Đồng Hới; Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch; Ban Tuyên huấn Đảng ủy Ban chấp hành Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh... Đi đôi với nhiệm vụ tuyên truyền, các đồng chí báo cáo viên đã nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, báo cáo kịp thời với cấp uỷ đảng giúp cho lãnh đạo kịp thời giải quyết tình hình, định hướng dư luận xã hội, ổn định tư tưởng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, tư tưởng ở cơ sở.

Các đồng chí báo cáo viên Tỉnh ủy ở các ngành, đơn vị, đoàn thể trong tỉnh đã tham gia nói chuyện thời sự cho hàng ngàn lượt người nghe, góp phần chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến tận cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. 
   
Để nâng cao chất lượng hoạt động, nhiều đảng bộ đã quan tâm cung cấp các loại tài liệu cho đội ngũ báo cáo viên cấp mình như: Tạp chí Báo cáo viên, Bản tin của huyện, các loại báo chí, thông tin... giúp cho đội ngũ báo cáo viên có nhiều nguồn thông tin phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền miệng ở cơ sở.

Có thể nói, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đi vào nền nếp, bám sát cơ sở, có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động thực sự trở thành một trong những kênh thông tin quan trọng, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quê hương; tích cực đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vẫn còn bộc lộ những khuyết điểm, hạn chế, chưa đáp ứng những đòi hỏi trong tình hình mới. Đó là, năng lực truyền đạt của một số báo cáo viên còn hạn chế, chưa thu hút đông người nghe; thông tin chưa được thường xuyên, kịp thời, nhiều nội dung thông tin về với cơ sở chưa thường xuyên hoặc thông tin về cơ sở hẹp dần; phương thức tuyên truyền chậm được đổi mới, chưa chú trọng đối thoại giữa đội ngũ báo cáo viên và người nghe. 
 
Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến những nguyên nhân chủ yếu sau:
 
Thứ nhất,
mặc dù các cấp uỷ đảng đã nhận thức khá rõ vai trò, vị trí của hoạt động báo cáo viên, nhưng trong thực tế vẫn còn một số cấp uỷ chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên.
 
Thứ hai, một số đồng chí được cấp uỷ lựa chọn làm báo cáo viên, song do bận quá nhiều công việc chuyên môn nên chưa chú trọng làm tốt chức trách của người báo cáo viên.

Thứ ba
, cơ chế chính sách đãi ngộ và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của báo cáo viên hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực để thu hút, động viên những người có tâm huyết, năng lực phát huy cao nhất khả năng của mình.

Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền miệng, hoạt động  báo cáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/7/2007 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 08/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; các đồng chí cấp uỷ được phân công làm công tác báo cáo viên phải bố trí thời gian thích hợp để tham gia sinh hoạt đầy đủ và có chất lượng. 

Hai là,
đổi mới nội dung và phương pháp truyền đạt, cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin cho đội ngũ báo cáo viên. Nội dung thông tin tuyên truyền cần phải thường xuyên, kịp thời, chính xác và có chọn lọc theo đúng với định hướng. Thông tin phải đa dạng, phong phú, có nhiều thông tin chuyên đề trên các lĩnh vực. Nội dung tuyên truyền cần mang tính thời sự, giàu sức thuyết phục, phản ánh đúng những vấn đề bức xúc đang diễn ra và liên quan thiết thực đến cơ sở, đảm bảo tính định hướng tích cực của thông tin, thông tin phải phù hợp với đối tượng và đặc điểm tình hình của địa phương, đơn vị. 

Ba là, tăng cường đối thoại, trao đổi ý kiến với người nghe, duy trì thường xuyên thông tin hai chiều, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó tổng hợp, báo cáo, đề xuất kiến nghị với các cấp uỷ đảng giải đáp đúng những vấn đề bức xúc mà cơ sở đang yêu cầu. Công tác tuyên truyền miệng phải năng động, kịp thời, đủ sức thuyết phục, đáp ứng với yêu cầu định hướng trong những thời điểm nhạy cảm về tình hình chính trị, tư tưởng của nhân dân và những địa bàn trọng điểm, góp phần vào việc định hướng giải quyết làm ổn định tư tưởng khi tình hình biến động phức tạp xảy ra.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với hoạt động của đội ngũ báo cáo viên. Ban Tuyên giáo các cấp phải chú trọng khâu quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động báo cáo viên và tham mưu kịp thời cho cấp uỷ trong việc lãnh đạo, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng. Củng cố, kiện toàn hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng, tổ chức rộng khắp ở các cấp, các ngành và các đoàn thể, về tận cơ sở. Đội ngũ báo cáo viên các cấp phải được chọn lựa đảm bảo đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, có uy tín, có kiến thức và năng lực truyền đạt trước quần chúng nhân dân. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên.  

Năm là, chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu thông tin cần thiết cho đội ngũ báo cáo viên. Hằng năm, cần tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên./.

Nguyễn Văn Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất