Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Tư, 21/9/2022 14:56'(GMT+7)

Đổi mới, tăng cường vận động chức sắc tôn giáo ở tỉnh Ninh Bình: Kết quả và những bài học kinh nghiệm

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà dự và chúc mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Ninh Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. (Nguồn: tinhuyninhbinh.vn)

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà dự và chúc mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Ninh Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. (Nguồn: tinhuyninhbinh.vn)

Ninh Bình là vùng đất cố đô, nơi phát tích của 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và khởi đầu triều Lý với hơn 1.800 di tích lịch sử văn hóa và nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng, như Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm... Cùng với tín ngưỡng địa phương, đây còn là nơi các tôn giáo sớm thâm nhập và phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, địa bàn tỉnh có 2 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo, với 694 cơ sở thờ tự, 934 chức sắc, chức việc, nhà tu hành, 234.204 tín đồ, chiếm 23,65% dân số toàn tỉnh và tập trung chủ yếu ở hai huyện Nho Quan và Kim Sơn (chiếm 54,1% số người theo tôn giáo toàn tỉnh). Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác vận động chức sắc tôn giáo, những năm qua, tỉnh Ninh Bình coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều đổi mới nội dung, phương thức vận động và đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện.

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tôn giáo, vận động chức sắc tôn giáo kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo... do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo tỉnh ban hành(1) được tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân, các chức sắc, tín đồ tôn giáo, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động, tăng cường sự gắn bó, đồng thuận của các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo. Ở các địa phương có tỷ lệ cao đồng bào theo tôn giáo như huyện Nho Quan và huyện Kim Sơn, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chủ trương, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội... Đến năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện Nho Quan còn 4,71% hộ nghèo, 5,05% hộ cận nghèo; huyện Kim Sơn còn 4,22% hộ nghèo, 4,97% hộ cận nghèo; ở một số xã có trên 80% đồng bào theo tôn giáo như Xuân Chính, Cồn Thoi, Văn Hải..., tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm mạnh. Các nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào theo tôn giáo được nâng lên rõ rệt. Các chức sắc và tín đồ tôn giáo luôn phấn khởi, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới. Nhờ vậy, trong năm 2021, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Ninh Bình vẫn thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội: kinh tế duy trì tăng trưởng khá, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 22.000 tỷ đồng, thu nội địa đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố, phấn đấu từ năm 2022 trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Thứ hai, một số chức sắc, tín đồ tôn giáo là đại biểu của hội đồng nhân dân, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, có 2 chức sắc, 1 tín đồ tôn giáo trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 7 chức sắc Phật giáo và 6 tín đồ Công giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện; 5 chức sắc Phật giáo và 312 tín đồ tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã. Có 521 chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp. Các đại biểu hội đồng nhân dân, thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp là chức sắc tôn giáo giúp truyền tải tiếng nói của đông đảo tín đồ, đóng góp ý kiến vào các chủ trương, định hướng phát triển quan trọng của địa phương. Mặt khác, hàng ngũ chức sắc tôn giáo cũng thêm gắn bó, đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, vận động đồng bào theo tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động nguồn lực trong các tôn giáo để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tương đối toàn diện. Hằng năm, chính quyền các cấp nắm danh mục hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, đồng thời chủ động hướng dẫn tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật gắn với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tôn giáo, như giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc, phong phẩm, bầu cử, suy cử, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc được các cấp chính quyền quan tâm, phối hợp xem xét, giải quyết bảo đảm đúng quy định của pháp luật, “thấu lý, hợp tình”..., tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân và chức sắc tôn giáo(2).

Thứ tư, công tác phát triển đảng viên đối với người theo tôn giáo có chuyển biến rõ nét. Các cấp ủy, chính quyền đã vào cuộc với quyết tâm cao, cách làm và giải pháp sáng tạo, sát với thực tiễn. Nhiều văn bản về công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả. Giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chỉ tiêu mỗi năm kết nạp mới 85 đảng viên là người theo tôn giáo, yêu cầu nỗ lực, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện. Nhận thức về Đảng, việc thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của chức sắc, tín đồ tôn giáo có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những quần chúng ưu tú là người theo tôn giáo được quan tâm bồi dưỡng nâng cao nhận thức về Đảng, được giao nhiệm vụ, thử thách và tổ chức kết nạp Đảng bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Một số chức sắc tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc vận động tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2021, toàn tỉnh đã kết nạp mới 88 đảng viên là người theo tôn giáo (vượt 3 đảng viên so với chỉ tiêu đề ra). Ở địa phương có đông đồng bào theo tôn giáo như huyện Kim Sơn, công tác phát triển đảng viên là người theo tôn giáo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả rất đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm Đảng bộ huyện kết nạp 32 đảng viên mới là người theo tôn giáo. Riêng năm 2022, tính đến hết tháng 5, Đảng bộ huyện đã kết nạp 42 đảng viên mới là người theo tôn giáo (chiếm hơn 49% tổng chỉ tiêu của toàn tỉnh). Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có 1.836 đảng viên là người theo tôn giáo, chiếm 2,5% tổng số đảng viên. Nhiều đảng viên là người theo tôn giáo giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; từ đó, phát huy tốt vai trò “đầu tàu gương mẫu”, là nhịp cầu nối tín đồ tôn giáo với Đảng, với chính quyền, tạo thuận lợi cho việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình công tác của địa phương; xử lý hiệu quả các vấn đề nổi cộm vùng có tôn giáo.

Thứ năm, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công tác đoàn kết tôn giáo đạt được những kết quả nổi bật thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và hoạt động xã hội; tạo sự gần gũi trên tinh thần tôn trọng, quan tâm tới sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, gắn bó “việc đạo, việc đời”. Nếu như trước đây các tổ chức tôn giáo còn giữ thái độ thiếu hợp tác hoặc dè dặt với chính quyền cơ sở thì nay đã cởi mở hơn và còn chủ động đến với chính quyền, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh, trật tự, thân thiện và bảo vệ môi trường” gắn với xây dựng nông thôn mới... Tính đến tháng 8-2022, Ninh Bình có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 119/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Các chức sắc tôn giáo đã góp phần quan trọng trong việc vận động đồng bào các tôn giáo đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hàng tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất, tự nguyện phá dỡ tường bao để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, các công trình công cộng... Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từ thiện, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai(3), dịch bệnh, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn... được các chức sắc tôn giáo ủng hộ, gương mẫu đi đầu và tăng cường thuyết giảng, vận động tín đồ thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, phong trào hiến mô tạng trở thành điểm sáng trong hoạt động nhân đạo. Từ năm 2007 đến nay, địa bàn tỉnh có 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng, 483 người đã hiến (trong đó chủ yếu là người theo tôn giáo), là địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đại dịch COVID-19, chức sắc các tôn giáo đã tổ chức các hoạt động tôn giáo trực tuyến, nội bộ, an cư tại chỗ, hạn chế tổ chức các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, khuyên dạy tín đồ thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch và tiêm vắc-xin; có 5 tăng, ni tham gia phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam; 1 cơ sở Phật giáo được trưng dụng làm cơ sở cách ly y tế cho công dân trở về từ các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động, lễ hội tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, như Lễ Giáng sinh của Công giáo, Đại Lễ Phật đản (Vesak), Lễ Vu Lan của Phật giáo; các lớp giáo lý, khóa tu mùa hè được các chức sắc tôn giáo tổ chức thường xuyên(4)... Đặc biệt, Lễ Thắp nến tri ân tại các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm để tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái, dân an có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, vừa định hướng, tạo môi trường rèn luyện cho tín đồ, phật tử, thanh, thiếu niên và nhi đồng, góp phần phát huy truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, giữ gìn nét đẹp văn hóa về đất và người “Tràng An” Ninh Bình.

Thành công của nhiều hoạt động, phong trào nói trên được tạo dựng trên nền tảng đoàn kết, hòa hợp của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, các chức sắc tôn giáo đã ủng hộ kinh phí xây dựng gần 200 ngôi nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng, trong đó nhiều ngôi nhà đoàn kết tôn giáo do chức sắc Phật giáo và Công giáo cùng tham gia hỗ trợ. Vào dịp đầu xuân, tỉnh luôn duy trì tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn, tạo sự gần gũi, gắn bó, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần chung tay, góp sức, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương.

Nhà thờ đá Phát Diệm ở huyện Kim Sơn, Ninh Bình. (Ảnh: TTXVN)

Từ thực tiễn công tác vận động chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những năm qua, nhằm tiếp tục phát huy có hiệu quả những thành tựu đã đạt được, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu như sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác tôn giáo là điều kiện tiên quyết.

Có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác tôn giáo, chức sắc tôn giáo thì mới có sự quan tâm đúng mức đến công tác vận động chức sắc tôn giáo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tình hình mới.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(5) và quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”(6), mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần nhận thức đầy đủ và tôn trọng nhu cầu tinh thần của đồng bào theo tôn giáo, trân trọng các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo; chấp nhận điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của dân tộc, phát huy những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, không có thái độ thiên kiến, bài xích, mà nhìn nhận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với quan niệm tôn giáo mang những giá trị gắn chặt với con người, vì con người.

Nâng cao nhận thức về công tác tôn giáo bằng cách đưa công tác tôn giáo thành một nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; quan tâm củng cố, kiện toàn cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; ưu tiên bố trí, phân công những cán bộ có đủ uy tín; nắm vững chính sách, pháp luật, am hiểu sâu sắc về tôn giáo... để nâng cao hiệu quả công tác vận động chức sắc tôn giáo, đặc biệt là với những chức sắc cao cấp và chức sắc cao tuổi.

Thứ hai, phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo trong vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là xuyên suốt.

Thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng: “Chủ động, tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết giữa đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo và giữa các tôn giáo”(7) và nhận thức đúng về đặc điểm của chức sắc tôn giáo: chức sắc tôn giáo là rường cột của Giáo hội, là đội ngũ nòng cốt của các tôn giáo, vừa có vị trí, vai trò lãnh đạo, có trình độ giáo lý, giáo luật, có uy tín lớn trong quần chúng tín đồ, vừa là cầu nối giữa các tôn giáo với tín đồ nên có ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng tín đồ.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, cơ sở thờ tự để phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương để các chức sắc tôn giáo hiểu rõ, đồng tình, ủng hộ và tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện.

Các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc, vận động cần được thực hiện đa dạng, như: tổ chức đối thoại, gặp mặt, thăm hỏi động viên nhân các ngày lễ trọng của tôn giáo, các sự kiện chính trị của địa phương...; qua đó, tạo mối quan hệ cởi mở gắn bó, đồng thuận giữa hệ thống chính trị với các tổ chức, chức sắc tôn giáo. Thực tiễn của tỉnh Ninh Bình cho thấy, khi phát sinh những vụ việc phức tạp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị có nhận thức đúng, chủ động gặp gỡ, đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng chức sắc thì vụ việc sẽ nhanh chóng được giải quyết, hoạt động tôn giáo ổn định, không xảy ra “điểm nóng” tôn giáo.

Thứ ba, hướng dẫn, tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo hoạt động theo hiến chương, điều lệ, quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết những đề nghị hợp pháp, chính đáng của tổ chức tôn giáo là trọng tâm.

Cũng từ thực tiễn công tác tôn giáo tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, quan tâm giải quyết kịp thời những đề nghị hợp pháp, chính đáng của tổ chức tôn giáo, nhất là đề nghị liên quan đến đất đai, sẽ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành đạo của đội ngũ chức sắc tôn giáo; tuân thủ pháp luật, thực hiện đường hướng “Tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”, “Tốt đời, đẹp đạo”, nâng cao hiệu quả của công tác vận động chức sắc tôn giáo. Theo đó, những kiến nghị, đề xuất chính đáng của chức sắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải quan tâm chỉ đạo, có trách nhiệm giải quyết dứt điểm, phù hợp thực tiễn, đúng pháp luật. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, tránh để sự việc kéo dài, làm cho chức sắc tôn giáo mất niềm tin, tạo cớ cho các hoạt động vi phạm hoặc các tổ chức, phần tử xấu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, kích động gây mất an ninh, trật tự ở cơ sở. Tăng cường vai trò của các chức sắc tôn giáo trong việc tham gia giải quyết các vụ việc tôn giáo phức tạp, tuyên truyền tín đồ cảnh giác, không tham gia “đạo lạ”, các hiện tượng “cận tôn giáo”, không để các đối tượng xấu lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật; đồng thời, phân hóa, thu hẹp số người có quan điểm và hành vi không đồng tình hoặc làm trái chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự ổn định chính trị - xã hội tại địa phương.

Thứ tư, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho người theo tôn giáo là nền tảng.

Đây là nội dung quan trọng, thể hiện tính ưu việt trong chính sách tôn giáo của Đảng ta. Quan tâm, tạo điều kiện để các tín đồ được sinh hoạt tôn giáo thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật, phát triển văn hóa - xã hội. Tập trung triển khai các chương trình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao; tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo cơ chế huy động nguồn lực phát triển toàn diện vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, qua đó tạo sự tin tưởng của đồng bào theo tôn giáo đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Các chức sắc và đồng bào theo tôn giáo là những người chứng kiến sự phát triển của quê hương, cũng chính là những người đóng góp và được hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả phát triển, thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng, đời sống của người dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất bảo đảm cho công tác vận động chức sắc tôn giáo đạt hiệu quả tích cực, lâu dài.

Thứ năm, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tổ chức các hoạt động xã hội tạo sự tôn trọng, gắn kết hòa hợp tôn giáo là cần thiết.

Các hoạt động xã hội, phong trào thi đua thường xuyên được tổ chức, vận động, phát huy nguồn lực của các tôn giáo, tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo sợi dây cho đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo. Cần nhân rộng những mô hình hoạt động có sự chung tay của cả chức sắc, tín đồ Phật giáo và Công giáo trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương những nhân tố tích cực, tấm gương người tốt, việc tốt có nhiều đóng góp cho các hoạt động, phong trào, bảo đảm sự tôn trọng, bình đẳng giữa các giáo hội tôn giáo.

Tuy còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong công tác vận động chức sắc tôn giáo chính là nền tảng, động lực quan trọng để tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác tôn giáo trong thời gian tới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Ủy viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

_________________________

(1) Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 17/5/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 152-KH/TU ngày 1/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về triển khai thực hiện Đề án Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở nước ta hiện nay; Thông báo số 17-TB/BCĐ ngày 8/8/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác tôn giáo tỉnh về việc giải quyết đất đai liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

(2) Từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020, đã chấp thuận đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức An cư kết hạ cho các tăng ni tại 3 cơ sở Trường hạ (tăng 1 cơ sở Trường hạ so với năm 2017); truyền giới 57 sadi và tỳ khiêu, bổ nhiệm và công nhận trụ trì cho 84 tăng, ni. Chấp thuận đề nghị của Giáo hội Công giáo phong chức 27 linh mục, bổ nhiệm và thuyên chuyển địa bàn hoạt động tôn giáo cho 75 lượt linh mục; xem xét, hướng dẫn 39 cơ sở tôn giáo có nhu cầu sử dụng đất hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương thu hồi đất, giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; giải quyết 52 đề nghị xây dựng công trình tôn giáo theo quy định của pháp luật. Tỉnh đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 660/694 cơ sở tôn giáo, chiếm 95,1%; nhiều công trình tôn giáo lớn được hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó có Trụ sở Tòa Giám mục Phát Diệm (Nhà chung).

(3) Năm 2020, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đã cử các đoàn từ thiện giúp đỡ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt với tổng giá trị trên 3 tỷ đồng.

(4) Chùa Bái Đính đã tổ chức các khóa tu cho hơn 8.000 học sinh, sinh viên đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

(5) Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

(6) Khoản 1, Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

(7) Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất