Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 13/2/2014 16:26'(GMT+7)

Đổi mới thi cử phải đổi mới đồng bộ dạy và học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: VA)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: VA)

Báo cáo sơ kết học kỳ I, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, toàn ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm học kỳ I năm học 2013-2014. Trong tổ chức thực hiện, các Sở GD&ĐT luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, của tỉnh/thành phố về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2013 - 2014; chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". 

Công tác quản lý giáo dục đổi mới theo hướng tăng cường phân cấp và giao quyền tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đẩy mạnh việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý ngành. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả giáo dục, phương pháp giảng dạy. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được quan tâm, coi trọng thực chất; các mô hình trường học mới, phương pháp dạy học tích cực được áp dụng và nhân rộng; công tác giáo dục chất lượng tiếp tục được quan tâm; tích cực triển khai Đề án xây dựng xã hội học tập; các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc. 

Bên cạnh những ưu điểm, Bộ GD&ĐT đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong triển khai nhiệm vụ học kỳ I năm học 2013 - 2014, như công tác chỉ đạo ở một số cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý giáo dục theo Nghị định 115 của Chính phủ; việc quán triệt NQTW 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa thật sự thiết thực, hiệu quả.

Thêm nữa, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm so với yêu cầu, nhất là hệ thống thông tư để triển khai Luật viên chức; Các tiêu cực trong giáo dục vẫn còn là vấn đề bức xúc. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục; Một số địa phương thiếu giáo viên so với định mức quy định, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và mở rộng tổ chức bán trú và học 2 buổi/ngày…

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2013-2014, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị toàn ngành Giáo dục tiếp tục nghiên cứu, học tập Nghị quyết TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; rút kinh nghiệm để thực hiện tốt Nghị định 115; Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện Hiến pháp 2013, các nghị quyết của Đảng, Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục đổi mới tư duy giáo dục, nhận thức về công tác quản lý giáo dục, thay đổi phương pháp, lề lối làm việc, tạo sự chuyển biến, đổi mới đồng bộ trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, toàn ngành Giáo dục tiếp tục vận dụng các giải pháp phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương trong việc khắc phục, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục ở tất cả bậc học, cấp học từ mầm non đến phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 

Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá và thi tốt nghiệp THPT theo hướng đồng bộ, khách quan, minh bạch, có tác dụng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và phát huy năng lực của học sinh; chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những kết quả ngành Giáo dục đã đạt được trong học kỳ 1 và kết quả đạt được của Việt Nam tại kỳ thi PISA, và cho rằng không phải quốc gia nào cũng đạt được. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc có phát triển hay không là nhờ căn bản vào nền giáo dục. Nước nào có nền giáo dục tốt thì nước đó hưng thịnh. Tuy vậy, đổi mới căn bản không thể nóng vội, nhưng cũng cần khẩn trương, thận trọng từng bước, thể hiện quyết tâm. Làm nhanh không có nghĩa là làm ẩu, tuy vậy làm chậm cũng không có nghĩa là chắc. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ thay đổi toàn diện không có nghĩa là thay đổi hết, mà những gì tốt cần phải tiếp tục phát huy. Việc chọn công tác đổi mới thi cử với ý nghĩa đột phá, tạo xung lực mạnh để lan tỏa sang các khu vực khác. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu cân nhắc, cần bàn kỹ vì không chỉ đổi mới trong một năm. Việc thi 6 môn giảm xuống 4 môn liệu có thực sự có lợi cho học sinh. Nếu không cẩn thận, không tiến hành đồng bộ với đổi mới dạy và học sẽ dẫn đến một thế hệ học sinh có kiến thức lệch.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, không có việc gì mới mà không phải thí điểm. Tuy nhiên chỉ nên bàn kỹ, thí điểm trên diện nhỏ, sau khi đã ổn mới áp dụng. Tránh những thay đổi liên tục. Trang bị kiến thức bậc học phổ thông cần toàn diện, phát huy được năng lực, phẩm chất của các em. Kỳ thi tốt nghiệp THPT gắn liền với thi đại học, chúng ta phát huy tính tự chủ nhưng phải có công bằng trong đánh giá học sinh tốt nghiệp THPT, thúc đẩy học sinh học đều.

Phó Thủ tướng lưu ý, thế giới đã có nhiều đúc kết kinh nghiệm về giáo dục, chúng ta nên vận dụng và học hỏi. Từ đó, khẩn trương có lộ trình phù hợp nhưng tránh nóng vội sao chụp nguyên văn mà cần chuẩn bị các điều kiện, hướng tới có thang đo đánh giá học sinh một cách toàn diện nhanh nhất, đơn giản nhất, chính xác nhất./.

Tuấn Nghĩa
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất