Thứ Ba, 12/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 9/9/2011 11:21'(GMT+7)

Đổi mới tư duy pháp lý về kinh tế và quyền con người, quyền công dân trong xây dựng pháp luật ở nước ta hôm nay

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

1. Về phương diện kinh tế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đều nhấn mạnh vai trò hàng đầu của pháp luật trong việc quản lý vĩ mô nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. So với các phương tiện quản lý vĩ mô khác, pháp luật là phương tiện có hiệu lực và hiệu quả cao hơn cả, bởi vì nó có sức mạnh tạo lập, điều chỉnh và bắt buộc chung trên quy mô toàn xã hội. Sức mạnh đó thể hiện ở chỗ nếu không sử dụng vai trò điều chỉnh có tính khuôn mẫu bắt buộc chung của pháp luật, Nhà nước không thể thực hiện được nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần mà không có sự phân biệt đối xử, không áp đặt các hình thức kinh doanh... Bằng phương tiện pháp luật, Nhà nước thể chế hóa các quan hệ kinh tế thành hệ thống các quan hệ pháp luật đối với các chủ thể nhằm tạo lập trật tự pháp lý về kinh tế. Nói sự điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết là nói đến nghệ thuật sử dụng phương tiện điều chỉnh pháp luật. Nghệ thuật ấy chính là sự tạo lập các khung pháp luật làm chuẩn mực phân định đúng sai trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó, mọi đơn vị kinh tế không phân biệt quan hệ sở hữu đều hoạt động được theo cơ chế tự chủ kinh doanh, hợp tác và cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tìm được luật chơi, còn các nhà quản lý cũng căn cứ vào đó mà điều tiết cách chơi cho đúng hướng và lành mạnh. Khung pháp luật ấy là phương tiện vừa khuyến khích tính năng động, sáng tạo vừa đi đôi với thiết lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh tế.

Về phương diện xã hội, pháp luật là cái bảo đảm cho quyền công dân, quyền con người và tự do cá nhân được thực hiện. Pháp luật là “sự ổn định hóa” các giá trị xã hội, chính thức hóa giá trị đó, tạo ra hành lang pháp lý cho mọi xử sự của các thành viên trong xã hội. Đồng thời, pháp luật cũng là phương tiện bảo đảm cho dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm. Trong mối quan hệ ấy, pháp luật là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho sự ổn định xã hội. Vì thế, Đảng ta đã nhấn mạnh “dân chủ đi đôi với kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm”.

Về phương diện pháp luật kinh tế, phương hướng hoàn thiện theo các Văn kiện Đại hội Đảng là thể chế hóa các quan hệ kinh tế thành hệ thống các quy phạm pháp luật thấm nhuần tư tưởng đặt con người vào vị trí trung tâm, giải phóng sức sản xuất, khơi dậy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, mỗi tập thể lao động và cả cộng đồng dân tộc. Muốn thế, pháp luật về kinh tế phải là một hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý kết hợp hữu cơ lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của cả xã hội, trong đó có lợi ích của cá nhân là động lực trực tiếp, phải khắc phục tình trạng các quy phạm pháp luật triệt tiêu động lực trực tiếp, đồng thời chống khuynh hướng chỉ vì lợi ích cá nhân mà xem thường lợi ích của xã hội và tập thể. Pháp luật về kinh tế, đó chính là hành lang của tự do kinh doanh và bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp của các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, pháp luật ấy phải là phương tiện có hiệu lực và hiệu quả để thực hiện việc đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô. Bảo đảm mối quan hệ gắn bó, bổ sung và phối hợp giữa các ngành pháp luật trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, kế thừa và tiếp thu có chọn lọc pháp luật quốc tế là một trong những phương hướng cơ bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta trong những năm tới.

Ngoài những phương hướng chung, các văn kiện Đại hội Đảng còn chỉ ra một loạt các giải pháp cụ thể cho việc hoàn thiện và đổi mới hệ thống pháp luật kinh tế. Đó là, phải sớm nghiên cứu sửa đổi pháp luật về đất đai, hoàn chỉnh pháp luật về thuế làm đòn bẩy kích thích và hướng dẫn sản xuất kinh doanh và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, luật dân sự, luật lao động bảo đảm cho mọi người làm chủ sức lao động của mình. Xây dựng hệ thống luật pháp về lao động và thị trường sức lao động, bảo đảm quyền lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động...

Để sớm hoàn thiện pháp luật kinh tế theo định hướng nói trên, Đảng ta đề ra yêu cầu nâng cao trình độ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng pháp luật, ban hành và hoàn thiện về trình tự xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật, đổi mới công tác thông tin và quy trình ra các quyết định của Nhà nước, để các quyết định ấy phản ánh được ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn dân.

2. Tư tưởng pháp luật về phát huy nhân tố con người thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng rất phong phú và sâu sắc. Các tư tưởng ấy trở thành hiện thực trong đời sống sẽ là một trong những nhân tố bảo đảm cho “dưới chế độ dân chủ... pháp luật tồn tại vì con người”.

Trước hết, cần phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân con người. Qua các cuộc đấu tranh về tư tưởng, chính trị pháp lý, con người ngày càng nhận thức một cách đúng đắn hơn mối quan hệ đó thông qua sự khám phá từng bước giá trị cuộc sống của cá nhân con người trong mối liên hệ với Nhà nước. Lịch sử của cuộc đấu tranh tư tưởng ấy còn chỉ ra rằng, tùy thuộc vào bản chất giai cấp của mỗi kiểu Nhà nước và tương quan lực lượng giữa các giai cấp trong mỗi thời đại mà quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân được thể hiện theo ưu thế này, hay ưu thế khác trong các chế định pháp luật. Đối với Nhà nước ta với nguyên tắc “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” nhằm thực hiện mục đích cao cả chuyển quyền lực Nhà nước về tay nhân dân lao động, nhưng do nhiều sai lầm chủ quan và duy ý chí, mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây vẫn chưa được giải quyết căn bản. 

Nhìn vào thực trạng mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân con người trong xã hội, ta có thể thấy khuynh hướng Nhà nước vẫn còn giành thuận lợi cho mình; cá nhân vẫn còn bất lợi trong mối quan hệ với Nhà nước, đặc biệt là quan hệ với các cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết các vụ việc do dân yêu cầu chưa được quy định trách nhiệm pháp lý một cách cụ thể và rõ ràng trong pháp luật. Do đó, tình trạng vi phạm quyền của con người vẫn thường xảy ra mà việc xử lý chưa đáp ứng được mong mỏi của dư luận. Quan hệ giữa Nhà nước với công dân còn nặng yếu tố mệnh lệnh, quyền uy hoặc ban phát, tặng cho.

Vấn đề đặt ra cần phải thống nhất về mặt nhận thức để chỉ đạo hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật là giữa cá nhân và Nhà nước có mối quan hệ quy định lẫn nhau như thế nào? Con người là mục đích, Nhà nước là phương tiện để đạt mục đích đó, hay ngược lại Nhà nước có quyền ban tặng hoặc thừa nhận cho con người quyền này hay nghĩa vụ nọ? Thực tiễn đã diễn ra sự phân cực không biện chứng theo lối tách đôi mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân, đẻ ra tình trạng hoặc là nhân danh cá nhân để yêu sách Nhà nước vì những tự do cá nhân vô chính phủ như đã xảy ra trong những năm trước đây ở các nước Đông Âu, hoặc là nhân danh Nhà nước để vi phạm các quyền con người và để sử dụng quyền uy và mệnh lệnh, thiếu trách nhiệm đối với con người. Tách đôi mối quan hệ thống nhất biện chứng như vậy để buộc cái này phụ thuộc một chiều vào cái kia sẽ dẫn đến những sai lầm trong thực tiễn lập pháp cũng như áp dụng pháp luật.

Quyền con người là giá trị được xã hội hóa, tức là bằng con đường Nhà nước ghi nhận, củng cố trong các quy phạm pháp luật, bảo đảm cho giá trị đó được thừa nhận chung và vì lợi ích chung. Như thế, quyền con người là những giá trị có trước bằng pháp luật của Nhà nước ghi nhận và thể chế để bảo đảm trở thành hiện thực. Ngược lại, quyền của cá nhân con người là hình thức và điều kiện cần thiết của việc thực hiện giá trị này hay giá trị khác của cá nhân con người. Do đó, Nhà nước không phải ở trong trạng thái tặng cho con người các quyền của họ. Vì thế, khi giá trị xã hội hiện thực của con người đòi hỏi phải được quy phạm hóa bằng pháp luật chưa xuất hiện trong mối quan hệ cộng đồng, các quyền đó chưa ra đời. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải biết phát hiện nhu cầu hiện thực của việc thực hiện các quyền con người để sớm thể chế và bảo vệ bằng pháp luật. Mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ biện chứng quy định lẫn nhau, trong đó trách nhiệm của Nhà nước nặng nề hơn trong việc thể chế và bảo đảm thực hiện một cách hiện thực các quyền đó. Trong xây dựng pháp luật cần thấm nhuần tư tưởng về mối quan hệ biện chứng nói trên để xác định đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyền của con người. Chính vì thế Điều 50 Hiến pháp năm 1980 chỉ ra rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.

Con người sống trong một chế độ xã hội nhất định bao giờ cũng mang đặc điểm xã hội và đặc tính riêng của cá nhân. Bởi vì, cá nhân con người được hình thành và phát triển thông qua các quan hệ xã hội. Cho nên, có thể nói cá nhân con người trước hết là một con người xã hội nhất định. Mỗi giai cấp, mỗi thành phần xã hội tạo nên những cá nhân mang thuộc tính của mình. Xã hội và giai cấp luôn luôn tác động tới cá nhân nhằm tạo ra mẫu người phù hợp với giai cấp mình, xã hội mình. Cá nhân con người lại đồng thời là một con người cụ thể, do đó, trong cá nhân con người không chỉ chứa đựng những đặc tính thể hiện bản chất xã hội, giai cấp mà còn chứa đựng những đặc điểm riêng của mỗi người cụ thể, rất phong phú và đa dạng với những ham muốn, quan tâm, thành tích, sai lầm,... khác nhau.

Với cách nhìn đó, có thể nhận xét rằng, do nhiều nguyên nhân, hệ thống pháp luật của Nhà nước ta trước đây còn chưa có điều kiện chú ý đến những đặc điểm tự nhiên của cá nhân con người. Các nhà làm luật mới chỉ chú ý đến “khuôn” con người theo một “mẫu hình xác định, theo mong muốn chủ quan, duy ý chí của mình; chưa chú ý đúng mức đến những phẩm chất riêng có của con người như là một thực thể tự nhiên và xã hội, cần phải kết hợp hài hòa cả hai mặt đó, để trở thành đối tượng của quá trình sáng tạo pháp luật. Nguyên tắc “được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, kết hợp với các nguyên tắc đạo đức chính trị - xã hội phải trở thành nguyên tắc trong việc điều chỉnh hành vi xử sự của con người. Thực hiện nguyên tắc này sẽ bảo đảm sự kết hợp hài hòa tất cả các phẩm chất xã hội và tự nhiên của con người, tạo ra khoảng trống cực đại đối với tính tích cực sáng tạo, tính độc lập và tính cá thể của cá nhân, cho phép phát huy tính ưu việt của xã hội và tính năng động vốn có của con người, giải phóng họ khỏi những cản trở vô lý trong hoạt động sáng tạo. Có thể coi đó là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng tới xây dựng.

Thực hiện nguyên tắc pháp lý nói trên, việc hoàn thiện Hiến pháp và cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước cần hướng vào quyền của cá nhân con người. Cụ thể là thừa nhận những phạm vi xã hội thuộc quyền của cá nhân được tự do ý chí, thẩm quyền của họ trong hoạt động nhà nước. Các vấn đề về cuộc sống, sức khỏe, lương tâm, nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tài sản cá nhân, danh dự con người,... phải được đề cao và bảo đảm bằng phương tiện pháp luật, để tạo điều kiện chắc chắn cho họ phát huy năng động sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Có như vậy, nguyên tắc “được phép làm tất cả những gì pháp luật không cấm”, kết hợp với các nguyên tắc đạo đức chính trị - xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mới từng bước được trở thành hiện thực.

Trong điều kiện ngày nay, dưới ánh sáng của tư tưởng Nhà nước pháp quyền, phải thừa nhận rằng cá nhân với tư cách là một thực thể tự nhiên - xã hội có những quyền cơ bản xác định, việc thừa nhận các quyền này đã được cộng đồng loài người ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế. Cá nhân con người chính là giá trị, giá trị con người không tách rời giá trị của loài người, tạo thành một thể thống nhất hoàn chỉnh. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế (trong pháp luật quốc tế) và các nhà nước riêng biệt (pháp luật trong nước) đều ghi nhận bảo vệ giá trị con người. Vì vậy, phải sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của cá nhân con người trong mối quan hệ với một Nhà nước nhất định, lẫn giá trị tổng hợp được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Khái niệm quyền con người với quan niệm như vậy sẽ là chiếc cầu nối tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế, bảo đảm hiệu lực thực hiện các quyền của con người mạnh mẽ hơn bằng cả hệ thống pháp luật trong nước lẫn hệ thống pháp luật quốc tế. Như vậy, khái niệm “quyền con người” không loại trừ khái niệm “quyền công dân” và ngược lại, khái niệm “quyền công dân” cũng không thể bao quát toàn bộ khái niệm “quyền con người”. Khái niệm “quyền công dân” hẹp hơn, không bao quát tất cả các quyền của cá nhân con người được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ bằng pháp luật trong nước cũng như pháp luật quốc tế.

Với quan niệm như vậy, Hiến pháp năm 1992, sửa đổi, bổ sung năm 2001 cũng như hệ thống pháp luật nước ta và cả trong điều ước quốc tế mà Nhà nước tham gia ký kết chứa đựng nội dung của khái niệm “quyền con người” và “quyền công dân” để vừa nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa Nhà nước và cá nhân con người, lại vừa tạo nên sự thống nhất giữa luật quốc gia và pháp luật quốc tế về giá trị của con người, từng bước xóa bỏ đặc tính “khép kín” của pháp luật trong nước trên lĩnh vực này.

Bảo đảm pháp lý là một trong những nhân tố quan trọng của việc thực hiện các quyền của con người trên thực tế. Bởi vì, nó bao gồm một hệ thống thống nhất các quyền pháp lý đồng thời còn là một tập hợp các thủ tục tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho con người thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Nhìn vào bảo đảm pháp lý quyền con người ở nước ta hiện nay, có thể thấy rằng hệ thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý chưa tạo thành một thể thống nhất. Ở một số văn bản và trên một vài lĩnh vực, các quyền và nghĩa vụ cụ thể mâu thuẫn và trái ngược với quyền và nghĩa vụ ghi trong Hiến pháp. Các quyền và nghĩa vụ ấy, trong các văn kiện quy phạm dưới luật còn mâu thuẫn với các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong các văn kiện quy phạm như Hiến pháp, các đạo luật, các bộ luật. Và đôi khi, ngay trong một văn kiện quy phạm pháp luật các quyền và nghĩa vụ cũng thiếu nhất quán. Còn một số quyền hiến định chưa được cụ thể hóa thành Luật như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền được tiếp cận thông tin... nên công dân không thực hiện được trên thực tế. Thiếu sót này dẫn đến hậu quả là vô hiệu hóa các bảo đảm pháp lý trên thực tế. Ngoài ra, bộ phận cực kỳ quan trọng tạo nên bảo đảm pháp lý là hệ thống các thủ tục tố tụng còn rắc rối gây phiền hà cho con người, đặc biệt là các thủ tục trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, đối ngoại...

Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng như các đạo luật sắp ban hành phải tạo lập cơ chế bảo đảm thống nhất các quyền và nghĩa vụ. Muốn thế, nội dung về quyền con người phải được thể hiện chính xác, rõ ràng, chặt chẽ, logic chẳng những trong chương trực tiếp ghi nhận nó, mà phải xuyên suốt trong các chương về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đường lối đối ngoại và các chương mục về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cùng với điều đó phải đặc biệt quan tâm xây dựng một hệ thống các thủ tục cụ thể, đơn giản, chính xác và thuận lợi. Không phải ngẫu nhiên mà ở các nước phương Tây người ta cho rằng, lịch sử tự do trong phương diện chính trị pháp lý là lịch sử của những bảo đảm tố tụng.

Hệ thống pháp luật thấm nhuần tư tưởng vì con người, cho con người và của con người sẽ là hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.


Gs, Ts Trần Ngọc Đường/ĐBND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất