Thứ Bảy, 30/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 5/5/2010 13:9'(GMT+7)

Đội ngũ những người làm báo cần nêu cao bản lĩnh, trách nhiệm chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đông đảo đội ngũ lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: "Hội nghị là dịp để các cơ quan báo chí cùng nhau trao đổi, đánh giá tình hình hoạt động báo chí của nước ta trong những năm qua (tính từ Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 162 – TB/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí tổ chức vào đầu năm 2007), nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; các Thông báo kết luận số 41, số 68 – TB/TW của Bộ Chính trị; các Quyết định số 75,155 và 157 của Ban Bí thư (khóa X) về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí. Đây cũng là dịp để các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, quản lý và tác nghiệp các hoạt động chuyên môn của báo giới; là dịp để phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như các cơ quan chỉ đạo, quản lý về báo chí những thuận lợi, khó khăn và những kiến nghị, đề xuất để góp phần thiết thực không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí. Cũng trong Hội nghị này, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí được trực tiếp tiếp thu và quán triệt đầy đủ, sâu sắc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những định hướng lớn, những yêu cầu đối với công tác tuyên truyền trên báo chí, nhằm động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm công tác 2010 và những năm tiếp theo".



Sau khi nghe các đại biểu trình bày tham luận, phát biểu ý kiến, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang đã nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những đóng góp, nỗ lực, cố gắng của đội ngũ những người làm báo trong thời gian qua, thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới; tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm của đất nước : 80 năm Ngày thành lập Đảng, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ; 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 65 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; các hoạt động hướng tới Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội; tuyên truyền về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; biểu dương, động viên các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái; chống âm mưu "diễn biến hoà bình" của các lực lượng thù địch, phản động...



Đồng chí cũng nghiêm khắc phê bình những hạn chế, yếu kém của báo chí, đặc biệt là có những hạn chế, yếu kém kéo dài, đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý cũng như công chúng lưu ý, nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực, như : xu hướng "thương mại hoá" hoạt động báo chí vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan báo chí; thiếu nhạy cảm và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội; thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng; ít tuyên truyền giới thiệu những yếu tố tích cực, những cách làm hay, kết quả tốt, những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực mà lại thiên về tô đậm những yếu kém, tiêu cực, mặt trái của xã hội, không phản ánh đúng thực tế cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng và dư luận xã hội; không ít tin, bài, hình ảnh gây bất lợi cho công tác đối nội, đối ngoại; gây khó khăn, thậm chí làm thiệt hại cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng... Gần đây, một số cơ quan báo chí đề cập những vấn đề lịch sử một cách thiếu thận trọng; không quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; thiếu chọn lọc và không làm tốt việc thẩm định trong giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hoá nước ngoài...

Đồng chí Trương Tấn Sang cùng trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị



Để tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng mong muốn của Đảng, của nhân dân, đồng chí Trương Tấn Sang vạch rõ, trong thời gian tới, báo chí cần làm tốt những vấn đề sau đây:

"Thứ nhất, báo chí cần phải góp phần tích cực tạo sự thống nhất nhận thức, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững; giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ngành, các cấp, các tổ chức, các doanh nghiệp, tạo phong trào thi đua sôi nổi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Trong khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, kinh tế thế giới cũng như trong nước có thể sẽ phát sinh những tình huống mới, phức tạp. Khi đó, việc xử lý các tình huống phải vừa quyết đoán, nhanh nhạy, vừa bình tĩnh, thận trọng. Các cơ quan báo chí cần hiểu và quán triệt quan điểm này để thông tin, tuyên truyền đảm bảo tính kịp thời, toàn diện, chuẩn xác, có tác dụng định hướng dư luận; tránh gây ra những hiệu ứng tiêu cực như một số trường hợp trong thời gian qua.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khoá X); việc tiến hành đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng theo Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Đây là nội dung, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2010 và đầu năm 2011 của báo chí nước ta. Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng là cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa quan trọng trong Đảng và trong nhân dân; là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với chặng đường phát triển mới của đất nước. Báo chí phải phản ánh và góp phần tạo nên không khí dân chủ, phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội vào Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, triển vọng phát triển của đất nước; tăng cường đoàn kết trong Đảng và trong nhân dân; khẳng định thành tựu và đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; động viên và phát huy trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng với tinh thần trách nhiệm chính trị cao nhất; cổ vũ, động viên phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp ở các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân v.v... Đồng thời, kiên trì đấu tranh với cái ác, cái xấu, tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các loại tệ nạn xã hội, góp phần làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh, tiến bộ.

Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", về chuyên đề "Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh", về những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, ở mọi miền của Tổ quốc. Tiếp tục động viên giới văn nghệ sĩ, những người làm báo cả nước hăng hái sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về cuộc vận động... Làm tốt công tác tuyên truyền về các sự kiện, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước trong năm 2010 : 65 năm Ngày thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và các ngày truyền thống của nhiều ngành, địa phương, đơn vị, trong đó có kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... để giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, nhân dân ta và của Đảng ta cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.

Thứ tư, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền về quan điểm, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước ta, thành tựu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta để bạn bè và nhân dân thế giới, đồng bào ta ở nước ngoài có thông tin đúng đắn về tình hình đất nước ta, đồng tình ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. ... Đồng thời, chủ động, kiên trì đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, phản động của các thế lực cơ hội, thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, biển đảo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Đồng chí nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, các cơ quan báo chí, từ các phóng viên, biên tập viên và nhất là tổng biên tập, phó tổng biên tập, phải nâng cao nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân về sản phẩm báo chí của mình. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí phải quan tâm, tăng cường chỉ đạo, quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan báo chí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo; động viên, khen thưởng kịp thời những cơ quan báo chí, cán bộ báo chí có những sản phẩm tốt, thành tích tốt; nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những lệch lạc, xử lý nghiêm khắc các sai phạm...

Chiều nay, Hội nghị tiếp tục lắng nghe ý kiến tham luận của các đại biểu tại Hội trường./.

Tính đến hết năm 2009, cả nước có 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo (trung ương: 76 báo; địa phương: 102 báo) và 528 tạp chí (trung ương 414 tạp chí, địa phương 114 tạp chí). Trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh – truyền hình gồm 3 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương (VTV,VTC,VOV) và 64 đài phát thanh – truyền hình ở các địa phương, riêng thành phố Hồ Chí Minh có 2 đài là Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp.

Cũng tính đến hết năm 2009, cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo, trong đó, nhiều phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ tại các trường lớp chính quy và không chính quy ở trong nước và nước ngoài.

(Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình báo chí và công tác báo chí năm 2009 và một số nhiệm vụ chủ yếu năm 2010)

 PV


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất