Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 5/9/2016 14:50'(GMT+7)

Đón năm học mới ở vùng cao Sơn La

Giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Lầm tu sửa phòng học.

Giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Lầm tu sửa phòng học.


Khác với các thầy cô giáo miền xuôi, ở vùng cao, mỗi khi bước vào năm học mới, các giáo viên phải đến từng bản, gặp gỡ từng nhà, rà từng học sinh để vận động phụ huynh cho con em mình ra lớp đúng độ tuổi. Bởi gia đình học sinh ở vùng cao còn nhiều khó khăn, cái ăn chưa đủ nên không phải phụ huynh nào cũng coi trọng việc học.

Con đường từ trung tâm xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đến bản Mường Nưa dài hơn 5 km, tất cả đều là đường đất, lầy lội. Để vượt qua con đường này, những “tay lái cứng” còn phải khó khăn lắm mới vượt qua được, với các cô giáo lại càng vất vả hơn. Nhưng dù đường sá xa xôi thế nào cũng không ngăn được bước chân của các thầy cô giáo đến nhà từng học sinh để vận động phụ huynh cho các em đến trường.

Cô giáo Lò Thị Phương, Trường Mầm non xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, cho biết: "Nhà học sinh hầu hết ở trên đồi, nên nhiều lúc giáo viên phải băng rừng, lội suối hàng giờ mới đến nơi. Cũng do đa số người dân vùng cao đều làm nương, chúng tôi phải đi nhiều lần mới gặp được phụ huynh để vận động các em tới lớp".

Sự tâm huyết của các thầy cô giáo vùng cao đã được nhiều người dân thấu hiểu và ghi nhận. Nhờ được giáo viên tuyên truyền, nhiều người dân đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, giúp con em họ có kiến thức để sau này có cơ hội thoát nghèo. Không ít gia đình dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã có ý thức cho con đến trường. 
 

Các giáo viên đến nhà vận động học sinh đến trường.

Theo chân các thầy cô giáo, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà sàn đơn sơ, nằm cheo leo trên một quả đồi của gia đình ông Lò Văn Yêu ở bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã. Ngôi nhà nhỏ không có đồ đạc nào giá trị ngoài chiếc tivi cũ. Nhưng điều gây ấn tượng đối với chúng tôi là những tấm Giấy khen dành cho học sinh giỏi treo trên tường. Ông Lò Văn Yêu vui mừng chia sẻ, bố mẹ cả đời vất vả nên dù khó khăn đến đâu vẫn phải cho các con đi học. Được biết, nhiều năm nay gia đình ông Yêu đều thuộc diện hộ nghèo của bản. Hiện ông có 3 người con, tất cả đều được đến trường.

Cùng với việc vận động học sinh đến trường, việc tu sửa lại phòng lớp học sau kỳ nghỉ hè cũng mất nhiều thời gian và công sức của các giáo viên vùng cao. Nguyên nhân là do hầu hết các điểm trường ở đây đều là nhà tạm, làm bằng tre, nứa nên mỗi khi có mưa bão lại bị tốc mái, đổ sập. Vì vậy, cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo cùng phụ huynh dựng lại phòng học để đảm bảo điều kiện học tập cho các em.

Thầy giáo Lò Văn Liên, Trường Tiểu học Mường Lầm, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, cho biết, các điểm trường xa trung tâm hiện rất khó khăn, gió lốc có thể làm đổ nhà bất cứ lúc nào. Do vậy, vào đầu năm học các phụ huynh đều cùng với nhà trường góp gỗ, tre, sửa sang lại phòng học để các em yên tâm học tập.

Không chỉ ở Mường Lầm, nhiều phụ huynh tại các bản vùng cao trong tỉnh cũng đã bỏ ngày công, đóng góp vật liệu để sửa sang lại trường lớp, góp phần đáng kể vào việc huy động thành công trẻ ra lớp đúng độ tuổi và duy trì sỹ số, hạn chế dần số học sinh bỏ học.

Với tinh thần khắc phục khó khăn, thầy và trò ở vùng cao tỉnh Sơn La đang chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho ngày khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, để học sinh yên tâm đến trường học cái chữ, chính quyền địa phương và ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở vật vất, hỗ trợ cho học sinh. Có như vậy các em mới yên tâm gắn bó với trường, với lớp.


Lê Hữu Quyết/Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất