Già làng Ðiểu Gay ở buôn N’Drung, xã Ðác Búc So, huyện biên giới Tuy Ðức, tỉnh Ðác Nông đã hai lần được ra Hà Nội. Lần nào về Thủ đô già cũng vào Lăng viếng Bác. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng già làng Ðiểu Gay luôn tích cực tham gia vận động, động viên con cháu và bà con buôn làng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Già làng Ðiểu Gay tâm sự: "Bà con trong buôn luôn chung sức, chung lòng cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng buôn làng, quê hương ngày càng giàu đẹp, bình yên như Bác Hồ hằng mong muốn".
Trong những chuyến công tác về vùng sâu tỉnh Lâm Ðồng, chúng tôi đã ghi nhận được những câu chuyện về tình cảm thiêng liêng của đồng bào với Bác Hồ kính yêu. Ở xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, một căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến, chúng tôi đã gặp cựu du kích người Châu Mạ K’Brốp, ông cho biết: "Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Ðảng, cũng thờ Bác Hồ... ". Ông tới bên chiếc tủ gỗ nhỏ lục tìm và lôi ra từ chiếc ống nứa một bức hình Bác Hồ in trên giấy báo cũ đã bạc màu thời gian. Ông K’Brốp kể, bức ảnh này ông được một anh bộ đội người miền bắc tặng từ năm 1965, từ đó ông luôn luôn giữ gìn, nâng niu tấm ảnh như báu vật.
Trong kháng chiến, người Châu Mạ ở Lộc Lâm luôn một lòng trung thành với Ðảng, với cách mạng. Các gia đình ở xã Anh hùng này luôn treo ảnh Bác Hồ tại nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. Họ cũng lưu giữ bức thư của Bác gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số tại Plây Cu và coi đó là "tấm bảng chỉ đường" trong suy nghĩ và hành động của mình... Với cựu du kích người Châu Mạ, cụ Ðiểu Ðoi ở xã Ðồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) thì hào hứng khi nhớ kỷ niệm thời kháng chiến ở vùng này: "Kỷ vật thì nhiều nhưng với tôi, quý nhất là tấm ảnh Bác Hồ mà tôi có được từ ngày kết nạp Ðảng năm 1963. Quý lắm!". Vừa nói, cụ vừa mở tủ, lấy ra cuốn "Truyền thống cách mạng và xây dựng xã Ðồng Nai Thượng". Bàn tay cụ run run lật cuốn sách trang đầu tiên, là tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với kích thước 13 x 18 cm, được bọc cẩn thận trong hai lần ni-lông. Cụ cho biết, tấm ảnh này là kỷ vật do một cán bộ Khu ủy Khu 6 tặng cụ nhân ngày cụ được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Sau này, dù cụ được Bí thư Huyện ủy Cát Tiên lên thăm, tặng ảnh chân dung của Bác lớn hơn, nhưng tấm ảnh quý giá có gần 50 năm trước vẫn được cụ trân trọng lưu giữ.
Già làng K’Brít, người Cơ Ho ở huyện Di Linh thuộc lòng "Quyết tâm thư của đại biểu Già làng các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên", già nói: Bà con người Cơ Ho ở Di Linh hiểu rằng, chỉ có Ðảng và Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên mới được độc lập, tự do, mới có cơm để ăn, áo để mặc, ai cũng được đi học, khám, chữa bệnh, sống hạnh phúc...
Ông Y Thơn Niê ở buôn H’Ðinh, xã Cư Dlây M’nông, huyện Cư M’gar, (Ðác Lắc) tâm sự: Trước đây, nhiều người chưa hiểu sâu, hiểu hết về đạo đức, lối sống giản dị và cao đẹp của Người, từ khi đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, bà con hiểu hơn về Người. Hiểu hơn và thêm tin yêu Bác Hồ, người dân trong buôn ra sức đoàn kết, xây dựng buôn làng thêm giàu đẹp. Già Y Thơn nói thêm, bản thân ông đã góp một phần nhỏ bé trong việc tuyên truyền, vận động con cháu làm theo những lời Bác dặn: Phải dựa vào sức dân, tinh thần đoàn kết của dân mới mong đạt được mọi việc. Cũng từ nhận thức ấy, người dân trong buôn đã tích cực xây dựng cộng đồng của mình ngày một ấm no. Ðến nay buôn H’Ðinh không còn hộ nghèo, hầu hết 150 hộ gia đình ở đây đã có của ăn, của để và từng bước tích lũy để làm giàu. Buôn H’Ðinh được công nhận là buôn văn hóa cấp tỉnh.
Còn cụ Y DLưm ở buôn M’Liêng, xã Ðác Liêng, huyện Lắc, tỉnh Ðác Lắc thì bảo: Mình già rồi, cái chân không đi được nhiều để vận động bà con làm nhiều việc tốt như lời Bác dạy. Nhưng bù lại, cái đầu của mình còn nhớ, còn biết quan tâm đến đời sống của con cháu nên phải gắng sức làm một việc gì đó có ích cho bà con, chính quyền. Bài hát "Ca ngợi Bác Hồ" do già Y DLưm sáng tác và tự biểu diễn trong những dịp hội hè, hội diễn văn nghệ quần chúng ở địa phương được nhiều người, nhất là lớp trẻ hát thuộc làu. Sáng tác này của già Y DLưm đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn hát ru và dân ca toàn tỉnh Ðác Lắc năm 2008. Già Y DLưm kể rằng bài hát mộc mạc, chân chất ấy là cả tấm lòng của già, của bà con ở đây gửi gắm niềm tin của mình đến với Ðảng, cách mạng và Bác Hồ.
Với cụ Y Bhiu Mlô, ở thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc) luôn cho rằng mình may mắn và hạnh phúc vì ông đã được gặp Bác Hồ từ những năm 1966-1967, khi còn là học sinh người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ra miền bắc học tập. Hai lần được gặp Bác là những kỷ niệm khó quên trong đời ông. Cụ Y Bhiu Mlô còn nhớ rất rõ lời Bác căn dặn: Phải học tập và công tác cho thật tốt để sau này, khi đất nước thống nhất còn trở về quê hương xây dựng buôn làng, đuổi cái nghèo, cái lạc hậu cho bà con và đem sự ấm no đến cho mọi người. Theo lời Bác dạy, ông đã hoàn thành tốt công tác của một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tại các nông lâm trường ở các tỉnh phía bắc (từ Nghệ An ra Thanh Hóa).
Những kỷ niệm xưa, hình ảnh về Bác Hồ ùa về tràn ngập trong ký ức của người con Tây Nguyên. Cụ Y Bhiu Mlô tâm sự: Niềm tin về Bác luôn giúp cụ phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng nhiều hơn, tận tụy hơn. Nay tuổi đã cao, nhưng trong những năm triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa qua, cụ là một trong những tuyên truyền viên xuất sắc của thị xã Buôn Hồ. Cụ Y Bhiu Mlô tâm niệm: Những kỷ niệm về Bác và những lời dạy của Người đã giúp ông truyền đạt đến lớp cán bộ trẻ, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây tình cảm, tư tưởng và đạo đức của Bác một cách sinh động, gần gũi hơn. Việc làm tâm huyết của ông góp phần giữ vững niềm tin, sự kiên định của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và con đường mà Ðảng và Bác Hồ đã chọn.
Theo Nhân Dân