Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
PV: Điều gì thúc đẩy đồng chí đến với những bài viết về chủ đề học và làm theo Bác.
PV Phạm Hồng Hải: Tôi là phóng viên được phân công theo dõi mảng đề tài xây dựng Đảng nên rất tâm huyết với đề tài này. Thẳng thắn mà nói, nếu trong tình hình hiện nay, nếu Đảng ta mà không tổ chức việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho tốt, thì khó mà xây dựng Đảng thành công. Cùng với đội ngũ phóng viên cả nước, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải thông tin thật chân thực việc thực hiện Chỉ thị 03-BCT từ cơ sở. Điều đó cũng giúp tác phẩm của mình hay hơn, phong phú hơn. Như vậy, tuyên truyền tốt về Chỉ thị 03 thì nhà báo được lợi cả hai, cả cho mình và cho xã hội, nên tôi càng có thêm động lực theo đuổi đề tài này.
PV: Trong quá trình viết cụm tác phẩm báo in "Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị - Kinh nghiệm Lào Cai" , đồng chí cảm nhận như thế nào về những sáng tạo riêng và cách làm hiệu quả ở cơ sở trong việc học và làm theo tấm gương của Bác?
PV Phạm Hồng Hải: Tháng 5-2012, Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 03 của BCT đã nêu lên một hạn chế là chưa có những mô hình, cách làm sáng tạo để đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày. Bản thân chúng tôi, những phóng viên Xây dựng Đảng của Báo QĐND cũng nhận thấy một yêu cầu của thực tiễn là phải phát hiện và giới thiệu cho được mô hình, cách làm hay, tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Bản thân tôi tìm tòi trong số các báo cáo của các địa phương gửi về hội nghị, lùng sục trên các báo Đảng địa phương để tìm các tín hiệu từ cơ sở. Qua đó, tôi biết được Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Chỉ thị 08 về cán bộ chủ trì đăng ký nêu gương. So với các tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương lúc ấy thì việc quy định cán bộ chủ trì nêu gương của Lào Cai là sớm, đi trước cả Trung ương. Tìm hiểu kỹ hơn về quy định này của Tỉnh ủy Lào Cai, tôi nhận thấy quyết tâm của Quy định này là rất cao. Vì vậy, tôi đã đề đạt với Ban Biên tập và được Ban Biên tập cử tham gia nhóm phóng viên đi khảo sát ở Lào Cai.
Qua 2 tuần khảo sát ở Lào Cai, theo phương pháp đi ngược từ cơ sở lên, gặp gỡ người dân, chi bộ, đảng ủy cấp xã rồi mới làm việc với các huyện ủy và sau đó là Tỉnh ủy, chúng tôi càng đánh giá được quyết tâm cao của Tỉnh ủy Lào Cai trong việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Ví dụ, khi Quy định 08 của Tỉnh ủy Lào Cai quy định rõ cán bộ cấp sở, ngành trực thuộc tỉnh phải chấm dứt việc sử dụng xe công đưa, đón đi làm hằng ngày; thì ngay trong Tỉnh ủy Lào Cai đã tranh luận quyết liệt. Nhiều người cho rằng, quy định như thế là tự “lấy đá ghè chân mình”, thậm chí có trường hợp nêu lý do cán bộ tuổi cao, sức yếu; nếu đi làm bằng xe máy sẽ không bảo đảm..v.v. Nhưng Tỉnh ủy Lào Cai vẫn ban hành và kiên quyết duy trì quy định này. Đồng chí Cao Đức Hải, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai nêu gương chấp hành quy định trước. Anh Hải đã bị nhiều người trêu là “hâm” vì anh vốn đã làm Bí thư Thành ủy TP Lào Cai hai khóa liền, giờ là Trưởng ban Tuyên giáo, đã quen xe đưa, xe đón mà giờ tự nguyện rời bỏ quyền lợi đó.
Tự sự nêu gương của anh Hải, đội ngũ cán bộ sở, ngành của Lào Cai đã chấp hành ngày càng tốt hơn quy định này. Điều này chúng tôi đánh giá được qua ý kiến của người dân, kể cả các bác xe ôm nói rằng, trước đây, cứ vào buổi sáng, đường Trần Hưng Đạo ở TP Lào Cai tấp nập xe đưa đón cán bộ đi làm, dạo này đã ít hẳn.
Trên đây chỉ là một ví dụ khẳng định Lào Cai “nói được, làm được, học thật, làm thật” chứ không "hô hào suông", không "báo cáo láo".
Một điểm khác tôi thấy trong hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 03-BCT của Lào Cai là tính sáng tạo ở cơ sở rất cao. Chẳng hạn, Lào Cai yêu cầu cấp ủy các cấp nên tạo “điểm nhấn”trong làm theo, và điểm nhấn nên phân biệt với trọng điểm. Cách chọn điểm nhấn là mỗi cấp ủy cơ sở chọn một khâu yếu, việc khó để giải quyết dứt điểm nhằm tạo sự lan tỏa và để nhân dân nhìn nhận, đánh giá được. Chúng tôi đã khảo sát nhiều điểm nhấn như thế. Ví dụ ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, đang xây dựng nông thôn mới, nhưng khi làm đường qua bản Hốc thì gặp đoạn dốc cao, người dân không làm được vì cứ trộn bê tông đổ vào thì bê tông lại trượt xuống. Đội ngũ cán bộ xã, do Bí thư Đảng ủy đứng đầu đã nhận trước nhân dân đảm nhiệm thi công đoạn đường khó nhất đó. Mỗi công chức trong xã ủng hộ 600 nghìn đồng, sử dụng ngày thứ 7, chủ nhật để thi công. Kết quả, đội ngũ cán bộ xã trực tiếp thi công thành công đoạn đường khó nhất, khiến người dân cảm động và khen ngợi. Việc làm đó có sức lan tỏa trong dân rất lớn, cả xã đều khen cán bộ vừa giỏi tay nghề, vừa nhiệt tình làm đường cho dân đi.
Những việc làm cụ thể của đội ngũ cán bộ cơ sở ở Lào Cai, qua những gì tôi được thấy, gây ấn tượng rất mạnh trong tôi. Nhất là, Lào Cai còn có quy định cán bộ công khai những việc làm nêu gương của mình ở chi bộ và khu dân cư để đảng viên và nhân dân giám sát. Tôi nghĩ, đó là cách mà Lào Cai đi trước cả nước trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
PV: Trong thời gian tới, đồng chí sẽ tiếp tục chủ đề này theo hướng nào? và địa phương nào sẽ được đề cập tiếp?
PV Phạm Hồng Hải: Hiện chúng tôi đang tìm tòi những tập thể, cá nhân âm thầm, lặng lẽ làm tốt việc làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuộc thi Những tấm gương bình dị mà cao quý của Báo Quân đội nhân dân là một hướng đi như thế.
Hiện nay, nhiều địa phương có nhiều sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 03 của BCT, ví dụ như Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Chúng tôi đã xây dựng hệ thống cộng tác viên, thông tin viên tiếp tục theo dõi tình hình từ cơ sở, khi đủ điều kiện sẽ tổ chức điều tra, khảo sát để có những vệt bài về vấn đề này.
PV: Trân trọng cảm ơn và chúc anh cùng đồng nghiệp của mình ở báo Quân đội Nhân dân sẽ có nhiều hơn nữa những tác phẩm báo chí tâm huyết, sâu sắc, phản ánh sinh động quá trình thực hiện việc học và làm theo Bác ở cơ sở./.
Song Minh - Bảo Châu