Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 12/8/2009 22:22'(GMT+7)

Đồng chí Tô Huy Rứa làm việc với tập đoàn FPT: "Cần chú ý việc hình thành nhân cách, giữ gìn truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc cho sinh viên"

Đồng chí Tô Huy Rứa trò chuyện với sinh viên ĐH FPT tại thư viện hiện đại của trường. Ảnh: N.H

Đồng chí Tô Huy Rứa trò chuyện với sinh viên ĐH FPT tại thư viện hiện đại của trường. Ảnh: N.H

Tham quan thực tế cơ sở vật chất của trường, đồng chí  Tô Huy Rứa đánh giá cao những thành tích của ĐH FPT sau 3 năm thành lập. Hiện nay, trường có 2.000 sinh viên. Năm học 2009-2010, con số này sẽ tăng gấp rưỡi. Dự kiến sau khi hoàn thiện cơ sở đào tạo tại 3 miền vào năm 2015, tổng số sinh viên của ĐH FPT đạt 50.000.

Có mặt tại ĐH FPT lúc 3h chiều, đồng chí  cùng đoàn làm việc đã tham quan thư viện kết nối wifi, lớp học tiếng Anh do giáo viên Mỹ đảm trách và mô hình đào tạo chuyển tiếp Greenwich (Anh quốc) vừa khai giảng tại Việt Nam.

Đánh giá cao hình thức đào tạo liên thông, dạy nghề đi liền với tạo việc làm của tập đoàn, Trưởng Ban Tuyên giáo TW đã góp ý thêm về việc đào tạo những sinh viên có tư duy sáng tạo đồng thời biết giữ gìn bản sắc. "Cần chú ý việc hình thành nhân cách, giữ gìn truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc cho sinh viên", người đứng đầu lĩnh vực tuyên giáo trung ương lưu ý.

 Trưởng Ban Tuyên giáo TW Tô Huy Rứa chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ tại lớp tiếng Anh của sinh viên FPT.

Cũng trong buổi làm việc chiều 12/8, ông Nguyễn Lâm Phương, Phó tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT (FSoft) báo cáo, FSoft hiện là đơn vị số 1 trong lĩnh vực phần mềm ở Việt Nam với 2.700 kỹ sư. Doanh thu năm 2008 đạt 42 triệu USD, thị phần chủ yếu là Nhật Bản.

Theo ông Phương, với nguồn từ ĐH FPT, trong những năm tới, FSoft đặt mục tiêu trở thành công ty phần mềm tầm cỡ quốc tế.

Thay mặt tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT bày tỏ mong muốn ĐH FPT sẽ đào tạo được 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Theo ông Bình, với khả năng tiếp nhận kiến thức và truyền thống ham học hỏi, các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có khả năng đảm nhận những đề án từ đối tác Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

"Việt Nam có 65% dân số trẻ. Nếu các cơ sở đào tạo trong nước tận dụng tốt lực lượng này, đào tạo được 1 triệu kỹ sư, chúng ta sẽ là cường quốc công nghệ thông tin, chiếm lĩnh và cung cấp nguồn nhân lực cho thế giới", ông Bình chia sẻ "giấc mơ" của mình.

Trước đề xuất này, đồng chí  Tô Huy Rứa khẳng định, Ban Tuyên giáo TW sẽ chủ trì hội nghị với sự tham gia của Bộ GD&ĐT, Khoa học Công nghệ, Lao động Thương binh Xã hội cùng các cơ quan liên quan để thảo luận đề xuất của lãnh đạo FPT./.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất