Thứ Ba, 31/12/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 9/2/2017 16:20'(GMT+7)

"Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định"

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để ghi nhớ, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng chí Trường Chinh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định” nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh.

Cuốn sách được hình thành trên cơ sở các bài viết tại Hội thảo khoa học: "Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định", do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Nam Định tổ chức. 

Nội dung cuốn sách phản ánh một cách tương đối toàn diện, có hệ thống cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định trên nhiều phương diện, đặc biệt tập trung làm rõ những đóng góp xuất sắc của đồng chí trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chiến lược cách mạng ở những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.

1. Đồng chí Trường Chinh từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành


Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước. Là một người có tư chất thông minh, hiếu học, có hoài bão lớn. Ngay từ thuở nhỏ, đồng chí đã sớm thể hiện tư chất và bản lĩnh của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, sẵn sàng dấn thân vì nghĩa lớn. Sau khi học xong bậc tiểu học tại trường phủ Xuân Trường, đồng chí được thân phụ cho lên học ở Trường Thành chung Nam Định. Từ đây đồng chí bắt đầu con đường hoạt động cách mạng của mình. Cũng do chính những hoạt động yêu nước và cách mạng, đồng chí đã bị giam cầm tù đày trong một thời gian dài. 

Vượt qua mọi thử thách khốc liệt của ngục tù đế quốc, của chiến tranh, cũng như trước những khó khăn, nghiệt ngã của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, vừa mở đường vừa tiến lên, đồng chí Trường Chính đã suốt đời phấn đấu quên mình cho lý tưởng của Đảng, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí chính là hiện thân của một nhà yêu nước, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. 

Với 81 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925-1988), đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư, rồi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,...

2. Trường Chinh - con người xuất sắc trên mọi cương vị


Trong điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã xúc động bày tỏ: "Ở đồng chí, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện vào nhau làm một". Điều đó lại càng được thể hiện rõ hơn qua các bài viết trong cuốn sách "Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định". Các tác giả đi sâu phân tích, làm rõ những tài năng, phẩm chất cao đẹp trên từng cương vị mà đồng chí Trường Chinh đã đảm nhận.

Đồng chí Trường Chinh được bầu là Quyền Tổng Bí thư của Đảng tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1940. Sau đó, ba lần đồng chí được tín nhiệm bầu là Tổng Bí thư của Đảng ta. Trên cương vị là một lãnh đạo, đồng chí luôn thể hiện là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn biết nắm bắt thời cơ, có những định hướng, chiến lược đúng đắn để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng. 

Đồng chí cũng đã có nhiều đóng góp lớn vào sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, đồng chí cùng với Bộ Chính trị chuẩn bị, đưa ra các quyết sách chiến lược lớn và tổ chức để xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Trường Chinh là môt trong những nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam, đã để lại nhiều tác phẩm lý luận có giá trị “Chống chủ nghĩa cải lương” (1935); “Vấn đề dân cày” (viết chung với đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1937 - 1938); “Chính sách mới của Đảng” (1941); “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1947); “Bàn về cách mạng Việt Nam” (1965); “Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược” (1986)… Thông qua những tác phẩm đó, đồng chí Trường Chinh đã làm rõ: 1) Lý luận về phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, góp phần định ra đường lối chiến lược và sách lược của Đảng. 2) Lý luận về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa và đó là những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

Không chỉ với tư cách là một lãnh đạo mẫu mực, đồng chí còn thể hiện đồng chí là một nhà chiến lược, nhà tổ chức tài năng. Trong công cuộc đổi mới, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp lớn, là người đầu tiên đưa ra phạm trù đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Đã có nhiều bài viết, bài tham luận của các tác giả khẳng định đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo, nhà lý luận có tài năng như: Vai trò và cống hiến của đồng chí Trường Chinh trong lãnh đạo giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Tám (1945-1946) của PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc, Những đóng góp lý luận của đồng chí Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954) của PGS. TS, Nguyễn Kim Dung, Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam của TS. Nguyễn Thắng Lợi,... Trong bài viết: Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư của tác giả Lê Quang Vĩnh đã có những phân tích cụ thể và đi tới khẳng định: đồng chí Trường Chinh là một nhà lý luận nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn mà tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo chiến lược, nhà lý luận xuất sắc, đồng chí Trường Chinh đã kế thừa, không ngừng hoàn thiện mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để tôi luyện thành một nhân cách văn hóa, một nhà văn hóa lớn. Đồng chí cũng là người tổ chức, chỉ đạo công tác báo chí của Đảng và trực tiếp viết nhiều bài báo với tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục và cổ động cách mạng mạnh mẽ, sâu rộng. 

Là một nhà thơ cách mạng, đồng chí được biết đến với bút danh Sóng Hồng và những câu thơ trở thành bất hủ: Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền. Có thể nói, đã có rất nhiều bài viết, bài tham luận được tập hợp trong cuốn sách cho thấy những đóng góp và tài năng của đồng chí trên mặt trận văn hóa như: GS, TS Tạ Ngọc Tấn với bài viết: Nhà báo Trường Chinh: "Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ"; PGS, TS Bùi Đình Phong với bài viết: Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn; PGS, TS Lê Văn Lợi, Ths Phùng Thị Việt Hà với bài viết: Đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên mặt trận văn hóa; PGS, TS Trần Minh Trưởng với bài viết: Trường Chinh - Người góp phần khai tạo nền văn hóa mới Việt Nam; TS Văn Thị Thanh Mai, Ths Đinh Quang Thành với bài viết: Đồng chí Trường Chinh  với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam...

Luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống giản dị, ít nói về mình, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đồng chí Trường Chinh là một nhà hoạt động văn hóa sắc sảo, một nhân cách văn hóa trong một nhà chính trị tài năng... Mỗi người còn có thể đọc và nghiền ngẫm nhiều bài viết khác trong cuốn sách “Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định” để thấy được chân dung một người cộng sản kiên trung trong cách mạng, tính nguyên tắc, tổ chức kỷ luật, sự giản dị, sự gần gũi với đồng bào, đồng chí, tính khiêm tốn, cách làm việc khoa học, cẩn thận, nhân cách cao thượng, trong sáng, tấm gương đạo đức mẫu mực của đồng chí Trường Chinh.

Nhật Hoa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất