Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 13/10/2009 20:20'(GMT+7)

Đồng phục học sinh ở nông thôn: Được và chưa được

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)




Cái được của đồng phục

Phải khẳng định rằng học sinh mặc đồng phục trông lịch sự, gọn gàng và rất đẹp mắt, chính vì thế, ngành giáo dục cũng như toàn xã hội luôn quan tâm và khuyến khích khuyến việc mặc đồng phục đối với học sinh, đặc biệt khi điều kiện cuộc sống hôm nay đã được nâng lên rất nhiều.

Nhớ lại thời bao cấp, khi nước ta còn nghèo vì phải trải qua một thời gian khá dài “tất cả tập trung cho tiền tuyến”, mỗi người dân được cấp 4 mét phiếu vải 1 năm, đủ may 1 bộ quần áo (có gia đình “tiết kiệm” việc may mặc để may vỏ chăn thì quần áo đành phải “chị trao em nhận”). Ở những năm tháng đó, “ước mơ đồng phục” đối với học sinh quả là xa vời.

Bây giờ, ở thời mở cửa, hầu hết mọi người, mọi nhà đều có điều kiện để chưng diện, việc may một vài bộ đồng phục cho con em không còn quá khó khăn. Nhìn các em học sinh mặc đồng phục gọn gàng, có phù hiệu in rõ tên, địa chỉ, số điện thoại của trường; học sinh nam mặc sơ mi trắng với quần xanh, các em nữ mặc sơ mi trắng có thêm dải nơ “cách điệu” nơi cổ áo, cùng với váy xanh (mùa đông thì có thêm chiếc áo “gió” khoác ngoài).… thấy thật dễ thương! Nhiều người có nhận xét rằng, hình như khi các em mặc đồng phục - đặc biệt là học sinh cấp tiểu học - thì cũng ít nghịch bẩn hơn. Người đi đường chỉ cần nhìn vào phù hiệu là có thể biết được học sinh đó ở trường nào...

Ngoài trang phục quần áo, đồng phục học sinh còn phải kể đến các “phụ kiện” khác như giày, dép, mũ... Hầu hết các trường tiểu học ở thành phố hiện nay đều quy định đồng phục của học sinh khi đến trường còn phải “đảm bảo tiêu chuẩn” cả về dép quai hậu, mũ ca lô... Các buổi tập trung dưới cờ hay sinh hoạt chủ điểm, tất cả học sinh toàn trường đều đồng loạt mặc đồng phục, nhìn đội ngũ các em sáng sủa, quy củ hẳn lên.

... và chưa được

Cái “được” thì ai cũng nhìn thấy rất rõ, nhưng cái “chưa được” thì không phải ai cũng nhận ra

Về chất lượng

Nếu có được những bộ đồng phục của các công ty may nổi tiếng và uy tín trong nước hiện nay (như “May Nhà bè”, “May 10”, “Việt Tiến”...) thì khỏi phải bàn. Các công ty may này nhận may đồng phục học sinh với số lượng lớn, chất lượng đảm bảo, chất liệu vải dày dặn, đường kim mũi chỉ đẹp, bền…

Tất nhiên “tiền nào của ấy”, và không phải trường nào, phụ huynh nào - nhất là ở vùng nông thôn - cũng có điều kiện trang bị cho con em mình những bộ đồng phục có chất lượng tốt. Vì may đồng phục là khoản thu thoả thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh (PHHS) nên nhà trường cũng không thể tự quyết định. Bởi vậy, sau khi cùng “tính toán” thống nhất với PHHS, hầu hết các trường đều hợp đồng với một nhà may “quen biết”. Có một thực tế là, các nhà may này thường nhận với số lượng lớn (có khi cả hàng chục trường) rồi giao cho các cơ sở gia công khác may (để hưởng phần trăm). Thường thì ban đầu (khi mới ký hợp đồng), các nhà may đều rất chu đáo - lấy số đo từng em rồi cắt và may theo kích cỡ đó - trang phục rất đạt chất lượng, đẹp và khá chuẩn. Nhưng một vài năm, sau khi đã “quen khách” họ chỉ đưa về trường mỗi loại 3 cỡ số (to nhỏ khác nhau), giáo viên cho học sinh thử rồi ghi số cỡ áo quần từng em, nhà trường tổng hợp lại, thế là xong. Rất nhanh chóng, chỉ sau vài ngày là các em đã có quần áo đồng phục. Rõ ràng, với cách làm như vậy thì không thể có các bộ đồng phục “chuẩn” về hình thức và chất lượng vải được. Vì phải qua nhiều “khâu” gia công, nhưng vẫn tăng được lợi nhuận, nên chất lượng sản phẩm không đựoc các nhà may coi trọng (có những bộ đồng phục các em mặc vài lần đã quăn gấu, nhăn nhúm (vì vải mòng); áo khoác mùa đông thì kéo khoá vài lần đã hỏng). Khi có ý kiến phản hồi thì được trả lời “tiền nào của ấy”…

Sự bất tiện

Ở môi trường nông thôn, giá mỗi bộ quần áo kể trên khoảng trên dưới 100.000đ/bộ (nếu có áo khoác thì cộng thêm vào 50.000- 70.000đ). Để chấp hành đúng nội quy, quy định của nhà trường, và cũng là “để con mình bằng chúng bằng bạn” nên nhiều bậc phụ huynh, dù khó khăn cũng cố gắng may cho con em một bộ đồng phục. Nhưng học sinh cấp tiểu học thường ham nghịch, nhiều em đi học một buổi quần áo đã bẩn. Thường là các em chỉ được cha mẹ may cho 1 bộ, nên không có bộ khác thay, cho nên nhiều học sinh phải mặc theo kiểu “quân tử nhất bộ” trong các buổi học (vì quy định của nhà trường là phải mặc đồng phục khi đến lớp). Và thế là, vẻ đẹp của đồng phục lại biến thành sự lôi thôi, mất vệ sinh. Rõ ràng, đây là một sự bất tiện.

Một số trường “thoáng hơn” trong quy định học sinh mặc đồng phục vào các ngày thứ 2,4,6 trong tuần, còn các ngày khác mặc tự do. Thế là lại nảy sinh một điều bất tiện khác: các ngày 2,4 6 trong tuần, cả trường trông sáng sủa lịch sự đàng hoàng, còn các ngày khác thì thật là “hổ lốn và tạp nham”. Có em đi dép tổ ong “cho tiện”, có em mặc luôn áo “phông” (mà chẳng còn rõ màu gì vì giặt nước giếng khoan chưa qua lọc xử lý ),có bạn còn “vô tư” “diện” luôn bộ quần áo hoa rất đẹp đến lớp…!

Sự máy móc cuả đội ngũ “sao đỏ” cũng góp phần làm nảy sinh một sự bất tiện nữa. Liên đội quy định mặc đồng phục theo mùa - mùa đông mặc áo khoác, mùa hè mặc sơ mi trắng, quần xanh (với nam), váy xanh (với nữ). Đối với lịch học buổi chiều, nhà trường thường quy định giờ vào học từ 1h10’ theo giờ mùa đông, 1h40’ theo mùa hè. Liên đội cũng theo lịch đó mà quy định mặc đồng phục. Vậy là ở thời điểm giao mùa, có hôm thời tiết tháng 8, tháng 9 âm lịch vẫn còn nóng 31- 32 độ, học sinh vẫn phải mặc đồng phục mùa đông (áo khoác). Tuổi hiếu động nên các em không thể ngồi yên, giờ ra chơi chạy nhảy, cộng với thời tiết nắng nóng khiến mồ hôi ra nhiều, vào lớp lại phải khoác đồng phục mùa đông, phanh ngực ra thì rất khó coi, mà mặc vào thì... thật khổ cho các em và cũng khổ cho các giáo viên nếu bị viêm mũi dị ứng. Ngược lại, thời tiết đầu mùa thu (tháng 9 dương lịch) vẫn quy định mặc đồng phục mùa hè, nhưng đã có những ngày se lạnh, các em vẫn phong phanh áo cộc và váy (đối với học sinh nữ). Nếu cơ thể em nào chưa kịp thích ứng với thời tiết rất dễ bị ho và cảm lạnh. Đó là chưa kể đến váy phải đi đôi với quần tất. Đối với con em gia đình khá giả thì có đầy đủ, còn các em con nhà nghèo thì đành để nguyên “đôi chân ống sậy” đen đủi cuả mình “cọc cạch” bên cạnh những bộ váy áo đồng phục.

Về dép quai hậu cũng có nhiều điều cần nói. Để mua một đôi BiTis phải mất khoảng 200.000đ. Ở nông thôn, ngoài việc lo đủ sách vở quần áo, cặp sách và các khoảng đóng góp đầu năm cho mỗi con em cũng hết từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Nhà nào có 2-3 con đi học là cả một vấn đề.... Thế là các phụ huynh đành phải mua loại dép xốp quai hậu Tàu rẻ tiền trang bị cho con em mình. Học sinh nông thôn đi lại chủ yếu trên đường gạch, đường đất, nhiều bụi bẩn, nước thải, chân ra nhiều mồ hôi, lại không có điều kiện để khử mùi nên chân dễ có mùi hôi. Những hôm trời nồm, không khí trong lớp học không trong lành tí nào!

Các em học sinh lớp 8-9 ở vùng nông thôn thường có những “ý tưởng” rất “độc đáo”(thường là “bắt chước” nhau), ngoài bộ đồng phục nhà trường, các em còn tự “thiết kế” riêng một bộ của lớp, có “lô gô”của lớp, khoá học, trường học do chính các em sáng tạo ra. Nhưng phần nhiều những “lớp phục” như thế rất thiếu tính mỹ thuật, ví dụ như áo trắng lại có viền tay đen, cổ đen, nẹp đen ở miệng túi, sọc đen dọc 2 bên tay áo và dọc theo đằng trước ngực, ngang vai, cộng thêm một chiếc nơ cũng ... đen. Nhiều lớp (chủ yếu là các em cuối cấp THCS) còn thiết kế thêm một mẫu thêu ở ngực áo (cả nam và nữ), học sinh nữ mặc thì còn có thể phù hợp, nhưng đối với học sinh nam thì thật “phản cảm”. Điều đáng nói là chính các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh thường không để ý đến chuyện này…

Trách nhiệm của người lớn

Quy định việc mặc đồng phục đối với học sinh là hoàn toàn đúng và hợp lý trong điều kiện hiện nay. Cho con em, học trò mình mặc đồng phục là điều rất nên, đáng khuyến khích. Nhưng cũng có nhiều điều mà những bậc có trách nhiệm cần lưu ý:

Một là, Nếu có điều kiện may đồng phục cho học sinh thì nên đặt may những bộ quần áo có chất lượng cao của các công ty may uy tín. Nếu không có điều kiện triển khai thì cũng đừng nên vì hình thức mà đặt may những bộ quần áo kém chất lượng. Nên chăng hãy quy định các em mặc quần xanh áo sơ mi trắng có cổ, cốt sao sạch sẽ gọn gàng, không nhất thiết phải dài hay cộc tay, vì các em có thể tuỳ theo tình trạng sức khoẻ cuả mình để ăn mặc cho phù hợp.

Hai là, Đội ngũ “sao đỏ” ở các trường phổ thông cũng cần phải “tuỳ cơ ứng biến” trong việc kiểm tra, phê bình, nhắc nhở quy định mặc đồng phục. Không nên vì “tiêu chí thi đua” mà thực hiện quy định một cách “máy móc”. Điều này phải được chính giáo viên - tổng phụ trách Đội thực hiện và hướng dẫn các “sao đỏ”, các thầy cô phải “mềm hoá”, linh hoạt các yêu cầu, cốt sao các em đừng ăn mặc quá lố lăng hay luộm thuộm khi đến trường, mà phải tuân thủ những nội quy “ăn mặc gọn gàng sạch sẽ” khi đên lớp. Ở những vùng nông thôn chưa có điều kiện, nếu có thể thì chỉ nên quy định mặc đồng phục (đã may) vào thứ 2 (chào cờ đầu tuần) hoặc các ngày sinh hoạt chủ đề, chủ điểm nhằm tôn vẻ lịch sự thanh lịch cuả học sinh, vẻ trang trọng cuả buổi lễ.

Ba là, Các bậc phụ huynh học sinh cũng nên cùng bàn bạc với nhà trường để thống nhất và có kế hoạch may và mặc đồng phục cho con em sao cho phù hợp với điều kiện môi trường, hoàn cảnh gia đình… Không nên vì quy định mặc đồng phục của nhà trường mà “trang bị” cho con em một cách qua loa, tạm bợ, kém chất lượng…

Và sau cùng, nhà trường cũng nên chú tâm đến những “hợp đồng” may đồng phục, “nhắc nhở” và yêu cầu các nhà may, nhà thiết kế cần chú trọng đến hình thức cũng như chất lượng sản phẩm. Không phải cứ vì lý do “tiền nào của nấy” mà làm qua loa, đại khái. Hiện nay trong xã hội có khá nhiều các lĩnh vực dịch vụ thực hiện việc giảm giá, ưu tiên với đối tượng học sinh sinh viên; nhiều “mạnh thường quân” đã hảo tâm tài trợ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Tuy nhiên, hình như chưa có “mạnh thường quân” nào nghĩ đến việc tài trợ đồng phục cho con em học sinh vùng nông thôn.../.

Diễm Nguyệt
Giáo viên Trường THCS Hoài Đức - Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất