Chiều ngày 22/8, Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Chương trình hành động số 214 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa VIII thực hiện Nghị quyết số 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (Chương trình hành động 214).
Đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đến dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban Đảng của tỉnh, các sở ngành, trường cao đẳng, đại học trên địa bàn; các văn nghệ sĩ là ủy viên ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, chủ tịch các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương; thường trực cấp ủy, Uỷ ban nhân dân, lãnh đạo ban tuyên giáo và phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện.
Trình bày báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động 214, đồng chí Lê Thị Kim Loan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, từ việc quán triệt, triển khai Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về văn học - nghệ thuật đã nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn học - nghệ thuật trong đời sống xã hội. Công tác đầu tư cho văn học - nghệ thuật được quan tâm thực hiện hơn. Việc thu hút, quy tụ đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, phục vụ các nhiệm vụ chính trị có nhiều cải thiện về chất lượng và số lượng. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh gắn kết chặt chẽ hơn.
Tạo cơ chế và đầu tư cho văn học, nghệ thuật
Căn cứ vào 3 nhóm mục tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động 214, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức hướng dẫn công tác tuyên truyền, phối hợp kiểm tra, đôn đốc thực hiện nội dung, báo cáo tình hình, trong từng thời điểm thực hiện đã đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chủ trương, giải pháp phù hợp thực tiễn. Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển văn học - nghệ thuật của tỉnh giai đoạn 2010 – 2015 và đưa vào thực hiện với lộ trình và phương hướng cụ thể.
Tỉnh còn tạo cơ chế, hỗ trợ kinh phí cho Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm và nhiều trại, lớp sáng tác trong và ngoài tỉnh; đồng thời chú trọng đầu tư theo chiều sâu và đặt hàng các tác phẩm có chất lượng cao về các đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các chương trình, đề án trọng tâm mà tỉnh đang triển khai thực hiện, đáng kể là tuyên truyền về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp, việc quảng bá và tạo dựng hình ảnh địa phương, chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,… thông qua hình thức thể hiện của văn học nghệ thuật, mềm hóa chủ trương của tỉnh để đến được với đông đảo quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Xây dựng tổ chức và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ
Những năm qua, Đồng Tháp luôn chú trọng việc xây dựng tổ chức, quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực phát triển văn học-nghệ thuật. Cơ quan thường trực Hội và các phân hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Lực lượng hội viên được mở rộng và bồi dưỡng phát triển. Chất lượng hội viên không ngừng được nâng cao, đa số hội viên còn trẻ, có trình độ chuyên môn và nhiệt tình công tác. Cán bộ hội, phân hội hầu hết đều được đào tạo cơ bản về chính trị và chuyên môn, có đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 - 2017, Hội Văn học - Nghệ thuật được đổi tên thành Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật; Ban Chấp hành tăng số lượng từ 15 lên 25. Từ khởi điểm chỉ có 60 hội viên với 3 chuyên ngành, hiện nay tỉnh có trên 400 hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tham gia hoạt động ở 8 chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian, điện ảnh - truyền hình và kiến trúc; trong đó trên 100 hội viên các chuyên ngành Trung ương; các Hội Văn học - Nghệ thuật cấp huyện có 5 địa phương được thành lập. Đa số văn nghệ sĩ phát huy được năng lực, sở trường, nhiều cá nhân thể hiện tốt năng khiếu, từng bước khẳng định mình, đóng góp tích cực vào phong trào sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Nâng cao chất lượng sáng tác và giới thiệu, quảng bá tác phẩm trên địa bàn
Thông qua chủ trương phát triển văn học nghệ thuật của Trung ương và của tỉnh, hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật ở Đồng Tháp trong 8 năm qua có bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, các văn nghệ sĩ Đồng Tháp đã đưa được tư tưởng yêu nước, tinh thần dân tộc, những giá trị chân – thiện – mỹ, quan điểm đổi mới vào trong tác phẩm của mình. Qua đó, đề cao tính nhân văn, góp phần giáo dục nhân cách con người.
Việc giới thiệu tác giả, phổ biến, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được chú trọng. Mỗi năm, hàng ngàn tác phẩm được giới thiệu, hàng chục đầu sách đa dạng thể loại về văn, thơ, ca khúc, ca cổ, kịch, sách ảnh, văn hoá dân gian… được xuất bản. Nổi bật là Tuyển tập tác phẩm văn học, nghệ thuật 10 năm đầu thế kỉ XXI, tập sách ảnh “Đồng Tháp hướng về biển đảo Tổ quốc”, tập tác phẩm văn học, nghệ thuật (2010 - 2015), tập ký Đồng Tháp 40 năm, tập bút ký về đề tài tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp… Chọn lọc trong số đó, Đồng Tháp tham gia nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật ở các cấp, đã có 75 tác phẩm chất lượng cao đạt giải khu vực, 67 giải quốc gia và 6 giải quốc tế, mỗi năm góp phần làm dày thêm thành tích của tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật.
Báo Văn nghệ Đồng Tháp là một trong những kênh giới thiệu, quảng bá tác phẩm thường xuyên và hiệu quả nhất, hiện phát hành 2 kỳ/tháng, bình quân trên 1.300 tờ/số với chất lượng nội dung nâng dần, hình thức trình bày đẹp, nội dung chuyên mục, chuyên trang đa dạng, phong phú, được xem là diễn đàn để hội viên, cộng tác viên công bố tác phẩm, thể nghiệm sáng tác mới.
Thông qua hình thức báo nói, báo hình, mỗi tháng một kỳ, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học- Nghệ thuật tỉnh xây dựng chuyên mục văn học - nghệ thuật phát sóng định kỳ nhằm giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm đến công chúng. Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh còn duy trì tổ chức Ngày Thơ Việt Nam 2 năm/lần tạo điều kiện để các hội viên, văn nghệ sĩ và người làm thơ, yêu thơ gặp gỡ, chia sẻ và giới thiệu tác phẩm.
Bên cạnh đó, các hoạt động triển lãm tranh ảnh, thư pháp, thư họa và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn thường xuyên được tổ chức, góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người, thiên nhiên và sắc thái văn hoá đặc trưng của Đồng Tháp. Đặc biệt, tỉnh đầu tư thực hiện Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu định kỳ 5 năm/lần, trải qua 3 lần tổ chức, với hàng trăm tác phẩm, tác giả được vinh danh, biểu dương đã tạo động lực khuyến khích lực lượng văn nghệ sĩ ngày càng sáng tác nhiều hơn những tác phẩm có giá trị về quê hương, con người Đồng Tháp, góp phần tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tỉnh đề ra.
Tại hội nghị, các tham luận đều thống nhất tiếp tục phát huy hiệu quả ưu điểm để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 23 trong thời gian tới, phấn đấu xây dựng và đầu tư cho văn học nghệ thuật để luôn là cơ sở, là động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh kết thúc thực hiện Chương trình hành động 214, song cả hệ thống chính trị vẫn phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 23, trọng tâm là làm tốt hơn nữa công tác định hướng tư tưởng, định hướng thẩm mỹ đối với hội viên Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật; quán triệt quan điểm của Đảng về văn học - nghệ thuật trong tình hình mới; nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tăng cường và mở rộng sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và người dân để phát huy giá trị, công năng của các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng, không để lãng phí nguồn lực đầu tư; khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn, không ngừng sáng tạo, góp phần tạo dựng và quảng bá hình ảnh địa phương.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cần đề cao hơn nữa trách nhiệm nghệ sĩ và nghĩa vụ công dân, không ngừng học tập, nghiên cứu, tự rèn luyện, tự bồi dưỡng, tích lũy tri thức, bám sát hiện thực cuộc sống, tìm tòi, phát hiện, khám phá, làm cho tác phẩm của mình tự thân có sức thu hút đối với công chúng, từ đó trở thành tác phẩm có giá trị cao.
Dịp này, Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã tổ chức trao Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân điển hình đã có nhiều đóng góp qua 5 năm thực hiện Đề án phát triển văn học - nghệ thuật địa phương.
Ngọc Hân
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp