Nguồn tư liệu lịch sử vô giá
Những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã trở thành điểm đến
hấp dẫn của đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi thăm TP Đà Lạt
(Lâm Đồng). Cùng với khu “Đệ nhất biệt điện” trên cao nguyên, được xây
dựng từ năm 1958, trong khuôn viên hơn 1,3 ha, gồm ba biệt thự mang tên
Hồng Ngọc, Lam Ngọc và Bạch Ngọc, du khách có thể tham quan, tìm hiểu di
sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản, trưng bày, giới thiệu
tại đây.
Mộc bản triều Nguyễn là những tài liệu đặc biệt, viết bằng chữ Hán
Nôm khắc ngược trên gỗ để in thành sách, được dùng phổ biến ở thời kỳ
phong kiến Việt Nam và còn lưu giữ được đến ngày nay. Mộc bản triều
Nguyễn phần lớn được khắc in dưới triều Nguyễn, trong đó có cả một số
ván khắc có niên đại từ trước thời Nguyễn. Nội dung của tài liệu Mộc bản
rất phong phú và đa dạng, phản ánh các lĩnh vực: lịch sử, địa lý, chính
trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư
tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự… từ thời Hùng Vương dựng
nước đến triều Nguyễn. Tài liệu mộc bản là những bộ biên niên sử được
biên soạn và khắc in rất công phu. Tiếp cận những tài liệu giá trị này,
mới thấy được trí tuệ và sự tài hoa của người Việt Nam. Theo ông Nguyễn
Thanh Châu, nguyên giảng viên Hán - Nôm, Trường đại học Đà Lạt, gỗ phổ
biến nhất dùng làm ván khắc là gỗ thị. Loại gỗ này dai, mềm và mịn, khó
bị nứt nẻ, cong vênh, cho nên chữ khắc trên đó sẽ không bị lệch. Theo
sách Đại Nam nhất thống chí, mộc bản còn được chế tác từ cây nha đồng,
tục danh là sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Vì thế, trải
qua mấy trăm năm, đến nay mộc bản vẫn trong tình trạng tốt. Mộc bản
triều Nguyễn có bản khắc bằng chữ Hán chân (chữ chân phương, đơn giản),
nhiều bản được khắc bằng chữ Hán thảo (chữ Hán thư pháp), nhiều tấm khắc
sơ đồ, bản đồ, tác phẩm hội họa, họa tiết. Chữ trên mộc bản có kích cỡ
rất nhỏ, nhiều nét, có nét tinh xảo mảnh như sợi chỉ. Dù đã trải qua
hàng trăm năm, nhưng khi đem in, các chữ trên giấy vẫn sắc nét. Có thể
nói, Mộc bản triều Nguyễn không chỉ là tài liệu quý, mà còn là những tác
phẩm nghệ thuật.
Chúng tôi đến khu “Đệ nhất biệt điện” trong bảng lảng những cơn mưa
cuối mùa của Đà Lạt. Khu biệt điện trầm mặc đang đón những đoàn khách
đến tham quan, tìm hiểu tư liệu Mộc bản hoàng triều. Trong câu chuyện
với Trưởng phòng Tài liệu Mộc bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Phạm
Thị Yến, chị cho biết: Hiện nay, trung tâm đang bảo quản 34.619 tấm, với
55.320 mặt khắc tài liệu mộc bản; gồm 152 đầu sách, với 1.953 quyển,
trên các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp
chế, văn hóa- giáo dục, tư tưởng - triết học, tôn giáo, văn thơ và ngôn
ngữ - văn tự. Năm 2007, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã khai trương và
mở cửa Khu trưng bày tài liệu lưu trữ. Sau đó hai năm, trung tâm đã biên
soạn sách “Mộc bản triều Nguyễn - Đề mục tổng quan”, dưới dạng sách
điện tử và sách in để công bố, giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn
với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, đúng dịp khai mạc Hội nghị
Lưu trữ quốc tế SARBICA. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ Trung tâm Lưu
trữ quốc gia IV cho biết: “Chính vì những tính chất quan trọng và độc
đáo về nội dung, vật mang tin và phương pháp chế tác, cho nên Mộc bản
triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên
của Việt Nam”.
Bảo quản công phu
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng cho biết,
ngay từ thời Nguyễn, việc bảo quản tài liệu mộc bản đã được các vua
Nguyễn rất quan tâm. Bằng chứng là Quốc Sử quán đã được xây dựng vào năm
Minh Mạng thứ nhất (1820), để biên soạn sách sử đồng thời bảo quản các
bộ ván khắc. Đến năm Tự Đức thứ hai (1849), dựng thêm Tàng bản đường để
bảo quản Mộc bản. Quốc Tử Giám cũng được xây dựng, ngoài chức năng đào
tạo, còn tiếp nhận bảo quản, tu bổ ván in sách được thu chuyển từ Bắc
Thành (Hà Nội ngày nay) về. Hằng năm, các nhân viên coi giữ tài liệu
phải thường xuyên kiểm tra các bản khắc xem bản nào bị hư hỏng, chữ nào
mất nét thì giao cho viên quan Đốc Công Vũ khố đốc sức cho thợ phục chế
ngay.
Năm 1933, Quốc Sử quán bị bãi bỏ và được dùng làm trụ sở Thư viện đầu
tiên của Nam triều, sau đó trở thành Tổng Thư viện Trung ương. Năm
1937, được đặt tên là Thư viện Bảo Đại, về sau đổi tên Viện Văn hóa
Trung phần. Thư viện này tập trung rất nhiều sách vở, tài liệu của các
khố văn thư lớn, nhỏ từng thiết lập tại Huế, kể cả kho sách và tài liệu
Mộc bản Triều Nguyễn. Năm 1960, chính quyền Sài Gòn đã cho chuyển toàn
bộ mộc bản và châu bản về Đà Lạt. Theo ý kiến của Viện Bảo tàng Huế, nơi
lưu giữ mộc bản và cổ thư lúc đó: “Với khí hậu khô ráo quanh năm của Đà
Lạt, sách vở và sử liệu, nhất là mộc bản có thể được bảo tồn lâu dài”.
Qua nhiều quá trình chuyển giao, hiện nay, tài liệu Mộc bản triều
Nguyễn được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV bảo quản trong kho chuyên
dụng, theo chế độ thông gió tự nhiên, không làm lạnh, chỉ sử dụng chế độ
quạt gió của hệ thống điều hòa không khí. Qua theo dõi, nhiệt độ trong
kho tương đối ổn định, duy trì ở mức từ 21 đến 26oC, độ ẩm dao động từ
55 đến 70%. Tài liệu mộc bản được khử trùng định kỳ và theo dõi nấm mốc
thường xuyên. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng
khẳng định: “Tài liệu mộc bản đang được bảo quản khá tốt, với hệ thống
“kho trong kho” hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, cùng hệ thống phòng
cháy tự động, an ninh nghiêm ngặt”. Phó trưởng phòng Bảo quản, Trung tâm
Lưu trữ quốc gia IV Lại Thị Ngọc cho biết: “Có nhiều nghiệp vụ trong
công tác bảo quản, như vệ sinh kho, tài liệu, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm;
kiểm tra, thống kê tình trạng vật lý tài liệu… tất cả đều được ghi chép,
giúp chúng tôi theo dõi sự biến thiên nhiệt độ, độ ẩm theo mùa để có
phương án xử lý”.
Chứng kiến những người phụ trách công tác bảo quản, vệ sinh tài liệu
Mộc bản triều Nguyễn tại đây, mới thấy được sự tận tâm, cẩn trọng với di
sản văn hóa. Từng tấm mộc bản được tổ chức vệ sinh định kỳ, làm sạch
bụi, cặn mực; khó và tỉ mẩn nhất hiện nay là làm sạch lớp rêu mốc đã khô
cứng trên mộc bản. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Xuân Hùng nói: “Do trải
qua quá trình di chuyển, đặc biệt chịu sự ảnh hưởng của những biến cố
lịch sử, cơ sở vật chất bảo quản không bảo đảm, không ít mộc bản bị mối,
mốc, mọc rêu, bị ẩm và ngấm nước. Chúng tôi đang phối hợp nghiên cứu
phương pháp vệ sinh bằng kỹ thuật hiện đại, với mục tiêu làm sạch nhanh,
nhưng không ảnh hưởng đến tài liệu mộc bản, dự kiến áp dụng năm 2017”.
Hiện nay, hằng ngày đều có đội ngũ cán bộ thực hiện công tác vệ sinh lớp
rêu mốc đã khô cứng trên mộc bản bằng phương pháp thủ công. Anh Phạm
Ngọc Hiền, với mười năm kinh nghiệm trong công tác bảo quản tài liệu mộc
bản, thổ lộ: “Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi mới nghĩ ra cách,
dùng cật tre vót nhọn, cạy từng tý một để không ảnh hưởng đến nét chữ.
Có tấm làm cả tuần mới xong. Công việc này vẫn được tiếp tục cho đến khi
áp dụng phương pháp hiện đại”.
Phát huy giá trị di sản
Ngay sau khi Mộc bản triều Nguyễn được công nhận Di sản tư liệu thế
giới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã lập kế hoạch để bảo tồn và phát
huy giá trị của di sản. Đây là công việc mới không chỉ với ngành lưu
trữ, vì nước ta trước đó chưa từng sở hữu danh hiệu di sản tư liệu thế
giới nào. Và sau nhiều nỗ lực, việc nghiên cứu phục vụ bảo quản khối tài
liệu này đã được tiến hành, cùng nhiều hoạt động công bố, triển lãm,
giới thiệu để đưa tài liệu mộc bản đến gần hơn với công chúng.
Trung tâm đã tổ chức các phòng trưng bày và mở cửa cho du khách tham
quan, tìm hiểu, đồng thời biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách, phim tài
liệu từ giá trị mộc bản. Năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm
Thăng Long - Hà Nội, trung tâm đã sưu tầm, biên dịch, biên soạn và xuất
bản hai cuốn sách Khoa bảng Thăng Long - Hà Nội qua tài liệu Mộc bản
Triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn - Chiếu dời đô và một số kiệt tác;
giới thiệu phim tư liệu Mộc bản triều Nguyễn với dấu ấn Thăng Long - Hà
Nội, Mộc bản Chiếu dời đô - Một phát hiện bất ngờ. Từ những nội dung ghi
chép trong mộc bản, năm 2011, trung tâm tiếp tục biên soạn và xuất bản
các cuốn sách Khoa bảng Bắc Bộ và Thanh Hóa, Khoa bảng Nghệ An - Hà Tĩnh
- Quảng Bình, Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ. Năm 2015, xuất bản tập 1
của Tổng tập công thần qua mộc bản Triều Nguyễn… Ngày 25-8 tới, nhân kỷ
niệm 10 năm thành lập, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tổ chức trưng bày
hai chuyên đề, gồm “Di sản tư liệu thế giới châu bản, mộc bản- giá trị
lịch sử từ ký ức” và “Triều Nguyễn với việc biên soạn quốc sử” (trưng
bày bằng tranh kính), để phục vụ công chúng thưởng lãm, tìm hiểu. Đặc
biệt, trong quá trình tra tìm tư liệu, Trung tâm đã tìm được 17 tấm mộc
bản, với 19 mặt khắc, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối
với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những bản khắc cổ nhất được
tìm thấy. Hiện công tác biên soạn sách về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
của Việt Nam qua mộc bản Triều Nguyễn đã hoàn thành và sẽ công bố trong
thời gian tới.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ tiến hành số hóa 3D toàn bộ bản gốc
mộc bản. Đây là việc cần thiết bởi từ cơ sở dữ liệu ấy, có thể tổ chức
những phòng trưng bày trực tuyến, làm tư liệu cho phim. Số hóa 3D giúp
trung tâm quản lý, theo dõi mức độ biến dạng của tài liệu thuận tiện hơn
và dễ dàng đưa giá trị mộc bản vào trường học.
Mộc bản triều Nguyễn là bản gốc khối tài liệu chính văn, độc bản,
mang giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật thư pháp, kỹ
thuật in ấn đương thời. Hiện di sản tư liệu giá trị này được bảo quản
nghiêm ngặt, khoa học và lưu trữ dạng đặc biệt của Việt Nam và hiếm có
trên thế giới. Bảo tồn và giữ gìn lâu dài cho các thế hệ mai sau, phát
huy được các giá trị tư liệu lịch sử - văn hóa quý giá, phục vụ công tác
nghiên cứu và nhu cầu tìm hiểu của mọi người, là mong muốn và cũng là
nhiệm vụ đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV nỗ lực thực hiện…
Mai Văn Bảo/Nhân dân