Chủ Nhật, 29/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 24/12/2011 15:24'(GMT+7)

Đồng Tháp: Hội nghị chuyên đề “Việt Nam trong bước đầu của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá 2011-2020”

Nhằm bồi dưỡng những kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, sáng ngày 23/12/2011, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chuyên đề “Việt Nam trong bước đầu của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá 2011-2020” cho gần 200 đại biểu là tỉnh uỷ viên, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, uỷ viên Ban Thường vụ các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ.

Trên cơ sở khái quát quá trình công nghiệp hóa của thế giới, của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS. TS Vũ Tình tập trung phân tích sâu vấn đề con người Việt Nam với tư cách là chủ thể thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2020.

Theo PGS. TS Vũ Tình, con người vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của văn hoá. Phẩm chất tích cực của người Việt Nam đó là: có lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống. Tuy nhiên, một bộ phận người Việt Nam còn mang tính cục bộ làng xã, dòng họ, xem thường pháp luật, thiếu tính tự giác; hoạch toán kinh tế kém; nặng về lợi ích, cục bộ trước mắt; không coi trọng độ chuẩn xác về thời gian và kỹ thuật; tư tưởng bình quân, cào bằng, hay can thiệp vào cuộc sống riêng tư của cá thể, quá đề cao kinh nghiệm, xem thường lý luận…

Để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi con người Việt Nam phải có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì một quốc gia dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội. Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết về trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Cũng theo PGS.TS Vũ Tình, để đạt được những yêu cầu trên, chúng ta cần phải nhận thức rõ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam được thực hiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ con người Việt Nam là chủ thể thực hiện chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi người dân; từ đó chủ động học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành một nhân tố của nguồn nhân lực mới, trong đó: cần xây dựng tính tự lập và tính cộng đồng; chuẩn bị cho quá trình hội nhập có hiệu quả nhất trên tinh thần học tập, rèn luyện theo định hướng giáo dục ở thế kỷ 21 của UNESCO; nâng cao trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; xây dựng văn hoá công nghiệp thông qua xây dựng lối sống, nếp sống, tác phong công nghiệp hiện đại; góp phần xây dựng môi trường văn hoá, môi trường đề kháng với những biểu hiện phản văn hoá; nâng cao năng lực tự đề kháng chống những thói quen lạc hậu của nền sản xuất nhỏ, chống những tệ nạn xã hội phá huỷ nhân cách, năng lực và trí tuệ của con người.

Minh Phú

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất