Chủ Nhật, 29/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 20/4/2011 21:34'(GMT+7)

Dự thảo Luật giáo dục đại học: Thiếu những quy định cụ thể

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Cần những quy định cụ thể

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Luật GDĐH bao có chín chương, 50 điều gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học; thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể cơ sở giáo dục đại học; hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học; giảng viên; người học; tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH; quản lý Nhà nước về giáo GDĐH và điều khoản thi hành. Các nguyên tắc xây dựng dự án Luật GDĐH nhằm thể chế hoá đường lối và các quản điểm cơ bản của Đảng; phù hợp Hiến pháp, bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật và quy định chi tiết những những nội dung về giáo dục đại học mà Luật Giáo dục đã quy định…

PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTN và NĐ Quốc hội góp ý: Các điều khoản còn quá chung chung, trong khi đây là một luật chuyên ngành, rất cần chi tiết, cụ thể, rõ ràng, minh bạch để hạn chế tối đa việc ra các văn bản hướng dẫn như: nghị định, thông tư… “Luật GDĐH phải có những chế tài cụ thể để xử lý những tồn tại hiện nay như: công tác tuyển sinh, chất lượng thấp của giáo dục thường xuyên, chất lượng đào tạo bậc thạc sỹ, tiến sỹ thấp chạy theo bằng cấp... đang là bức xúc của xã hội...” - bà Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh.

“Dự thảo thiếu tính cụ thể” cũng là nhận định của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu khi cho rằng, Dự thảo Luật không quy định rõ những ràng buộc gắn giáo dục với cơ sở sản xuất kinh doanh, với nơi sử dụng nhân lực; không cụ thể hoá quá trình đào tạo, nghiên cứu gắn với thực tiễn ra sao, mà chỉ thấy nói “phát triển nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học” chung chung.

Cùng quan điểm trên, “sau khi nghiên cứu tham khảo hơn 40 file mềm Luật GDĐH của các nước”, GS. TSKH Bành Tiến Long, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD và ĐT cho biết: Luật GDĐH bang Hesen 2007 của CHLB Đức có đến 116 điều, Luật GDĐH Hung ga ri năm 2005 có 174 điều, Luật GDĐH Tây Ban Nha năm 2006 có 157 điều… Theo ông Long, nội dung Luật của các nước đều rất cụ thể và chi tiết và do đó họ không cần ban hành thêm các văn bản dưới luật khác như: điều lệ, quyết định… nữa. Trách nhiệm của các cơ sở GDĐH là phải thực hiện, tự chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động theo Luật.

GS. TSKH Nguyễn Mậu Bành thẳng thắn cho rằng: Nội dung dự thảo khiến người đọc có cảm giác đây là một “Luật quản lý hành chính trường đại học hơn là Luật GDĐH.”

Tăng tự chủ cho các trường

Một số chuyên gia cho rằng, Luật GDĐH là cơ hội tốt để đổi mới kỹ thuật xây dựng pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho hoạt động giáo dục đại học tương lai về cả chất lượng cũng như quy mô. Vì vậy, vấn đề tự chủ đại học được các đại biểu góp ý kiến sôi nổi.

Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hải Phòng, GS.TS Trần Hữu Nghị cho rằng, tự chủ làm cho cơ sở GDĐH có quyền chủ động hoàn toàn và huy động được sức người, sức của, tài năng trí tuệ, giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực, vật lực. Điều 46, khoản 3 Dự thảo đã đề cập đến tự chủ, tuy nhiên mới giới hạn ở vấn đề hoạt động tài chính của trường tư thục: “Cơ sở giáo dục đại học tư thục tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng các nguồn thu”. Như vậy là “chưa đầy đủ”

“Chúng tôi cho rằng cần đưa vào Luật những nội dung cụ thể hơn về vấn đề này như tự chủ, tự quyết định trong côn tác quản trị nhà trường, trong tài chính, chương trình đào tạo…”, GS.TS Trần Hữu Nghị nói.

Về ý kiến cho rằng, Bộ GD và ĐT vẫn còn “ôm” quá nhiều công việc và cơ chế “xin - cho” vẫn còn tồn tại, nhất là trong tuyển sinh hằng năm, trong khi điều quan trọng là tạo cơ chế tự chủ cho các cơ sở đào tạo với phương châm các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ những quy định cho phép, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là một trong những nội dung nổi bật trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đã được quy định ở các văn bản của Chính phủ và đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ.

Bà Đan khẳng định “Đã được tự chủ thì phải dân chủ, dân chủ thì phải có kiểm soát, người kiểm soát phải độc lập. Phải làm rõ cơ chế quản lý và quyền, trách nhiệm của nhà trường cũng như mục tiêu chính của nhà trường”.

Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Bá Lãm đề nghị Luật GDĐH cần quy định rõ hơn phạm vi tự chủ. Theo ông Lãm, đó là tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên các mặt: điều hành và quản lý nhà trường; thu chi tài chính; nhân sự; tuyển sinh; chương trình và đánh giá bằng cấp đến học vị tiến sĩ…

Theo GS.TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ Quốc hội, ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để văn bản Luật Giáo dục Đại học được hoàn thiện hơn trước khi ban hành./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất