Thứ Hai, 30/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 24/7/2010 15:44'(GMT+7)

Dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế: Cần lấy ý kiến người dân

Tăng giá viện phí cần đi đôi với đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Tăng giá viện phí cần đi đôi với đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Tăng giá chưa sát với thực tế

Thực tế đang có sự chênh lệch khá lớn và phi lôgic giữa giá quy định cũ của Bộ Y tế, giá thực tế mà một số cơ sở khám chữa bệnh áp dụng và giá mà dự thảo đưa ra. Ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, chỉ điều chỉnh tăng giá của 350 trong số hơn 3.000 dịch vụ đang áp dụng tại các cơ sở y tế, tương đương với 12%.

Trong đó, có 220 dịch vụ ít sử dụng vật tư, hóa chất, điện nước có mức tăng thấp, tối đa là 2,5 lần, tương đương mức độ trượt giá hiện nay, 70 dịch vụ tăng từ 7-10 lần. Tuy nhiên, các mức giá mà dự thảo đưa ra, dường như chưa bám sát trên thực tế tiêu hao vật tư hay trượt giá.

Đơn cử khoản phí đầu tiên mà người bệnh chi trả khi đến bệnh viện là tiền khám, dù quy định mức phí 3.000 đồng, nhưng từ lâu, 3.000 đồng chỉ đủ mua quyển sổ khám bệnh, giá thực tế các lần khám đều ở mức 20.000 - 80.000 đồng. Các xét nghiệm đơn giản nhất như công thức máu cũng ở mức giá khoảng 50.000 đồng, thay vì giá 9.000 đồng như quy định.

Thế nhưng, dù giá thực tế nhiều nơi đã "vượt rào" cao hơn giá quy định, một số mức giá mà dự thảo đưa ra còn cao hơn cả giá thực tế. Ví dụ, tại Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các thủ thuật, tiểu thủ thuật chọc hút hạch, chọc hút tuyến giáp, chọc dò màng bụng phổi có giá  hiện tại là 50.000 đồng, chọc rửa màng bụng phổi có giá 100.000 đồng, còn theo dự thảo, phí chọc dò màng bụng, màng phổi tăng từ giá cũ 3.500 - 10.500 đồng lên mức 84.000 - 95.000 đồng, chọc rửa màng bụng, hút khí màng phổi từ 15.000 - 45.000 đồng lên 300.000 - 330.000 đồng, cao gấp hơn ba lần giá thực tế.

Thủ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến qua soi bàng quang giá thực tế 150.000 đồng, thì giá trong dự thảo ở mức từ giá cũ 15.000 - 45.000 đồng tăng vọt lên 300.000 - 350.000 đồng. Thủ thuật sinh thiết tủy xương còn tăng đột biến từ 10.000 - 30.000 đồng lên 1,8 - 2 triệu đồng.

Cần lấy ý kiến người dân

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, việc điều chỉnh tăng giá viện phí về cơ bản không làm ảnh hưởng nhiều đến 53 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 62% dân số, do chi phí khám chữa bệnh của các đối tượng này cơ bản được BHYT chi trả. Tuy nhiên, với đối tượng bệnh nhân nghèo, ngay cả mức đồng chi trả 5% BHYT mới quy định gần đây, cũng khiến nhiều người lao đao.

Do đó, cộng thêm 5% từ 350 dịch vụ dự kiến tăng giá sẽ càng tăng thêm khó khăn cho họ. Vì thế, rất cần có biện pháp hỗ trợ, bảo vệ bệnh nhân nghèo trước chi phí khám chữa bệnh gia tăng. Bộ Y tế cho biết sẽ có biện pháp hỗ trợ hoạt động quỹ khám chữa bệnh người nghèo, song "lời hứa" đó cần đi vào thực tế thì mới thực sự có giá trị.

Việc áp dụng khung giá viện phí từ năm 1995 có sự chênh lệch quá xa với thực tế đã được nhiều bệnh viện phản ánh trong thời gian qua. Ví dụ, tiền giường điều trị chỉ từ 4.000 - 18.000 đồng/ngày với bệnh viện hạng 1 thì chỉ đủ chi phí mua bông, băng, kim tiêm, thuốc sát trùng… chứ chưa thể bao gồm nhiều chi phí điện, nước, dịch vụ khác. Do đó, việc tăng giá là điều cần thiết.

Đại diện một địa chỉ có nhiều bệnh nhân nghèo là TS Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng, "việc tăng giá viện phí là đúng, song phải có lộ trình và phải tính đến quyền lợi người nghèo". Một bên là áp lực trượt giá và một bên là quyết định tăng giá viện phí sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo bệnh nhân, cần lấy ý kiến người dân để đưa ra mức giá phù hợp.

Đặc biệt, nhóm người chưa có BHYT sẽ dễ chịu thiệt thòi nhất khi giá viện phí tăng. Trong khi đó, nước ta đang  hướng tới BHYT toàn dân, 90% dân số tham gia BHYT sẽ hỗ trợ 10% còn lại. Một quyết định phù hợp thì mới khiến người dân đồng lòng chấp thuận và không làm bức xúc thêm tình trạng khám chữa bệnh, vốn đã quá tải và nhiều khó khăn.

DT (theo Thanh Loan-CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất