(TG) - Phát triển nền y dược cổ truyền trở thành một ngành khoa học mạnh, một “mũi giáp công” về kinh tế là một hướng đi đúng, quan trọng và cấp thiết, không chỉ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.
Từ lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn, nhất là trải qua đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy, Đông y có vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là hỗ trợ tự chăm sóc tại cộng đồng và y tế cơ sở. Đông y đã khẳng định tác dụng trong phòng chống dịch đối với người bệnh ở thể nhẹ, vừa và hậu COVID-19 rất hiệu quả. Chuyên gia dự báo, giai đoạn tới, với nhiều bệnh mạn tính, bệnh mới nổi và các bệnh khó chữa, nhu cầu về tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng sẽ ngày một tăng lên, Đông y sẽ là một trong những lựa chọn ưu tiên. Thực tế đó càng đặt ra yêu cầu cần có chỉ đạo và chính sách phù hợp trong tình hình mới để Đông y Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một nền khoa học mạnh, góp phần vào chăm sóc sức khỏe nhân dân và tăng trưởng kinh tế.
CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI NỀN ĐÔNG Y VÀ HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM
Nhận thức Đông y có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, trong những năm qua, nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo cụ thể đã được ban hành. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, nền Đông y Việt Nam đã có những bước phát triển và ngày càng có vị trí quan trọng trong nền Y học cách mạng Việt Nam, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trên con đường đấu tranh dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và chỉ đạo “kết hợp thuốc Đông y với Tây y”. Người dặn dò: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Đông và thuốc Tây”. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 22/8/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Bội Nội vụ ban hành Nghị định số 337/NV/PC/NĐ thành lập Nghiên cứu Nam dược Hội, tiền thân của Hội Đông y ngày nay.
Ngày 30/9/1981, Ban Bí thư khóa IV đã ban hành Chỉ thị 118-CT/TW đánh dấu những bước phát triển quan trọng của Đông y và Hội Đông y Việt Nam. Ngày 4/7/2008, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Chỉ thị 24-CT/TW về Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Thời điểm đó, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá, tuy việc khám chữa bệnh bằng Đông y được mở rộng, số lượng cán bộ tăng, trình độ chuyên môn nâng cao, thuốc Đông y đa dạng về chủng loại, hoạt động xã hội hóa và công tác quản lý hành nghề Đông y có những tiến bộ đáng kể, nhưng sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, chưa ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhìn nhận những hạn chế trong triển khai chính sách quốc gia về y học cổ truyền, Chỉ thị chỉ ra, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của Đông y, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đặt ra yêu cầu: “Phát triển nền Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”.
Triển khai thực hiện Chỉ thị, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2166-QĐ-TTg về Kế hoạnh hành động của Chính phủ về Phát triển y dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020. Ngày 30/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68/2010/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg về việc Ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030. Các văn bản pháp quy trên thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với nền Đông y Việt Nam trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, thể hiện sự tiếp nối có tính nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và bổ sung, cập nhật các yêu cầu phát triển nền y dược cổ truyền nước nhà trong bối cảnh mới.
VÌ MỤC TIÊU BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN
Quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư về "Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới" (Chỉ thị 24) là “phát triển nền Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cáp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội”. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn tính đặc thù của nền Đông y Việt Nam, đưa nền Đông y Việt Nam thành một ngành khoa học mạnh, góp phần tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ Đông y. Phát triển nền Đông y Việt Nam theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa Đông y và tây y…
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, nhận thức của hệ thống chính trị về vị trí và vai trò của Đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đã có chuyển biến. Hệ thống pháp luật, chính sách về y dược cổ truyền dần được bổ sung và điều chỉnh, trong đó, có công tác quản lý hành nghề, quản lý quảng cáo khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT); công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, hầu như các tỉnh, thành trên cả nước, các vùng miền đều có hoạt động phát triển dược liệu với hàng trăm công ty dược y học cổ truyền, xuất hiện các nhà máy sản xuất và chế biến thuốc bằng phương pháp YHCT phục vụ công tác khám chữa bệnh trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần đóng góp vào ngân sách nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Đáng nói là hệ thống mạng lưới về khám, chữa bệnh bằng YHCT từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển, chất lượng công tác khám, chữa bệnh bằng YHCT, kết hợp YHCT với y học hiện đại ngày càng được chú trọng. Công tác khám, chữa bệnh YHCT tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm. Hiện nay, về khám chữa bệnh Đông y ở nước ta vận hành thông qua các mô hình: bệnh viện YHCT, phòng khám YHCT, phòng chẩn trị YHCT cho các đối tượng là lương y, ông lang bà mế; trung tâm thừa kế ứng dụng YHCT, các khoa YHCT, các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện miễn phí tại các tịnh độ, cư xá. Hiện cả nước có 69 bệnh viện YHCT, trong đó có 65 bệnh viện công lập và 4 bệnh viện tư nhân; có 3 tỉnh có 2 Bệnh viện YHCT (hiện còn 6 tỉnh chưa có bệnh viện YHCT là Bắc Kạn và Đắk Nông, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang và Hậu Giang). Đông y và tây y được kết hợp tại các Bệnh viện đa khoa Trung ương như Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Đông y đã tham gia phòng, chống điều trị thể nhẹ và vừa tại cơ sở có hiệu quả. Một số mô hình hay đã ra đời như tổ chức cấp, tặng túi thuốc điều trị COVID-19, trong đó cả thuốc y học hiện đại như hạ sốt và cả thuốc YHCTnhư thuốc xông, thuốc sắc đóng gói, bổ phế, bổ phổi, chống co thắt cơ tim, thuốc viên Đông y điều trị COVID-19 đem lại hiệu quả cao.
Đồng thời, biến cố đại dịch COVID-19 cũng đã bộc lộ những “khoảng trống” trong tư duy, nhận thức, quản lý và thực tiễn còn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Đông y Việt Nam. Ngay trong dịch, công tác phòng, chống bệnh dịch của Đông y chưa được lãnh đạo, chỉ đạo tham gia ngay từ đầu, từ khi dịch mới phát sinh. Việc chậm trễ trong việc cấp số đăng ký cho thuốc Đông y tham gia điều trị COVID-19 là một minh chứng cho việc chưa đánh giá đúng vai trò, tầm mức của Đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Mặc dù sau 15 năm, Chỉ thị 24 đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về vị trí và vai trò của YHCT trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên, cơ bản công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW chưa được quan tâm, đầu tư đúng tầm mức, bộc lộ nhận thức còn thiếu hụt, chưa công bằng giữa tây y với Đông y. Việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, y, bác sĩ, hội viên và nhân dân để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc phát triển nền Đông y và Hội Đông y trong công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân còn hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bố trí vốn, đầu tư ngân sách, cơ chế tài chính đặc thù, thanh toán BHYT trong liên thông BHYT còn nhiều vướng víu. Chính sách ưu tiên, đầu tư cho trồng, sản xuất nguồn dược liệu chưa mạnh, đa phần nguồn dược liệu vẫn dựa vào nhập khẩu. Đáng chú ý là còn nhiều vấn đề đặt ra trong đào tạo nguồn nhân lực cho Đông y. Nguồn nhân lực cho Đông y còn thiếu, nhất là ở các tỉnh miền núi; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; tỷ lệ nhân lực có chuyên môn về YHCT có trình độ đại học, sau đại học rất thấp. Còn một số bất cập trong việc sát hạch, cấp và cấp lại chứng chỉ hành nghề là lương y. Công tác quản lý còn chưa chặt chẽ, nhiều người vẫn lợi dụng YHCT để hoạt động khám, chữa bệnh, vấn đề quảng cáo thuốc Đông y tràn lan trên mạng xã hội, tình trạng “loạn thần y” vẫn chưa có những giải pháp quản lý hiệu quả…
TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Để tạo ra bước chuyển mạnh trong phát triển Đông y, thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trước hết, các cấp, hội, ngành cần làm tốt công tác tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 24. Cuối năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành kế hoạch 238 ngày 30/12/2022 về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 24. Việc sơ kết, tổng kết được kỳ vọng là thông qua đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 24, gắn với thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân của các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị; đồng thời, tiếp tục đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực để xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông qua việc tổng kết, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động và cung cấp cơ sở để đề xuất, tham mưu cho Ban Bí thư xem xét, ban hành Chỉ thị mới về phát triển YHCTViệt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến Đông y và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; nâng cao nhận thức cấp ủy các cấp trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nền y học cổ truyền, trả lại vị thế và nâng cao trách nhiệm của Đông y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; củng cố nhận thức đúng đắn về vai trò và giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ về các phương pháp điều trị của Đông y, giúp nhân dân có đầy đủ thông tin chính xác, khoa học về tác dụng, hiệu quả, thành tựu của Đông y. Quản lý nhà nước về công tác thông tin, quảng cáo thuốc YHCT cần chặt chẽ hơn.
Thứ ba, cần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Đông y, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về y dược cổ truyền. Tăng cường đầu tư của Nhà nước đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hoạt động phòng bệnh, khám và điều trị; khuyến khích các mô hình hoạt động kinh tế, gắn phát triển YHCT với phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về YHCT theo hướng chứng minh khoa học và thương mại các sản phẩm, bài thuốc có hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Khoa học phải tham gia giải quyết, chứng minh các phương thức chẩn trị và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc an toàn, hiệu quả; ứng dụng công nghệ tiên tiến để bào chế các bài thuốc Đông y theo phương pháp bào chế hiện đại, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dược liệu, thuốc cổ truyền; hướng dẫn chẩn đoán và điều trị… Chú trọng phát triển dược liệu, xây dựng ngành công nghiệp dược bằng nguyên liệu trong nước bảo đảm chất lượng; đẩy mạnh nghiên cứu, chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống cây dược liệu có năng suất và chất lượng; nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, ưu tiên nghiên cứu các biện pháp tiết kiệm đầu vào, thân thiện với môi trường cùng với áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sơ chế và triển khai xây dựng các chuỗi giá trị dược liệu từ nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối. Kết hợp chặt chẽ Đông y và Tây y trên tất cả các khâu: tổ chức, đào tạo, kế thừa, nghiên cứu, áp dụng vào phòng bệnh và khám, chữa bệnh, nuôi trồng dược liệu, bảo tồn các cây, con quý hiếm làm thuốc, sản xuất thuốc…
Thứ tư, giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực cho Đông y, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực Đông y hiện nay. Theo TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: “Hiện nay Luật Khám chữa bệnh quy định chỉ có 2 đối tượng được khám chữa bệnh, đó là bác sĩ và lương y. Trong khi đó, lại chưa có cơ sở đào tạo lương y, lương dược. Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục đại học đều chưa đề cập đến vấn đề đào tạo lương y và đây là một bất cập lớn”. Điều này cần phải có sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hội Đông y Việt Nam để tìm ra lời giải. Đồng thời, cũng cần phải nghiên cứu, xây dựng đề xuất về Luật Y dược cổ truyền. Cần có sự đánh giá đầy đủ thực trạng nguồn nhân lực, nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực trong y học cổ truyền, kết hợp YHCTvới y học hiện đại, bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo cho bác sĩ YHCT ở bậc đại học và sau đại học, đánh giá năng lực của bác sĩ sau khi tốt nghiệp và nhu cầu của nhà tuyển dụng…
Thứ năm, tăng cường mở rộng xã hội hóa, phát huy vai trò của các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền trong việc tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền, thương mại hóa sản phẩm, thuốc cổ truyền, phát triển dược liệu… Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, học tập kinh nghiệm của các nước có nền y dược học cổ truyền phát triển.
Thứ sáu, Hội Đông y Việt Nam có vai trò nòng cốt trong phát triển nền Đông y Việt Nam, do đó phải chú trọng phát triển Hội Đông y phát triển lớn mạnh. Từ khi thành lập năm 1946, Hội Đông y Việt Nam chỉ có 300 hội viên, đến nay Hội đã có 70.000 hội viên. Hội đã thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc về YHCT, sưu tầm nhiều kinh nghiệm hay, bài thuốc quý chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho gia đình của đồng bào thiểu số cũng như của người dân tại mọi vùng đất nước; nhân rộng và phát triển thành các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Các tài liệu về Đông y cổ được Hội Đông y Việt Nam dịch thuật, tu thư, phục vụ bạn đọc và nghiên cứu… Đặc điểm của khám chữa bệnh Đông y là có lợi thế hội viên Hội Đông y hoạt động chủ yếu ở tuyến cơ sở xã, phường, thôn bản, có thể khám đông đảo và hiệu quả cho người dân tại cơ sở xã, phường mà Nhà nước không phải chi trả, đầu tư về kinh phí, giảm gánh nặng ngân sách. Đồng thời, việc tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh giúp thừa kế những môn thuốc hay, những cây thuốc quý của các ông lang, bà mế, lương y, bài thuốc gia truyền ở các thôn, xóm, bản, làng… Một trong những quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 24 cũng nhấn mạnh: “Củng cố, phát triển Hội Đông y Việt Nam là thực hiện công tác dân vận của Đảng và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”.
Đông y khá phổ biến ở châu Á, ở các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… Tham khảo từ Trung Quốc, là một quốc gia nổi tiếng về YHCT với hệ thống Đông y được xem là “viên ngọc quý” trong di sản khoa học quốc gia, thì Đông y vừa là một công cụ giúp chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời cũng là phương tiện quảng bá văn hóa, hình ảnh, sức ảnh hưởng và cũng là nguồn lợi kinh tế từ khai thác thị trường quốc tế. Theo một thống kê của Cơ quan Quản lý YHCT Trung Quốc năm 2019, YHCT là “cái bánh” trị giá 130 tỷ USD.
Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng với trên 5.000 loại cây thuốc, trong đó, cộng đồng các dân tộc đa dạng với những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng và nhiều kinh nghiệm quý trong sử dụng cây cỏ làm thuốc, trồng trọt các loại cây thuốc quý, nhiều bài thuốc chữa bệnh có hiệu quả cao đã đưa Đông y trở thành một bộ phận văn hóa, một nét bản sắc của dân tộc. Với những tiềm năng và lợi thế vốn có, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng phát triển nền y dược cổ truyền trở thành một ngành khoa học mạnh, một “mũi giáp công” về kinh tế là một hướng đi đúng, quan trọng và cấp thiết, không chỉ góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới./.
Thanh Thu