Thực ra, "đường dây nóng" không chỉ là nơi tiếp nhận thông tin, giải tỏa
những bức xúc tức thời của người dân, mà điều quan trọng là những phản
ánh, phát hiện đó phải được thẩm định, đánh giá và có biện pháp xử lý
kịp thời, nghiêm túc.
Bộ Y tế vừa có công văn biểu dương lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc
Liêu vì đã xử lý nghiêm (buộc thôi việc) một hộ lý nhận phong bì của
người nhà bệnh nhân lần thứ hai. Bộ cũng biểu dương lãnh đạo Bệnh viện
Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) vì đã có hình thức xử lý nghiêm đối với trường
hợp nữ bác sĩ có thái độ bất nhã với bệnh nhân… Hai vụ “xử nóng” trên
chưa thể xóa hết những tiêu cực tràn lan lâu nay trong ngành y tế, nhưng
đó cũng là điểm sáng (tuy còn hiếm hoi) về thái độ cương quyết, kịp
thời, công minh của lãnh đạo các bệnh viện.
Những “tín hiệu vui” nêu trên chính là hành động thiết thực, cụ thể nhất sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về khám - chữa bệnh thông qua "đường dây nóng". Theo nội dung chỉ thị này, mỗi bệnh viện phải có 3 "đường dây nóng", trực chung của bệnh viện. Số điện thoại của giám đốc bệnh viện cũng phải được công khai…
Như vậy, những bức xúc, bất bình của người dân về thái độ phục vụ, chất lượng dịch vụ, biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực, bất minh của một số y, bác sĩ, hộ lý... sẽ có nơi tiếp nhận kịp thời. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là liệu có xảy ra căn bệnh hình thức khi thiết lập "đường dây nóng"? Chẳng hạn khi người dân có thắc mắc, yêu cầu gọi “nóng máy” mà không có người nghe “máy nóng”, hoặc "đường dây nóng" lại chỉ hoạt động trong giờ hành chính, còn hóa thành "đường dây nguội" khi chiều xuống, đêm về...
Thực ra, "đường dây nóng" không chỉ là nơi tiếp nhận thông tin, giải tỏa những bức xúc tức thời của người dân, mà điều quan trọng là những phản ánh, phát hiện đó phải được thẩm định, đánh giá và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm túc. Hơn ai hết, người tiếp nhận thông tin tại bệnh viện phải là những người có đủ thẩm quyền giải quyết, thực sự công minh, chính trực, khách quan khi thẩm tra, tìm hiểu và kiến nghị hình thức xử lý sai phạm, tiêu cực. Do đó, các bệnh viện cần có quy định chặt chẽ đối với những người nhận thông tin qua "đường dây nóng", nếu phát hiện khi người dân phản ánh chính xác mà người tiếp nhận không xử lý, giải quyết, hoặc có biểu hiện bao che, dung túng, thậm chí nhận "lót tay" để bỏ qua, sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất.
Việc Bộ Y tế chỉ đạo thiết lập "đường dây nóng" tại các bệnh viện mục đích cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, qua đó cũng tiếp nhận những khen, chê của người dân đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Vì vậy, số điện thoại "nóng" cần được công khai trong bệnh viện nơi mọi người dễ thấy nhất. Quá trình thực hiện, các bệnh viện cũng cần có sự rút kinh nghiệm hoạt động của "đường dây nóng" vào những thời điểm thích hợp, công bố công khai biện pháp xử lý đối với những trường hợp sai phạm. Để "đường dây nóng" hoạt động hiệu quả, thực chất, các bệnh viện cần tiến hành khảo sát đánh giá sự hài lòng hay không hài lòng của người bệnh, đặt camera giám sát đối chứng, đặt hòm thư góp ý, tăng cường bộ phận tư vấn, giải đáp các thủ tục liên quan đến ra, vào viện… Khi những phản ánh chính xác của người dân qua "đường dây nóng" được xử lý kịp thời, nghiêm minh, chắc chắn những hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi; từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ “lương y như từ mẫu”./.
Lê Thiết Hùng (QĐND)