Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 2/12/2013 12:27'(GMT+7)

Không chỉ là xử phạt!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Có thể nói, việc xử lý các cán bộ của ngành y như đã nói ở trên là một hành động mạnh tay cần thiết của ngành y tế, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của ngành và nâng cao y đức trong đội ngũ những người thầy thuốc, nhất là trong bối cảnh có nhiều vụ việc chấn động dư luận từ ngành y trong những năm qua, đặc biệt là những vụ việc gần đây.

Việc xử lý các cá nhân sai phạm nói trên phần nào tạo nên tác động tích cực đến nhân dân, giúp họ có sự yên tâm nhất định nếu phải…trở thành bệnh nhân; đồng thời nó cũng là lời cảnh báo đối với các y, bác sĩ có tư tưởng vụ lợi hay có thái độ không đúng mực trong khám và điều trị bệnh nhân.

Tìm hiểu một cách chi tiết hơn chuyện bác sĩ cáu gắt với bệnh nhân ở Bệnh viện Từ Dũ thì ta thấy, vụ việc chỉ bị phanh phui, do một cử tri đã phản ánh sự việc trên với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một buổi Bộ trưởng tiếp xúc cử tri. Sau đó, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm làm rõ vụ việc và sự “vào cuộc” quyết liệt của lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, hành động không đúng mực của vị bác sĩ nọ đã được làm rõ. Từ đó, không ít người đặt ra câu hỏi, nếu không thông qua “kênh” tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ Y tế, hay không có sự mạnh dạn nêu lên vụ việc của vị cử tri, liệu việc bác sĩ cáu gắt có được đưa ra công luận và liệu vị bác sĩ nọ có bị xử lý?. Cũng có người thắc mắc, 2 vụ việc nói trên chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm so với những vụ việc tiêu cực chưa bị phát hiện, phanh phui?

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt những vụ việc thiếu lành mạnh, nhất là vụ việc tiêu cực trong ngành y tế thì việc “trị bệnh” - xử lý nghiêm khắc các sai phạm là cần thiết, song chưa đủ và đó chỉ là giải pháp ở “phần ngọn”, mà còn cần đến những giải pháp căn cơ hơn, phải làm tốt việc “phòng bệnh”, tức là phải làm từ “gốc”. Muốn vậy, trước hết và quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm, tình cảm của người thầy thuốc trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân, để họ luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu dành cho ngành y: Lương y như từ mẫu. Cùng với đó, phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhất là cán bộ ở cấp khoa trong phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc, triệt để những sai phạm của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ thuộc quyền mình quản lý. Ngoài ra, cần có thêm các “kênh” tiếp nhận ý kiến đóng góp của bệnh nhân, như các “đường dây nóng” đã được triển khai và phải xem xét những ý kiến đó một cách nghiêm túc, cụ thể và có phản hồi kịp thời trở lại với bệnh nhân.

Chúng ta vẫn biết, ngành y liên quan trực tiếp đến mỗi một con người trong xã hội. Bởi, phàm đã là người thì ai phải tuân theo quy luật của cuộc đời, ấy là “sinh, lão, bệnh, tử”. Và khi đã đi chữa bệnh, tâm lý mọi người đều muốn nhanh khỏi bệnh, nên không ít người bồi dưỡng bằng tiền cho y, bác sĩ - có thể do tự nguyện, có thể do gợi ý - để được chăm sóc, điều trị tốt hơn. Bởi thế, để từng bước tạo ra môi trường lành mạnh trong điều trị bệnh của ngành y, chỉ bằng sự nỗ lực của đội ngũ những người thầy thuốc thôi chưa đủ, mà còn cần đến sự hợp tác tích cực của bệnh nhân, thông qua việc kiên quyết nói không với tiêu cực trong khám và điều trị bệnh./.

Gia Lương (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất