Sáng 28/11, với 97,59% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành,
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
Xung quanh sự kiện mang ý nghĩa lịch sử này, Phó giáo sư, tiến sỹ Lê
Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban
Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã trả lời phỏng vấn TTXVN về
những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi và những công việc trọng tâm cần
lưu ý để bản Hiến pháp sớm phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống xã
hội, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
- Thưa Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông, sự kiện Quốc hội thông
qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đánh dấu một mốc quan trọng
trong công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội XIII. Là thành
viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, xin phó giáo sư cho
biết những điểm mới trong bản Hiến pháp sửa đổi lần này?
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông: Việc Quốc hội khóa
XIII chính thức thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam (sửa đổi) là sự kiện quan trọng đánh dấu thời điểm trọng đại trong
lịch sử lập hiến Việt Nam. Có thể nói, việc thông qua bản Hiến pháp (sửa
đổi) lần này thể hiện được những yêu cầu phát triển mới của đất nước,
vừa ổn định chính trị xã hội, vừa tạo ra những động lực, khả năng mới
cho sự phát triển đất nước trong tương lai.
Hiến pháp được Quốc hội thông qua là bản Hiến pháp kế thừa các bản Hiến
pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; kế thừa những giá trị căn bản trong
toàn bộ lịch sử lập hiến nước ta, đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 được
thực tiễn khẳng định. Hiến pháp (sửa đổi) vừa được thông qua chứa đựng
nhiều điểm mới trên tất cả các chương.
Thứ nhất, về kết cấu, Hiến pháp hiện hành có 12 chương, 147 điều. Hiến
pháp (sửa đổi) lần này có 11 chương, 120 điều. Xét về mặt số lượng
chương, điều, Hiến pháp (sửa đổi) đã giảm với cấu trúc tổng quát hơn,
chắt lọc hơn, lược bỏ nhiều điều trùng lặp. Những điều không cụ thể
trong Hiến pháp năm 1992, cũng đã được nâng lên một bước trong kỹ thuật
lập hiến.
Thứ hai, ngay bản thân kết cấu bản Hiến pháp (sửa đổi) lần này đã đảo
thứ tự các chương, điều, dễ dàng nhận thấy nhất là Chương quyền nghĩa vụ
cơ bản của công dân; trước đây là chương V, nay được chuyển lên Chương
II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đây là điểm
rất mới.
Hiến pháp (sửa đổi) cũng chuyển Chương Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân
dân thành Chương Chính quyền địa phương để phản ánh thực chất hơn tổ
chức quyền lực ở nước ta; bổ sung Chương quan trọng về Hội đồng bầu cử
quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Có thể nói về mặt kỹ thuật, điểm mới này đã thể hiện rất rõ mong muốn
tạo ra bước phát triển mới trong quá trình đổi mới bộ máy Nhà nước, đổi
mới hệ thống chính trị phù hợp và tương đồng với đổi mới kinh tế.
Thứ ba, trong tất cả các chương, điều của Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc
hội thông qua, đều chứa đựng những điểm mới. Đáng chú ý trong Chương hệ
thống chính trị, chế độ chính trị, thấy chủ quyền nhân dân và bản chất
Nhà nước trong Hiến pháp (sửa đổi) thể hiện rõ. Lần đầu tiên, Hiến pháp
khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp
quyền do nhân dân làm chủ.
Mặt khác, Hiến pháp (sửa đổi) đã làm rõ bản chất của Đảng Cộng sản Việt
Nam là một Đảng tiên phong không chỉ thể hiện bản chất của giai cấp công
nhân mà còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Lần đầu tiên, Hiến pháp (sửa đổi) thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng Cộng
sản Việt Nam trong vai trò Đảng cầm quyền: Đảng gắn bó mật thiết với
nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân
dân về sự lãnh đạo và những quyết định của mình. Quy định này, đã nâng
cao hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên, tổ
chức Đảng trong lãnh đạo theo đúng Điều lệ Đảng và Hiến pháp.
Hiến pháp (sửa đổi) là lần đầu tiên thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của
nhân dân; quy định nhân dân thực hiện quyền lực của mình bằng dân chủ
trực tiếp hoặc đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ
quan khác. Cũng lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định Tiếng Việt là ngôn ngữ
quốc gia, tạo cơ sở đề cao Tiếng Việt và tiếp tục đẩy mạnh quá trình
giáo dục làm trong sáng và sử dụng đúng đắn hiệu quả Tiếng Việt.
Hiến pháp cũng đã cụ thể hóa các quyền con người và bổ sung nhiều nội
dung liên quan đến quyền công dân được ghi nhận từ thành quả phát triển
con người gần 30 năm đổi mới của đất nước. Quyền con người, quyền và
nghĩa vụ cơ bản của công dân không đơn thuần chỉ là câu chuyện kỹ thuật
lập hiến mà nó mang thông điệp rất rõ của Đảng, Nhà nước, dân tộc tôn
trọng thừa nhận, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đúng với
tinh thần Điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết tham gia.
Bản Hiến pháp lần này còn quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong
việc đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của công dân; đồng thời tạo thuận lợi
cho người dân trong thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo hiến định của
mình.
Trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, Hiến pháp sửa đổi ghép hai chương kinh tế
và văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục và công nghệ thành một chương đã
thể hiện sự gắn kết giữa kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học công
nghệ môi trường; thể hiện rõ hơn bản chất nền kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước; thể hiện một cách khái quát,
linh hoạt và thành công nhất tư tưởng, quan điểm về nền kinh tế thị
trường nước ta.
Hiến pháp sửa đổi không liệt kê các thành phần kinh tế trong cương lĩnh
mà nêu một cách tổng quát nhất nhưng vẫn khẳng định kinh tế Nhà nước
đóng vai trò chủ đạo, vừa thể chế hóa yêu cầu cương lĩnh, vừa phù hợp
với thực tiễn bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Việc khẳng định kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo là cách thể
hiện sáng tạo ở chỗ một mặt, khẳng định nền kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa; điều tiết sự phát triển kinh tế vì các mục
tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời không
hề phương hại đến những nguyên tắc thị trường, không mâu thuẫn với
nguyên tắc các thành phần kinh tế bình đẳng cạnh tranh trong nền kinh tế
thị trường.
Vấn đề đất đai cũng là điểm mới cần nhắc đến trong Hiến pháp sửa đổi lần
này thông qua việc tiếp tục khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân,
nhưng làm rõ hơn điều kiện thu hồi đất; khắc phục bất cập khó khăn và
những vướng mắc trong quá trình thu hồi đất - vốn là nguyên nhân phát
sinh nhiều khiếu kiện. Lần này, cách thể hiện Hiến pháp tổng quát hơn ở
chỗ, ban soạn thảo không tách việc thu hồi đất khỏi mục tiêu vì lợi ích
quốc gia, lợi ích công cộng mà gắn kết với nhau để không tạo ra mẫu
thuẫn và là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa trong Luật Đất đai.
Đối với bộ máy Nhà nước, về cơ bản Hiến pháp sửa đổi vẫn tiếp thu, kế
thừa toàn bộ mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước từ Hiến pháp năm 1992 nhưng
thể hiện rõ hơn nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân
công kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Chính nguyên tắc này đã thẩm thấu vào việc điều chỉnh một số thẩm quyền,
nhiệm vụ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính
phủ và hệ thống tư pháp. Ở đây, lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định rất
rõ: Quốc hội là cơ quan lập hiến, lập pháp; Chính phủ là cơ quan hành
pháp, cơ quan hành chính cao nhất và là cơ quan chấp hành Quốc hội; Chủ
tịch nước là người đứng đầu Nhà nước về đối nội, đối ngoại và làm rõ hơn
nhiều vị trí của Chủ tịch nước.
Hiến pháp sửa đổi cũng khẳng định Tòa án Nhân dân là cơ quan thực hiện
quyền tư pháp một cách dứt khoát, mạch lạc. Trong các chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước,
Chính phủ và hệ thống tư pháp cũng cần phải có nhưng điều chỉnh nhất
định về mặt chức năng để phù hợp hơn với tính chất, vị trí và thẩm quyền
của từng chức năng, từng cơ quan trong bộ máy Nhà nước, đảm bảo quyền
lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát giữa
các cơ quan này.
Bản Hiến pháp sửa đổi cũng đã quy định tổng quát nhất tổ chức của hệ
thống Tòa án, Viện kiểm sát làm cơ sở hiến định để đẩy mạnh đổi mới hoạt
động tư pháp. Với việc Hiến pháp chỉ quy định một cách tổng quát, những
vấn đề chi tiết, cụ thể về tổ chức hoạt động của hệ thống Tòa án, Viện
kiểm sát cũng như những vấn đề liên quan đến nguyên tắc xét xử, nguyên
tắc tố tụng sẽ được quy định bởi các Luật tổ chức Tòa án, Luật tổ chức
Viện kiểm sát và các Luật tố tụng quy hoạch cụ thể, tức là chúng ta tạo
ra khuôn khổ Hiến pháp rộng hơn để tiến hành các biện pháp cải cách hệ
thống tư pháp hiện hành.
Một điểm nhấn rất quan trọng trong bản Hiến pháp sửa đổi là quy định về
Chính quyền địa phương. Có thể nói, nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức
chính quyền địa phương là nhu cầu bức thiết trong tiến trình phát triển
của đất nước. Do chúng ta chưa tổng kết được một cách căn cơ những nhu
cầu về nội dung này nên kỳ này, Hiến pháp sửa đổi chỉ đưa ra những quy
định mang tính nguyên tắc, định hướng làm cơ sở hiến định để Luật Tổ
chức chính quyền địa phương cụ thể hóa.
Vì thế, Hiến pháp lần này một mặt tiếp tục khẳng định các đơn vị hành
chính lãnh thổ; đồng thời bổ sung một số điều quan trọng, chẳng hạn như
đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; việc nhập, tách điều chỉnh các đơn
vị hành chính lãnh thổ là phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương và
phải theo tiêu chí, trình tự, thủ tục của luật định để ngăn ngừa, khắc
phục trong vấn đề này. Hiến pháp sửa đổi không quy định cụ thể mô hình
từng cấp mà chỉ quy định chính quyền địa phương sẽ được tổ chức phù hợp
với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc
biệt và đưa ra khái niệm mới về cấp chính quyền. Việc này nhằm tạo ra
khuôn khổ nhất định cho việc đổi mới một cách mạnh mẽ mô hình chính
quyền ở nông thôn và mô hình chính quyền ở đô thị.
Nét mới nữa của Hiến pháp sửa đổi là quy định về bộ máy Nhà nước với hai
thiết chế độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.
Việc hiến định Hội đồng bầu cử quốc gia là sự kiện quan trọng, tiếp tục
khẳng định chủ quyền nhân dân, quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân
trong việc tham gia bầu cử và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chế độ bầu cử, để
nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước, thực sự lựa chọn được những
đại biểu xứng đáng để bầu vào Quốc hội và các cơ quan đại diện ở địa
phương.
Đặc biệt, quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này cũng đã làm rõ được quy
trình làm và sửa đổi Hiến pháp; quy định rõ ai, chủ thể nào thì có quyền
đề xuất sáng kiến, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và khi nào yêu
cầu đó được chấp thuận. Ngoài ra, cũng cần nhắc đến điểm mới trong việc
bổ sung vào Hiến pháp yêu cầu trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp với quy định:
Trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp là trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch
nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân và toàn dân.
Mọi cấp, mọi ngành, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.
- Tiến trình thu thập ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của toàn dân. Với
những ý kiến chưa tương đồng với những nội dung của dự thảo lần này sẽ
được tiếp thu, ghi nhận như thế nào, thưa phó giáo sư?
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông: Bản Hiến pháp sửa
đổi được Quốc hội thông qua lần này là sự kết tinh ý chí, nguyện vọng,
tinh hoa trí tuệ, là đóng góp của cả dân tộc, của các tầng lớp nhân dân.
Trong quá trình đóng góp ý kiến, đương nhiên có những ý kiến được tiếp
thu; có những ý kiến được tiếp thu một phần và có những ý kiến chưa được
tiếp thu.
Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn
diện ý kiến của nhân dân, chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài
nước để chắt lọc tìm ra những giá trị phổ quát nhất, phù hợp nhất để đưa
vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bên cạnh đó, có những đề xuất chưa
phù hợp thì sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong quá trình đổi mới bộ máy
Nhà nước; vẫn được trân trọng lắng nghe, đối thoại để tạo đồng thuận xã
hội trong quá trình tổ chức thực hiện Hiến pháp.
- Để Hiến pháp 1992 sửa đổi nhanh chóng phát huy hiệu quả trong đời
sống thực tiễn thì phải chú trọng những công việc gì thưa phó giáo sư?
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Minh Thông: Xây dựng và thông
qua Hiến pháp là việc rất quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhưng chưa đầy
đủ. Hiến pháp 1992 sửa đổi chỉ thực sự phát huy vai trò và giá trị của
nó khi được triển khai thực hiện tốt trong đời sống.
Nếu nói Hiến pháp hay nhưng tổ chức thực thi không hiệu quả thì không
phát huy được tác dụng. Chúng ta đã đi được bước quan trọng là xây dựng
và được Quốc hội thông qua thì việc tiếp theo là phải phổ biến sâu rộng
trong nhân dân để mỗi người dân quán triệt, hiểu rõ giá trị nội dung,
yêu quý và tự giác thi hành Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Chính vì thế, việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp là việc
làm cấp bách trong thời gian tới. Công việc này là trách nhiệm của tất
cả các cấp, các ngành, các tổ chức thuộc Nhà nước, các tổ chức chính trị
xã hội và người dân. Mỗi người, mỗi tổ chức, tùy vị trí, phải tự học
tập, tìm hiểu, tuyên truyền cho người khác về những nội dung và giá trị
của Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Mỗi công dân cùng nâng cao trách nhiệm cá nhân, nâng cao trách nhiệm
cộng đồng để tinh thần Hiến pháp 1992 sửa đổi thấm đẫm vào mọi hoạt động
của toàn xã hội thì khi đó Hiến pháp sẽ tạo thành sức mạnh, tạo ra động
lực mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước./.
Quang Vũ - Khiếu Tư (TTXVN)