(TG) - Nhâm nhi ly cà phê sáng cuối tuần, tôi kể cho mấy người
bạn thân về thông tin từng thu hút sự chú ý của dư luận...
Đó là một quốc gia phát triển đã cho ra đời loại mặt nạ làm bằng silicon siêu thực tới mức rất khó có thể phân biệt chúng với khuôn mặt người thật. Sau khi hoàn thành, các nhà nghiên cứu đã làm thử nghiệm đối với 200 người nhìn vào các bức hình xem họ có phân biệt được chính xác khuôn mặt nào có đeo mặt nạ hay không. Kết quả, có tới 1/5 số người không nhận diện được đâu là mặt người thật và đâu là mặt người đeo mặt nạ.
Nghe tôi nói vậy, một người bạn bảo rằng, cậu ta cũng đã trực tiếp được xem chiếc mặt nạ siêu thực trong một cuộc triển lãm. Loại mặt nạ siêu thực quả là có làm “rối mắt” cho một số người xem, nhưng nếu nhìn kỹ, nhìn lâu thì trước sau cũng nhận ra. Còn một loại mặt nạ khác đáng quan ngại hơn, các cậu có biết không?
Nhìn mấy đứa chúng tôi người nhíu mày, tìm câu trả lời mà chưa ra, cậu ta cười khểnh: “Tưởng các ông học cao hiểu rộng, chuyện cổ kim đông tây hầu như cái gì cũng biết, cũng phán, thế mà có loại mỗi loại mặt nạ đó mà không nhận diện được sao?”. Một người bạn bực mình gặng hỏi “Chỗ gì, ông nói ngay đi kẻo chúng tôi không bao giờ ngồi với ông hàn huyên, trò chuyện nữa đấy!”.
Tôi thể hiện sự điềm tĩnh mà không khỏi hoài nghi: “Lạ nhỉ! Những lần trước bạn là người thẳng như ruột ngựa, xởi lởi, chẳng giấu diếm chuyện gì với bạn bè. Bỗng nhiên hôm nay lại cố ra vẻ mình là “VIP” nói năng khách khí, dè chừng. Mỗi câu trả lời mà ậm ừ, úp mở mãi làm gì?”.
Lúc này, cậu ta mới cười khì khì: “Đấy, tớ đang đeo loại mặt nạ ấy đấy, các cậu nhận ra chưa? Nếu chưa, thì tớ giải đáp ngay nhé”.
- “Mặt nạ”, nghĩa đen là một vật thể thường được phủ hay đeo vào mặt người nhằm hóa trang trong các hoạt động tế lễ, trình diễn, giải trí, hay trong các hoạt động nhạy cảm, nguy hiểm mà người ta muốn giấu mặt thật. Còn “mặt nạ” theo nguyên gốc từ tiếng Ả rập “markharat” có nghĩa là “trêu chọc, nói đùa”. Thì đấy, dưới cái vỏ bọc “markharat”, tớ vừa cố tình trêu chọc các bạn mà thực chất thể hiện sự giả dối trong hành xử để đánh lạc hướng mọi người. Tất nhiên, cái “mặt nạ” tớ vừa thể hiện thô mộc, chân chất nên gây khó chịu cho các bạn, mong mọi người đại xá nhé!
Bạn dừng giây lát rồi giọng nghiêm túc:
- Nhưng nếu các bạn lưu tâm để ý, một bộ phận quan chức thời nay - to có, vừa vừa có, nhỏ có - lúc nào họ cũng tinh vi “đeo” chiếc mặt nạ vô hình trên mặt mình mà rất ít người trông thấy bằng con mắt thông thường. Những dạng người đeo mặt nạ này thực chất là ngụy trang nhân cách, bên ngoài thì “tô son trát phấn” bằng những lời nói có cánh, ý tứ hay, diễn thuyết giỏi, hùng biện tốt. Khi trên đăng đàn, ở chốn đám đông, đứng trước tập thể thì thể hiện ta là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người”, chuyện gì họ cũng có thể nói như “rót mật vào tai” người nghe; nhưng thực chất bản tính lại nhỏ nhen, ích kỷ, làm cái gì cũng chỉ muốn mang lợi lộc cho mình trước hết, trên hết, mà không hoặc ít nghĩ đến lợi ích của người khác, của tập thể, cộng đồng.
Đặc điểm chung của những người đeo mặt nạ siêu tinh vi này thường nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo; giọng điệu thì tươi tắn, hào hiệp, nhân nghĩa nhưng thực tế đó chỉ là tấm bình phong để che đậy, giấu diếm bản chất tham danh háo lợi của mình. Chính vì biết cách đeo mặt nạ đến mức “siêu tàng hình” mà một bộ phận quan chức đã biết cách “lòe mắt” thiên hạ để leo lên hết tầng này đến nấc khác, chễm chệ ngồi trên những chiếc “ghế ngon” để thụ lợi hưởng lộc mà nhiều người không hay biết.
Thế nhưng, theo quy luật, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, “phấn son” được tô điểm trên những khuôn mặt ấy sẽ dần phôi pha, mai một. Và bản chất của những người ngụy trang nhân cách bằng cái mặt nạ siêu tinh vi trước sau rồi cũng sẽ bị “lột trần” bởi sự quang minh chính đại của nhân tâm, đạo lý và luật pháp là “con mắt thần” bóc mẽ chân tướng họ./.
Thiện Văn