Tháng Bảy, cả nước nặng lòng tri ân những người đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Thế mà, đây đó trên internet vẫn xuất hiện những lời lẽ lạc lõng, những cách nhìn lộn ngược, nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu với các luận điệu không thể chấp nhận như: Cuộc kháng chiến chống Mỹ thực chất chỉ là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, “nội chiến”, nếu khéo léo “tránh” chiến tranh thì đất nước đã hóa “Rồng”; phải xem lại hy sinh xương máu có xứng với hiện thực hôm nay…
Sự “cân đong đo đếm” đáng hổ thẹn
Trên một trang fanpage từ hải ngoại đã xuyên tạc lịch sử khi tung luận điệu cho rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ chỉ là cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt” và những anh hùng, dũng sĩ, thương binh của chúng ta chỉ là những kẻ khát máu, “giết người mà được tặng huân chương”.
Chung dòng nước ngược ấy, họ tiếp tục tán dương các luận điệu cũ rích về cái gọi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cái gọi là “bên thắng cuộc”. Một nhà văn từng trải nghiệm chiến tranh nay lại “phản tỉnh”, cho sự hy sinh xương máu “của bên nào cũng như nhau”, không nên ca ngợi các Bà mẹ Việt Nam anh hùng quá vì sẽ đau lòng các bà mẹ lính Việt Nam Cộng hòa. Họ còn trơ trẽn hô hào, kêu gọi lãnh đạo Đảng, Nhà nước hãy đến đặt hoa tưởng niệm tất cả những người chết vì chiến tranh thay vì chỉ viếng nghĩa trang liệt sĩ… Họ rêu rao: “Nếu vì một hậu chiến như thế này hôm nay, thì có đáng cho những hy sinh khủng khiếp như đã qua? Ta cũng phải từ hậu chiến mà nhìn lại chiến tranh”.
Nhà văn Đông La, người từng có nhiều bài viết phản biện các quan điểm xét lại lịch sử đã gọi đó là “cái nhìn lịch sử qua lỗ đồng xu”. Còn Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người từng là lính quân lực Việt Nam Cộng hòa sau định cư tại Mỹ đã nhiều lần phản bác quan điểm “nội chiến”, “chiến tranh ủy nhiệm”. Theo ông, “đứng trên bình diện dân tộc thì cuộc chiến tranh Việt Nam có thể tóm gọn trong một câu: “Đó là cuộc tranh đấu giành độc lập và thống nhất cho nước nhà, theo truyền thống chống ngoại xâm trong suốt dòng lịch sử của Việt Nam, và đã thành công. Chấm hết!”. Ngay như ông Nguyễn Cao Kỳ cũng từng thừa nhận: “Đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.
Vậy thì, không có gì phải nghi ngờ về sự hy sinh xương máu để giành tự do, độc lập. Đó là dòng chảy tiếp nối của lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta, một lịch sử mà năm xưa, chính nhà văn nay lội ngược dòng đã từng viết: “Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình… Giá như chúng ta minh họa lịch sử dân tộc thì có trang nào, dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu?”.
Biết ơn là lẽ sống
Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi nói về sự hy sinh của những liệt sĩ, thương binh. Người viết: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào”… “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Lê-nin từng để lại một luận điểm bất hủ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”. Tự bảo vệ thành quả cách mạng còn bao gồm bảo vệ, trân trọng cả sự hy sinh xương máu của những người cống hiến cho Tổ quốc. “Không thể chấp nhận thành “Rồng” nhưng làm nô lệ”-Đó cũng là điều Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định khi trò chuyện với các đồng đội cựu tù binh vào dịp 30-4 vừa qua. Chủ tịch nước nói: “Để đổi lấy độc lập, đổi lấy tự do thì hàng triệu người chúng ta đã phải nằm xuống trên mảnh đất này. Chúng ta phải nói điều đó để nhắc nhở chính bản thân chúng ta, nhắc nhở con cháu chúng ta không được quên một điều rằng, muốn giữ vững độc lập tự do phải đổi bằng xương máu. Nhắc như vậy cũng để cảnh cáo ai đó cũng là người Việt Nam nhưng nói rằng, việc gì mà phải kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, không đánh đuổi đế quốc có khi đã trở thành rồng, thế tức là người đó muốn nói rằng, hãy cam tâm chịu nô lệ nhưng trở thành rồng lại hay hơn... Họ muốn “pha loãng” để rồi đổi trắng thay đen, chà đạp lên lịch sử dân tộc”.
Biết ơn những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc cũng là lẽ sống của mọi dân tộc trên thế giới. Còn nhớ trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít gần đây, Tổng thống Nga Pu-tin có phát biểu xúc động về sự hy sinh của tiền nhân: “Cha ông chúng ta đã sống qua những tổn thất, mất mát và đau đớn khôn cùng. Họ vắt kiệt sức lao động trong giới hạn của con người. Họ thậm chí chiến đấu đến chết. Họ là tấm gương cho danh dự và lòng yêu nước thật sự. Chúng ta thể hiện lòng kính trọng, niềm biết ơn với tất cả những người đã chiến đấu cho mỗi con phố, từng mái nhà, từng mặt trận để bảo vệ quê hương thân yêu của chúng ta. Chúng ta nghiêng mình trước những người anh hùng hy sinh trong những trận chiến khốc liệt...”.
Cũng phải phân biệt rạch ròi giữa cái giá của sự hy sinh với hiện thực xây dựng đất nước sau chiến tranh. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành, kiến tạo sự phát triển đất nước nhưng không thể chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ vì những hạn chế, bất cập mà vội cho rằng, sự hy sinh là “vô nghĩa”. Ngược lại, cả nước đang dốc lòng, dốc sức thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa không ngừng chăm lo, cải thiện cuộc sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trích lời anh Đặng Văn Quang, từng là một đứa trẻ mồ côi lớn lên trên túi bom Quảng Trị chia sẻ trên mạng xã hội: “Ai đó đã từng viết: “Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Tôi thiết nghĩ đây là một cách nhìn thiển cận, phiến diện. Nhân dân ta làm nên chiến thắng, nếu không có sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân thì có đâu ngày thống nhất đất nước hôm nay. Nhưng từ trong sâu thẳm của lòng mình, trong hoàn cảnh hiện tại, trong chừng mực nào đó, tôi vẫn thấy những người làm nên kỳ tích anh hùng, đang có những thua thấm, thiệt thòi, mất mát hy sinh, vết thương chiến tranh vẫn còn hằn sâu, hậu quả của nó vẫn còn là gánh nặng. Đất nước đổi mới, chuyển mình, nhân dân chẳng những đã có cơm no áo ấm mà còn là cơm ngon áo đẹp. Những con đường, những cây cầu, những thành phố mới mọc lên… Thành quả đó được xây trên xương máu của bao người, trên sự mất mát đau thương không kể xiết của cả dân tộc. “Một tấc non sông, một dòng máu đỏ”. May mắn, hạnh phúc thay, chúng ta đang được sống trong hòa bình, những ai đã sống qua chiến tranh mới thấu hiểu giá trị của nó. Hãy trân trọng giữ gìn môi trường hòa bình đã có hôm nay. Xin ai đó đừng lú lẫn, u mê tin lời xằng bậy để phỉ báng lịch sử, phủ nhận, phủi sạch sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn của nhân dân”./.
Nguyễn Văn Minh (QĐND)