Mỗi năm, cả nước có khoảng 1,2 triệu thí sinh đăng ký dự thi vào đại học nhưng chưa đến 50% trong số đó bước chân được vào giảng đường đại học. Hơn nửa triệu thí sinh còn lại, một số ít vào học các trường nghề, số còn lại chọn phương án tiếp tục ôn thi vào kỳ thi đại học năm sau.
Về mặt lý thuyết, hiện nay tổng chỉ tiêu chiêu sinh của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp hoàn toàn đủ, thậm chí dư để tiếp nhận số thí sinh rớt đại học vào học nghề. Thế nhưng từ nhiều năm qua, sau kỳ thi tuyển sinh, các trường nghề thấp thỏm chờ thí sinh lác đác đến đăng ký. Thậm chí, không ít trường được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại nhưng vẫn tuyển sinh không đủ số lượng để mở lớp.
Nguyên nhân vì sao? Theo TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trong khi các nước quy mô đào tạo bậc trung cấp chiếm tỷ lệ nhiều hơn số sinh viên cao đẳng, đại học thì nước ta ngược lại. Điều này sẽ làm mất cân đối nguồn nhân lực trong tương lai. Trên thực tế, nhiều trường đang đào tạo cái mình có chứ không phải cái xã hội cần.
Bên cạnh đó, gần đây nhiều trường đại học, cao đẳng được mở ra, đồng thời hàng loạt trường đua nhau nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học cũng góp phần làm mất cân đối giữa các bậc đào tạo.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, ngành giáo dục cần sắp xếp lại hệ thống các trường đào tạo cho rõ ràng. Ở các nước, mỗi năm các doanh nghiệp phải báo với cơ quan nguồn nhân lực nhu cầu họ cần. Còn ở nước ta, các trường chỉ biết đào tạo, không cần biết nhân lực từng ngành nghề thừa thiếu ra sao và cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Đa số các thí sinh rớt đại học đều chấp nhận chờ kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không thích học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Do hướng nghiệp không tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi rớt đại học đã chọn đại một ngành, một trường để học.
Ngành thị trường lao động đang thừa thì đổ xô, chen nhau vào học; ngành xã hội đang cần lại lác đác học viên. Điều này tạo gánh nặng cho xã hội, vừa mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động vừa gây lãng phí nguồn nhân lực. Đó là chưa nói đến những bất cập trong quản lý giáo dục nghề nghiệp. Khối trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý, còn Bộ LĐTB-XH lại quản lý khối dạy nghề, làm cho giáo dục nghề nghiệp bị chia cắt, phân tán trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành chung về đầu tư, phân bổ nguồn lực.
Đã đến lúc cần phải thay đổi cơ cấu đào tạo để đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Cần có những quyết sách vĩ mô, không chỉ để cứu các trường nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp trong tuyển sinh, mà còn khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả các giải pháp phân luồng sau trung học phổ thông, định hướng vào đời thiết thực hơn cho các học sinh vừa rời ghế nhà trường.
Ngoài ra, quan điểm tuyển dụng lao động cũng cần thay đổi mạnh mẽ hơn, không thể bất cứ vị trí công việc nào cũng tuyển cho được người có bằng đại học. Có như vậy mới không lãng phí nguồn nhân lực và cân đối được thị trường lao động thoát cảnh thừa thầy, thiếu thợ hay bắt thầy làm thợ…/.
(Hồ Thu/SGGP)