Thứ Sáu, 13/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Chủ Nhật, 15/12/2019 9:43'(GMT+7)

Đừng “thả nổi” cảm xúc khi viết các nhân vật giải trí

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Lý Hùng là một diễn viên điện ảnh sáng giá từng ăn sâu vào ký ức nhiều khán giả từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy đã qua cái thời “làm mưa, làm gió” trên phim ảnh, song đến nay, nam diễn viên này vẫn chiếm được tình cảm của không ít người, vì anh sống bình dị, hòa đồng và không có những biểu hiện “sang chảnh” như một số “ngôi sao” khác. Trong một bài phỏng vấn cách đây chưa lâu, khi nói về mối nguy hại của việc lăng xê quá mức đối với một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu, Lý Hùng cho rằng, truyền thông rất tốt cho nghệ sĩ, nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Thổi phồng nhiều quá có khi lại là hại mình, vì khi được “xưng tụng” là một “ngôi sao” mà chuyên môn và diễn xuất không tốt, làm nghề không tới tầm thì rất nguy hại. Danh hiệu “ngôi sao” chỉ thực sự có ý nghĩa khi khán giả yêu mến dành tặng cho mình, chứ đừng ngộ nhận khi danh hiệu đó do một nhóm người hay một vài vị giám khảo “khen vống” lên!

Thời gian qua, có không ít cá nhân được gọi là “ngôi sao” đã tìm mọi cách, mọi giá để “đánh bóng” tên tuổi bản thân với nhiều chiêu trò phản cảm. Ví như: thích “la làng, la lối” ầm ĩ bằng những phát ngôn gây “sốc” cốt để lôi kéo sự quan tâm của công chúng hiếu kỳ; cố tình tạo ra những tình huống gây tò mò cho “tâm lý đám đông” như lên truyền thông “giãi bày” về việc bị mất trộm đôi giầy, cặp kính, chiếc đồng hồ… khi đi siêu thị hay đang nghỉ ở khách sạn (!). Ồn ã nhất và cũng “ướt át nhất” là có những “sao” thi nhau lên mạng xã hội lúc thì “tố” người tình xưa bạc bẽo, khi thì “nỉ non” về mối tình đầu dở dang, lúc lại ta thán “ông bầu” này chơi không đẹp, bà quản lý kia “quỵt” tiền cát-xê của họ… Thậm chí không ít chuyện “ngóc ngách” về đời sống riêng tư, kể cả những “góc khuất” không đáng nói, nhưng một số “sao” vẫn cố tình “phơi bày” trước bàn dân thiên hạ!

Có lẽ chưa bao giờ môi trường văn hóa “sâu-bít” (showbiz) lại pha tạp, hỗn mang như hiện nay. Ngoài lý do chủ quan là nhiều “ngôi sao” cố tình muốn “nổi tiếng” bằng tất cả sự tai tiếng của mình chỉ vì háo danh, háo lợi, còn có sự tiếp tay của giới truyền thông. Từng có nhà báo đã không ngại ngần phê phán một số ít đồng nghiệp của mình đi “làm thuê” cho giới nghệ sĩ để được nhận những món cát-xê “không hề rẻ”. Thực chất đây là sự can thiệp quá giới hạn của một bộ phận truyền thông, biến những kẻ “tài ít, tật nhiều” thành những “ngôi sao” thời thượng, làm cho những “ngôi sao” này sống trong những hào quang giả tạo mà cứ tưởng mình là “siêu sao” thượng hạng thật.

Gần đây, một câu chuyện từng làm tốn khá nhiều giấy mực của báo chí khi một nữ ca sĩ được tung hô là “nữ hoàng giải trí” đã dành những lời “có cánh” cho một “ông hoàng nhạc Việt”.

Đọc thông tin này, một bộ phận công chúng phản đối ngay rằng, nam ca sĩ kia không xứng đáng với cái danh xưng “ông hoàng nhạc Việt”. Vì chẳng qua cái danh xưng ấy là do người trong cuộc tự tung hê, tự vơ vào cho mình mà thôi. Nghe vậy, “ông hoàng” kia “phản biện” rằng: “Cái này (tức là danh xưng “ông hoàng nhạc Việt”) phải hỏi các trang tin. Tự họ đặt cho tôi rồi bây giờ lại đem ra mổ xẻ”. Không những vậy, “ông hoàng” còn “giận dỗi”: “Hết ông hoàng nhạc Việt, rồi ông hoàng scandal, ông hoàng kim cương… toàn người ta, toàn các trang tin đặt cho tôi đấy chứ”.

Danh xưng, danh vị, danh hiệu vốn là những mỹ từ dành để tôn vinh những con người thật sự tài năng, có những cống hiến, công lao, đóng góp xuất sắc, mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội. Tiếc thay, chẳng biết do vô tình hay cố ý, nhiều tờ báo, nhất là báo điện tử đã đặt cho những “người của đám đông” (chứ không phải là “người của công chúng” theo hàm ý tích cực) với đủ thứ danh xưng kêu như chuông: Ông hoàng nhạc Việt, nữ hoàng giải trí, bà hoàng diva, mỹ nhân ảnh, nàng thơ “vơ-đét”, nữ hoàng nội y, ngọc nữ bolero... Điều đáng nói là, những “người của đám đông” ấy cứ tưởng mình thực sự “lộng lẫy, rực rỡ” như những “ông hoàng, bà chúa” thật, để rồi tha hồ “làm mưa, làm gió” và cả “làm mình, làm mẩy” trong làng giải trí và trong đám đông hiếu kỳ. Hệ quả kéo theo là, môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh bị ô nhiễm, nhiều giá trị đạo đức nhân văn bị vấy bẩn. Còn công chúng đích thực đôi khi bị nhầm lẫn bởi những chính những danh xưng nhuốm màu “hão huyền, viển vông” ấy.

Lỗi này rõ ràng là có phần do báo chí, truyền thông đã tung hô thái quá. Vậy nên mong rằng, những người cầm bút xin hãy “tiết chế” cảm xúc, chớ vội tung hê những “lời có cánh” để bớt đi những cái danh xưng “bát nháo, nhiễu loạn” trong thế giới những “người của đám đông” hiện nay./.

Phúc Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất