(TG) - Chỉ
khi người ta “xưng” và “hô” đúng vai trong quan hệ hiện tại thì mới có
thể thiết lập một cuộc đối thoại thoả đáng. Với đa số các dân tộc, nhất
là đối với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, theo nguyên tắc
lịch sự, xưng phải khiêm (nhún mình, hạ thấp mình), hô phải tôn (đề cao, kính trọng người khác) mới phù hợp.
"Bây
giờ, thưa... mọi người, em xin thông báo lịch trình chuyến đi sắp tới
lên Mai Châu - Đà Bắc của lớp chúng ta…”. Đó là câu mở đầu của một cô
gái trẻ, đang là học viên của lớp chính trị cao cấp chúng tôi về kế
hoạch đi thực tập theo chương trình khoá học…
Dù là cùng khóa, nhưng cô
bạn này lại còn rất trẻ. Thậm chí, tuổi cô có lẽ cũng chỉ xấp xỉ tuổi
con mấy vị cao niên ngồi đó (Bạn cùng lớp trên đầu hai thứ tóc/Em ngồi bên còn chưa muốn lấy chồng).
Chính vì đứng trước một lớp học đa dạng, từ nhiều nguồn, nhiều cơ quan,
nam nữ già trẻ không đều nhau, mà cô bạn kia liền nghĩ ngay ra tổ hợp
xưng hô “gộp”: Thưa mọi người…
Hay thực, cũng chính từ chuyện này mà dân ngôn ngữ chúng tôi lại có một câu chuyện để bàn.
Xưng hô, với nghĩa xưng, là “tự xưng mình” và hô, với nghĩa “gọi người khác” bằng một đại từ nào đó cho phù hợp khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Chỉ khi người ta “xưng” và “hô” đúng vai trong quan hệ hiện tại thì mới có thể thiết lập một cuộc đối thoại thoả đáng. Với đa số các dân tộc, nhất là đối với các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, theo nguyên tắc lịch sự, xưng phải khiêm (nhún mình, hạ thấp mình), hô phải tôn (đề cao, kính trọng người khác) mới phù hợp.
Nếu người đối thoại là một (hoặc một vài) người khá đồng trang lứa và vị thế thì chuyện này cũng đơn giản: Gọi chú/bác/cô (nếu họ ngang hoặc hơn kém tuổi bố mẹ mình), gọi anh/chị (nếu hơn tuổi mình chút đỉnh), gọi là em hay cháu tùy trường hợp... (Chim gặp bác chào mào, chào bác! Chim gặp cô sơn ca, chào cô! Chim gặp anh chích choè, chào anh! Chim gặp chị sáo nâu, chào chị! - Lời bài hát). Tuy nhiên, với một cử toạ đông và đa dạng về tư cách thì “xưng sao cho đúng” và “hô sao cho phải” quả là điều không dễ. Nếu không khéo, sẽ gây phản ứng và bị cho rằng người nói kém văn hóa, không biết tôn trọng người khác.
Khi đi dự đám cưới (và cả trong các đám hiếu) bây giờ, ta thường nghe ai đó phát biểu bằng lời mào đầu dài lê thê: Kính thưa các cụ, các ông các bà, các bác, các cô, các chú, các anh, các chị… Và trong suốt bài “đít-cua”, cứ mỗi lần phải dừng lại “kính thưa” như thế là y như rằng diễn giả lại “copy” toàn bộ danh sách các đại từ nhân xưng cho bằng hết. Nếu quên một đối tượng nào đó thì phiền lắm, có thể mất lòng, mất bề như chơi.
Và tôi đã chứng kiến không chỉ sự mất lòng mà còn mất đoàn kết khá nghiêm trọng trong một gia đình nọ.
Đó là ông bố cô dâu kia, trong một tiệc cưới, được mời đại diện cho hai nhà lên phát biểu, dù đã liệt kê đủ bộ mà ông vẫn quên cám ơn nhóm “các em, các cháu”. Chắc là có quá nhiều loại “kính thưa” thành ra ông không muốn liệt kê nữa. Vả lại có lẽ ông nghĩ, các em, các cháu thuộc loại “hậu sinh” không đến nỗi phải câu nệ, khách sáo nên bỏ qua cũng được. Nhưng, ông đã bỏ qua mấy lượt, tịnh không nhắc một từ nào liên quan tới “em” tới “cháu” cả. Khốn nỗi, các em ông lại đông. Các gia đình dâu rể cùng con cháu khắp nơi của họ nhìn ra, mâm nào cũng có. Có em từ miền Nam ra, có em từ châu Âu về. Mà đối tượng này mới là những người giúp đỡ, “tài trợ” nhiều nhất cho gia chủ lo khoản hậu cần. Ấy thế mà ông anh lên diễn đàn cám ơn khắp cả thiên hạ, nhưng đối tượng đáng cám ơn nhất lại quên. “Một miếng giữa làng”/“Một tiếng giữa làng” chứ có phải chuyện đùa đâu. Các em của ông lên mặt giận làm cho không khí gia đình sau đó mất vui.
Lại có đám, người phát biểu quên không kính thưa “các cụ” và thế là, các “bậc lão thành” này gọi ngay “chủ sự” ra nhắc nhở: ông bà, bố mẹ các vị đang ngồi sờ sờ đây chứ đã chết đâu, mà các anh chị không có lấy một nhời thưa gửi tử tế hay sao?
Theo tôi, có lẽ chúng ta cũng nên có sự “cải tiến” cách xưng hô trong những bối cảnh như vậy, sao cho vừa phải, ngắn gọn, đỡ phiền phức. Có nhiều người, họ chỉ nói: “Kính thưa các vị khách quý!”, “Kính thưa hội hôn, thưa các vị đại diện cho nhà trai nhà gái”, hoặc “Thưa quan viên hai họ, thưa hội hôn…”, hoặc “Thưa các bậc cao niên, thưa toàn thể các vị đại biểu, nhà trai và nhà gái…”. Nói như vậy là khá đủ ý, không quá mất thời gian mà vẫn bao quát hết các đối tượng, không mất lòng ai cả. Xét cho cùng, đó cũng là một cách ứng xử văn minh.
Phát ngôn “Thưa mọi người” của cô bạn vừa dẫn ở đầu bài viết chính là một sự bột phát, nhưng mang tính sáng tạo trong một tình huống tưởng như khó xử. Tôi không biết là có nên cổ xúy hay không nhưng ngay lúc đó, cả lớp chúng tôi đã vỗ tay. Vỗ tay vì tán thưởng lối xưng hô lạ, ngộ nghĩnh, vui vẻ, như một “giải pháp tình thế” hợp tình, hợp lẽ vậy./.
PGS. TS. Phạm Văn Tình
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 7/2019)