Thứ Sáu, 17/5/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Hai, 9/9/2019 8:40'(GMT+7)

Hai câu chuyện viết tắt

Câu chuyện thứ nhất. Trên tờ Nghề báo (Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh) số 103+104, 5-2011, trong bài “MC truyền hình sau những sự cố”, tác giả Phan Tùng Sơn đã kể tới một sự cố “điếng người”. Đó là khi giới thiệu đại biểu trong một cuộc họp quan trọng, thay vì xướng danh “Trợ lý Tổng Bí thư” thì người dẫn chương trình nọ lại dõng dạc giới thiệu là “Trợ lí Tổng biên tập”. Nguyên do là người cung cấp thông tin cho MC (trước giờ khai mạc) đã viết tắt mấy chữ “TBT” để MC phải suy đoán theo thói quen thường gặp (Tổ hợp “TBT” dùng chỉ “tổng biên tập” là chủ yếu trong giao tiếp, nó hoàn toàn hợp lý trong một cuộc gặp mặt lãnh đạo các cơ quan báo chí).

Trong thực tế có không ít những trường hợp viết tắt dẫn đến “dở khóc dở cười” như thế, như NT (nhạc trưởng) được giới thiệu là “nhà thơ”, NS (nhạc sĩ) là “nghệ sĩ”, CN (cử nhân) là “công nhân”, ĐC (địa chỉ) là “đồng chí”, VN (văn nghệ) là “Việt Nam”, NLĐ (người lao động) là “nhà lãnh đạo”, QC (quảng cáo) là “quần chúng”, v.v.. và v.v..

Đây là những lỗi mang tính “kỹ thuật” bởi trong nhiều tình huống không đủ căn cứ (Chẳng hạn người viết mở ngoặc và ghi chú: viết tắt là…) thì người đọc chỉ còn mỗi một cách là suy luận chủ quan. MC đã vào cuộc, hình đã lên sóng, không thể dừng lại hoặc chạy đi hỏi cho ra nhẽ được… Thường thì người ta dựa vào tần số xuất hiện được coi là phổ biến của tổ hợp chữ tắt đó để phỏng đoán. TS có thể là từ viết tắt thay cho tiến sĩ, thí sinh, toà soạn, tập sự… nhưng có lẽ số người dùng TS để chỉ “tiến sĩ” là nhiều hơn, do đó có ưu thế cho suy luận hơn.

Cố Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã yêu cầu các báo (cụ thể là Bản tin Liên hiệp hội) không viết tắt tổ hợp chức danh của ông “Giáo sư Viện sĩ” là GS VS bởi ông cho rằng “Nhân dân không mấy ai biết đến từ viện sĩ và họ sẽ đọc 2 chữ “VS” này thành “vệ sinh” ngay. Tôi đây mà lại là “Giáo sư Vệ sinh” ư? Thật xấu hổ quá!”.

Câu chuyện thứ hai. Khi làm mục lục (contents) và tóm tắt (summary) bản tiếng Anh cho tờ tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số đặc biệt, chúng tôi phải dịch các bài cho chuyên mục đột xuất “Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn” (mất tháng 2-2011). Trong các tít bài về ông, biên tập viên đều viết “Prof. Nguyễn Tài Cẩn (Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn)”. Khi đã xong bản can, chuẩn bị đưa in thì học giả Hồ Hải Thụy (người chịu trách nhiệm hiệu đính tiếng Anh) yêu cầu phải viết lại cho đầy đủ: Professor… Ông nói là, ở các nước phương Tây, trong những văn phong trang trọng, nhất là khi nói về các nhân vật cần tôn kính, hay những người đã khuất, người ta tối kỵ dùng chữ tắt. Pre., Pres. (tổng thống, chủ tịch…), Pr., Prof. (giáo sư), Dr (tiến sĩ)… là cách viết tắt quá thông dụng của tiếng Anh, nhưng trong nhiều trường hợp, văn hóa giao tiếp không chấp nhận cách nói tắt và viết tắt.

Tôi giật mình khi ngẫm lại, báo chí ta đã không ít lần viết tắt các từ: TBT (Tổng Bí thư), TT (Thủ tướng), CT QH (Chủ tịch Quốc hội) ở ngay tiêu đề các văn bản trang trọng. Không ít các bài văn học sinh đã tuỳ tiện viết tắt các nhân vật lịch sử, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta: LTK (Lý Thường Kiệt), THĐ (Trần Hưng Đạo), PVĐ (Phạm Văn Đồng), thậm chí cả tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bị viết tắt (Tôi nói trong các trường hợp nói về chính nhân vật hay dẫn lời nhân vật).

Như vậy, chuyện viết tắt có hai vấn đề cần quan tâm:

1) Phải viết sao cho hợp lý, không gây cản trở trong giao tiếp  (như mơ hồ, hiểu sai, không suy luận được) và

2) Phải viết sao cho phù hợp với thuần phong mỹ tục của mỗi dân tộc. Một vấn đề đơn giản tưởng chừng chỉ là một kỹ năng đơn thuần về tạo dựng văn bản hoá ra lại còn liên quan cả đến văn hoá giao tiếp./.

PGS. TS. Phạm Văn Tình

_____________________________

(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo số 8/2019)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất