Thứ Hai, 9/12/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Năm, 13/6/2019 8:0'(GMT+7)

Không nên "Nói đi nói lại, sai coi như đúng"!

1. Chủ nghĩa xã hội là danh từ, còn xã hội chủ nghĩa là tính từ, không thể lầm lẫn. Vậy mà vẫn có khá nhiều người, nhất là các bạn sinh viên vẫn thường nói và viết: “Chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa từ một nước nông nghiệp lạc hậu”. Phải nói: “Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội từ …” hoặc “Chúng ta xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa từ…” (phải có 2 từ xã hội liền nhau bởi vì sau từ xây dựng là động từ phải là danh từ, chứ không thể là tính từ).

2. Trong nhiều bài nói, bài viết, nhất là trên báo chí vẫn thường xuất hiện từ Vấn nạn nhằm mục đích nhấn mạnh về một vấn đề gây bức xúc trong xã hội mà chưa có cách gì giải quyết. Ví dụ: Vấn nạn nâng điểm, vấn nạn bằng giả, vấn nạn tham nhũng.v.v.. Điều này khiến cho không ít bạn đọc và người nghe “mặc nhiên” hiểu rằng “vấn nạn” là một vấn đề nghiêm trọng, gay cấn, nguy hiểm - ở một cấp độ cao hơn cả tệ nạn (!?)

Thực ra “vấn nạn” là một từ Hán Việt, ít nhất là về mặt hình thức của nó, được kết hợp bởi hai yếu tố: Vấn và Nạn. Theo cấu trúc của từ Hán Việt thì trong từ hai âm tiết này, nạn đóng vai trò chính, vai trò trung tâm.

Nạn đứng riêng là một từ rất quen thuộc trong tiếng Việt, có nghĩa là một hiện tượng gây nguy hại, tai hoạ cho con người, cho cộng đồng, có thể do thiên nhiên hoặc do chính con người gây ra. Thí dụ như: nạn hạn hán, nạn trộm cắp, nạn cờ bạc...

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Vấn có nghĩa là hỏi, trái với đáp. Vấn thường nằm trong những kết hợp từ như: Vấn an - hỏi thăm sức khỏe người trên. Vấn danh - một thủ tục trong cưới xin trước đây. Vấn đáp - hỏi và đáp lại (như thi vấn đáp). Vấn đề - điều cần phải nghiên cứu giải quyết (như: mấy vấn đề được nêu trong cuộc họp, vấn đề lương bổng…). Ngoài ra, cũng có những trường hợp từ Vấn đứng sau trong từ ghép, như: Tư vấn, Chất vấn, Cố vấn, Tự vấn, Học vấn…

Cũng theo Đại từ điển Tiếng Việt, Vấn nạn là một động từ có nghĩa là: Hỏi vặn! Nó hoàn toàn đồng nghĩa với từ Cật vấn, nhưng ít được dùng hơn từ này!

Tại sao lại xuất hiện từ Vấn nạn theo cách hiểu méo mó hiện nay? Có thể là người ta muốn nói đến một loại tệ nạn gây bức xúc, đang trở thành một vấn đề nổi cộm? Tức là muốn ghép từ Vấn trong Vấn đề vào với từ Nạn để trở thành một từ mới? Nhưng thực ra muốn nói đến mức độ tệ nạn, trong tiếng Việt không thiếu gì những từ như Đại nạn, Quốc nạn, thậm chí Quốc tế nạn. Còn nếu sử dụng Vấn nạn chỉ là nói tắt của Vấn đề tệ nạn thì hoàn toàn “ngược nghĩa”.

Có người “cãi lý” rằng những từ như Vấn nạn là một “từ mới” - thể hiện sự “nâng cấp” của tiếng Việt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, nhưng thực ra đó chỉ là một thói quen dùng bừa, dùng ẩu, thậm chí là biểu hiện của thói sính chữ nghĩa (người sính nói chữ rất thích dùng những từ nghe thật “kêu” mà thông thường là chính mình không hiểu nghĩa thấu đáo của những từ đó).

3. Điểm yếu và yếu điểm hoàn toàn khác nhau về nghĩa, nhưng không ít người vẫn “đánh đồng” nó trong bài viết, nhất là trong phát biểu và giao tiếp ngôn ngữ. Điểm yếu là khuyết điểm, nhược điểm, là cái phần dở (không mạnh). Còn yếu điểm là cái chính, có thể dở, có thể hay. Âm tiết yếu trong từ điểm yếu là yếu, mạnh; còn trong từ yếu điểm lại mang nghĩa chính, phụ.

Nói: “Yếu điểm của chúng ta hiện nay là chưa có một đội ngũ quản lý kinh tế thực sự tài năng, vững vàng” là không chính xác, mà phải nói: “Điểm yếu của chúng ta…”.

Nhiều người vẫn lầm tưởng yếu điểm là khuyết điểm (lầm lẫn với điểm yếu). Khi nói: “Sự chân thành của anh ấy là nguyên nhân chính để trái tim tôi rung động, chứ không phải là chức quyền và tiền bạc” là hoàn toàn đúng. Nhưng nếu nói là: “Sự chân thành của anh ấy là yếu điểm để trái tim tôi rung động…” cũng không sai, bởi như đã nói ở trên, yếu điểm là điểm chính, cốt yếu, tuy nhiên cũng có vẻ không “thuận tai”. Tất nhiên nếu thay đổi “yếu điểm” thành “điểm yếu” trong trường hợp này thì hoàn toàn sai.

Có những từ, cụm từ vì không được sử dụng đúng nghĩa, nhưng nghe nhiều, đọc nhiều, ngỡ là đúng, là hay, là “sang”. Điều này cần được khắc phục để công chúng và bạn đọc dần thích nghi và trở lại với cái hay, cái đúng, cái chính xác, khoa học. Không thể cứ “cái sai, nói đi nói lại, coi như đúng”. 

 

Minh Triết

 

________________________

Bài đăng TCTG số 6/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất