Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 3/12/2008 19:54'(GMT+7)

Đừng tự trói mình

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong bài phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa - Bí thư Trung ương Đảng,

Đ/cTô Huy Rứa phát biểu tại
lễ kỷ niệm 60 năm báo Văn nghệ.

Trưởng Ban Tuyên giáo TW - tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập báo Văn nghệ (được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 19-10-2008), có một ý kiến liên quan đến vấn đề tự do sáng tác mà tôi cho là rất thấu tình đạt lý: "Chúng ta luôn khuyến khích và tôn trọng tự do sáng tạo, tự do báo chí và đã có Luật Báo chí, Luật Xuất bản bảo hộ. Vì thế người viết cần xóa bỏ thói quen tự cấm đoán, tự né tránh để phát huy được sức sáng tạo của người cầm bút".

Có thể nói, ý kiến này của đồng chí Tô Huy Rứa đã nêu đúng tâm lý của anh em cầm bút bấy lâu nay, và vì thế, hẳn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Báo Văn nghệ Trẻ khi in bài phát biểu này cũng đã lấy một câu trong đoạn trích dẫn trên làm tít bài.

Nhìn lại chặng đường văn học hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận: Có những lúc, những nơi, do tình thế khách quan, sự tự do sáng tác của người cầm bút đã ít nhiều bị hạn chế. Tuy nhiên, ta cũng phải sòng phẳng nói với nhau rằng: Không ít trường hợp, sự tự do sáng tác lại bị hạn chế bởi chính "thói quen tự cấm đoán, tự né tránh" của những người cầm bút. Không những "tự cấm đoán" mình, không ít tác giả còn đẩy lên thành "cấm đoán" đối với các đồng nghiệp, để rồi, thời gian trôi qua, khi nhìn nhận lại vụ việc, họ lại đổ thừa cho "thời thế", hoặc cho một ông X, ông Y nào đó. Trong khi, thực tế, có những điều chỉ hoàn toàn nằm trong phạm vi giải quyết của những người cầm bút với nhau mà thôi.

Đề cập tới vấn đề này, tôi có thể trích dẫn nhiều ví dụ, nhưng vì khuôn khổ bài viết, ở đây chỉ xin nêu một vài trường hợp:

Nhiều người đã biết, sinh thời, nhà thơ Tố Hữu rất nể phục sức suy nghĩ, tầm suy nghĩ của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tuy nhiên, trong quan điểm về "Truyện Kiều" và tác giả của nó, Tố Hữu vẫn giữ một cách nhìn, cách đánh giá riêng của mình. Bài thơ "Kính gửi cụ Nguyễn Du" của ông có những câu - theo nhận xét của nhà phê bình Hoài Thanh  (đã in trong "Hoài Thanh toàn tập" - NXB Văn học, 1999) - là "ngược hẳn những ý kiến của anh Duẩn đã nói với tôi ngày trước".

Vậy nhưng thực tế, bài thơ của Tố Hữu vẫn được phổ biến rộng rãi trong dịp cả nước ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du. Điều này cho thấy, ngoại trừ những vấn đề mang tính nguyên tắc, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta cũng rất cởi mở và tôn trọng sự độc lập trong tư duy sáng tạo của các tác giả.

Nhà thơ Nga Éptusenkô trong chuyến thăm Việt Nam thời kỳ chiến tranh trước đây, đã có bài thơ rất hay lấy tên là "Cái sợ của những người không biết sợ". Mượn mấy chữ này của ông, ta có thể nói rằng: Hiện tại, với những người làm công tác văn nghệ chúng ta đang phát sinh hiện tượng: Do trình độ nhận thức chưa sâu, sự kinh lịch, trải nghiệm cuộc sống chưa rộng, chúng ta nhiều lúc đã "sợ" những cái không đáng sợ, và ngược lại, có lúc lại tỏ ra rất bất cẩn với những cái đáng ra chúng ta phải hết sức lưu ý, chú trọng.

Tôi có một anh bạn làm biên tập văn xuôi của một tờ tạp chí nọ. Khi biên tập truyện ngắn của cộng tác viên, hễ thấy trong đó có nhân vật tiêu cực thuộc cỡ lãnh đạo tỉnh là anh sửa ngay xuống một bậc, thành lãnh đạo huyện. Anh bảo: "Chữa vậy cho an toàn" (anh nói mà quên rằng, trong thực tế, Đảng và Nhà nước ta chẳng từng đã có lúc phải ra tay kỷ luật - từ cách chức đến xử lý hình sự - cả cấp lãnh đạo cỡ ủy viên Trung ương, cỡ Bộ trưởng đó sao?).

Cứ quan điểm ấy, chẳng trách mỗi lần tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Nhà nước ta đều luôn khuyên nhủ mọi người nên "mạnh dạn phát huy dân chủ hơn nữa". Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trước đây cũng đã phải sử dụng đến một câu danh ngôn nước ngoài để khích lệ anh em nhà văn "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu".

Tuy nhiên, nói thì nói vậy, đối với nhiều người cầm bút, xóa bỏ được "thói quen tự cấm đoán, tự né tránh để phát huy được sức sáng tạo" không phải là điều đơn giản. Càng không đơn giản khi bỏ được "thói quen" này rồi, ta có thể viết những điều mà không bao giờ lo là bị rầy rà, phiền toái vì động chạm tới một vấn đề "rất không nên" nào đó.

Muốn được như vậy thì - lại nói như đồng chí Tô Huy Rứa: "Cần nhất là tấm lòng, là sự am hiểu sâu sắc cuộc sống, là trách nhiệm của các nhà báo, nhà văn trước độc giả, trước đất nước"./.

(Theo:Phạm Thành Chung/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất