Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 3/12/2011 10:35'(GMT+7)

Đường 9 - Con đường hợp tác phát triển trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây

Chiến thắng Đường 9-Nam Lào

Quảng Trị có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây là đầu cầu giới tuyến, có Đường 9 sang Lào, có 2 nhánh đường mòn Hồ Chí Minh là nhánh phía Đông và nhánh phía Tây đi qua.

Nhằm đánh phá, cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của ta từ gốc, hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược và làm cho lực lượng vũ trang ta ở miền Nam suy yếu, không thể tập trung đánh lớn trong mùa khô năm 1971-1972, và để dễ dàng thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn 719” đánh vào vùng Đường 9 - Nam Lào.

Biết trước mưu đồ của địch, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào với quy mô lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng nhằm tiêu diệt nhiều đơn vị dự bị chiến lược của địch, bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và hậu phương của ta, tạo điều kiện cho các chiến trường khác đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch và đánh phá “bình định” của chúng.

Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào diễn ra trong 52 ngày đêm, từ 31/1 đến 23/3/1971. Trực tiếp tham gia chiến dịch phản công có Binh đoàn 70, Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang Mặt trận B5 (đường 9 - Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559, bốn trung đoàn pháo binh, bốn trung đoàn pháo cao xạ, ba trung đoàn công binh; ba tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ. Về phía bạn Lào, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Lào yêu nước, lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương và nhân dân các tỉnh Trung Lào đã đẩy mạnh tiến công địch, phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh địch.

Bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã hoàn thành thắng lợi trọn vẹn các mục tiêu đề ra. Trung tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, là thắng lợi của trí tuệ và tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao.

Theo Thiếu tướng Vỉxảy Chănthamạt, Cục trưởng Cục Khoa học – Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng Lào, chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ông Lê Hữu Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng, chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ và quân đội Việt Nam cộng hoà là chiến thắng của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, đường lối đoàn kết quốc tế, liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Chiến thắng này mãi trở thành một sự kiện trọng đại trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, là điểm son chói lọi truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Trị và là nguồn cổ vũ lớn lao cho công cuộc đổi mới xây dựng đất nước của 2 nước Việt Nam - Lào nói chung và tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh bạn nói riêng.

Đường 9 - con đường của hợp tác và phát triển

Đường 9 hôm nay đã có nhiều đổi khác so với 40 năm về trước. Đường 9 nối từ Cửa Việt lên Lao Bảo năm xưa là bãi chiến trường, ghi đậm bao chiến công oanh liệt của quân và dân ta với những trận đánh không cân sức với địch. Hầu hết các xã ven Đường 9 là vùng đất trắng, rừng núi, sông suối ken dày bom đạn và chất độc hoá học.

Trở lại thăm Đường 9, những Cựu chiến binh năm nào trực tiếp tham gia chiến đấu đã không khỏi ngạc nhiên khi những cánh rừng trơ trọi, đồi núi trọc ở hai bên đã được phủ màu xanh trở lại bởi bạt ngàn cây cao su, cà phê, hồ tiêu. Cựu chiến binh Nguyễn Xiển nói, Đường 9 năm xưa giờ đã trở thành “Đường 9 xanh”.

Bên cạnh sân bay Tà Cơn năm xưa, thủy điện Rào Quán với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng được xây dựng, cùng công trình đập thủy lợi ở Sanh Tràng đã đi vào hoạt động, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những địa danh như Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo... bây giờ là địa chỉ của các tour du lịch, thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến tham quan và hoài niệm chiến trường xưa.

Ông Nguyễn Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngày nay Đường 9 trở thành đường hợp tác và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội giữa các nước trên Hành lang Kinh tế-Đông Tây, trong đó Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của Hành lang Kinh tế Đông-Tây khi vào Việt Nam.

Khai thác thế mạnh tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, Quốc lộ 9 nay là con đường xuyên Á, mở rộng, nối liền từ Mianmar qua Thái Lan, Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã không ngừng hợp tác trên các lĩnh vực với 2 tỉnh bạn Lào có chung đường biên giới là Sa Vẳn Na Khệt và Sa La Van. Lao Bảo đã trở thành Khu kinh tế - thương mại và đang từng bước được đầu tư xây dựng để trở thành thành phố miền Tây Quảng Trị trong tương lai. Trên tuyến Đường 9 này, tỉnh Quảng Trị cũng đang xây dựng, củng cố huyện Hướng Hóa, Đakrông và các huyện trên tuyến Đường 9 trọng yếu trở thành cụm tuyến kinh tế - quốc phòng vững chắc.

Ông Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết, trong những năm gần đây, bằng sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã nắm bắt thời cơ và vị thế của đất nước, phát huy tinh thần cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai; tạo ra những chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt. Riêng về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 9,6%. Thông qua đường 9, sự giao lưu, buôn bán hàng hóa giữa nhân dân các bộ tộc Lào và Việt Nam đã góp phần làm cho chợ Phiên (Cam Lộ) hưng thịnh một thời và Đông Hà trở thành trung tâm thương mại du lịch của tỉnh. Trong thời kỳ mới đường 9 xuyên Á đã trở thành trục Hành lang kinh tế Đông-Tây sôi động không chỉ của Quảng Trị mà của cả khu vực miền Trung, trong đó, khu vực Lao Bảo - Khe Sanh trở thành khu kinh tế thương mại đặc biệt đang phát triển mạnh mẽ, sẽ là đòn bẩy cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Phát huy truyền thống anh hùng của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào năm xưa và khai thác lợi thế hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực xây dựng Đường 9 trở thành con đường hữu nghị, hợp tác, phát triển trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây; đẩy mạnh tình hữu nghị hợp tác, phát triển giữa Quảng Trị và các tỉnh của nước bạn Lào có chung đường biên giới và giữa Quảng Trị với các tỉnh trong khu vực miền Trung./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất