Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Hai, 10/10/2011 21:27'(GMT+7)

Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển: 10 năm gắn bó với đoàn tàu không số

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Là một chiến sĩ báo vụ kiêm quân y của đoàn tàu không số, ông đã góp phần làm được hai việc trọng đại trên biển là cứu người và cứu tàu. Cứu chữa cho những cán bộ, chiến sĩ bị bệnh trong khi đang làm nhiệm vụ trên tàu giữa biển khơi. Mưu trí, dũng cảm cứu tàu khi gặp địch. Bởi thế mà suốt 10 năm gắn bó với đoàn tàu không số, ông và đồng đội đã vượt qua hơn 10.000 cây số đường biển chở vũ khí vào miền Nam trong vòng vây của quân thù dày đặc trên biển mà vẫn thoát hiểm.

Cơ duyên đưa Nguyễn Đình Sin trở thành chiến sĩ hải quân, gia nhập đoàn tàu không số thật tình cờ. Để xin đi bộ đội, chàng thanh niên ấy đã phải viết thư bằng máu của mình. Được cấp trên chấp nhận, cứ tưởng sẽ tòng quân ở một đơn vị nào đó nhưng Sin lại được phân đi học lớp báo vụ (vô tuyến điện) ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Vậy là từ đó, chàng trai Sin gắn bó đời mình với đoàn tàu không số và biển khơi mênh mông sóng nước.

Ngày 5/8/1964, ngày Mỹ ném bom vào miền Bắc và đó cũng là trận đầu Mỹ đánh hải quân Việt Nam. Ông Nguyễn Đình Sin còn nhớ như in ngày gia nhập đoàn tàu không số, lên đường làm nhiệm vụ vào bến Vàm Lũng, Cà Mau... Con tàu có trọng tải 100 tấn, trong đó chở 60 tấn súng đạn, một tiểu đội đặc công. Hôm ấy biển động, sóng dữ dội khiến gần 10 tân binh như Sin khá mệt nhưng tinh thần thì luôn vững vàng, sẵn sàng chiến đấu khi gặp hiểm nguy. Năm tháng qua đi, giờ đây, ông cũng không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến tàu không số bởi hết chuyến này sang chuyến khác, hết tàu gỗ lại sang tàu sắt, tàu cao tốc, có những chuyến tàu gần cập bến lại gặp chuyến khác đi ra, vì thiếu người lại “nhảy” sang tàu đó nhận nhiệm vụ mới.

Những ngày lênh đênh trên biển là những ngày phải đối mặt với địch, mong manh giữa sự sống và cái chết. Bởi thế, mỗi lần nhận nhiệm vụ mới là mỗi lần các chiến sĩ được làm lễ truy điệu sống. Điều đặc biệt, những chiến sĩ tham gia trên đoàn tàu không số không có một trường hợp nào dao động tư tưởng, tất cả đều rất kiên trung, ý chí vững vàng, chiến đấu dũng cảm vì miền Nam thân yêu, đó là niềm tự hào của người chiến sĩ hải quân đoàn tàu không số - ông Sin chia sẻ.

Năm 1969, tàu vào đốc (nghỉ Tết). Những người lớn tuổi, có gia đình được trở về thăm gia đình, còn thanh niên thì ở lại tàu. Nguyễn Đình Sin lấy vợ cũng tình cờ như việc trở thành chiến sĩ của đoàn tàu không số vậy. Sau vài lần đến chơi nhà cô gái ở gần nơi anh đóng quân, chàng trai xứ Nghệ bèn ngỏ lời: “Cô có người yêu chưa? Cô có đồng ý lấy tôi không?”. Chính câu hỏi mộc mạc, chân thành ấy đã làm cho cô công nhân Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng cảm động và gật đầu đồng ý.

Sau ngày cưới ba ngày, Sin tạm biệt vợ rồi tiếp tục nhiệm vụ của người lính hải quân. Từ năm 1978 đến 1992, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau và chiến đấu khắp các chiến trường, ở đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính biển được Đảng và nhân dân giao phó, đơn vị tín nhiệm, đồng đội khâm phục, mến yêu. Năm 1992, ông được nghỉ chế độ với cấp bậc trung tá.

Trở về với đời thường, ông lại tiếp tục công việc chữa bệnh, bốc thuốc cứu người. Có sẵn kiến thức về y học đã tích luỹ trong quân đội, rồi tìm tòi, nghiên cứu học thêm, ông muốn đem vốn kiến thức ấy để chữa bệnh giúp ích cho đời, vừa là nguồn vui lao động, vừa truyền nghề cho các cháu. Mỗi ngày có tới 30-40 bệnh nhân được ông chữa trị những bệnh khó như viêm tắc động tĩnh mạch, thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống, xơ gan cổ chướng... bằng phương pháp Đông-Tây y kết hợp. Nhiều bệnh nhân nghèo, gia đình khó khăn và đồng đội tàu không số ở Nghệ An, Hà Tĩnh được ông chữa bệnh miễn phí. Ông còn đào tạo, truyền nghề cho 10 cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn rồi gửi đi học ở các trường đào tạo về y học cổ truyền. Không ngẫu nhiên mà ba người con của ông cũng thành đạt trong lĩnh vực y học.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang, ông Nguyễn Đình Sin lật đi lật lại những tấm huân, huy chương như nhớ lại một thời hoa lửa. Ông tâm sự: “Những tấm huân, huy chương này thấm đẫm máu của đồng đội, đó là kỷ vật vô giá. Dù cuộc sống đời thường bận bịu với nghề thầy lang, với con cháu nhưng không vì thế mà lãng quên đồng đội. Với bác, ký ức về những năm tháng trên đoàn tàu không số chẳng thể nào quên”./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất