Phòng hộ, gia cố đê điều để chống chọi với thiên tai là công việc ngàn đời nay ở nước ta; nhưng gần đây ngoài sức tàn phá của thời gian và thiên nhiên, đê điều còn thêm mối đe dọa vô tình hoặc cố ý của chính con người.
Theo báo cáo của các ngành chức năng, mới đầu mùa mưa lũ năm nay, nhiều tuyến đê sông, biển của hầu khắp các địa phương đã bị sạt lở nghiêm trọng. Điển hình như các tuyến đê số 7 và 8 của huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình; tuyến đê ngăn mặn biển Tây của tỉnh Kiên Giang; tuyến đê tả sông Lèn ở Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa… Đặc biệt, trận mưa lũ tuần trước khiến kè Tà Pao ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận sạt lở, khiến nhà cửa bị cuốn trôi và một người dân thiệt mạng…
Phòng hộ, gia cố đê điều để chống chọi với thiên tai là công việc ngàn đời nay ở nước ta; nhưng gần đây ngoài sức tàn phá của thời gian và thiên nhiên, đê điều còn thêm mối đe dọa vô tình hoặc cố ý của chính con người. Đó là tình trạng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển để lấy gỗ; xóa rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản; đổ trộm đất phế thải ngăn lấp dòng chảy; lấn chiếm tập kết vật liệu hoặc xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ đê, khai thác cát sỏi trái phép v.v..
Những hành vi trên đây diễn ra đã nhiều năm, các địa phương và lực lượng chức năng đã nhiều đợt “ra quân” nhưng kết quả rất hạn chế. Đơn cử như ở Hà Nội, theo báo cáo của Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão của thành phố, chỉ riêng đoạn đê từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì đã có hàng ngàn điểm vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới xử lý được… 81 điểm, trong đó nhiều điểm nay đã tái phạm(!). Cũng theo khẳng định của một cán bộ Chi cục trên đây, chính quyền địa phương nơi có các tuyến đê đi qua không thể không biết những vi phạm; nhưng do thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra và khi “sự đã rồi” thì xử lý thiếu kiên quyết, thiếu triệt để.
Nhìn chung, đê điều nhiều nơi cũng đang chịu những cái thiếu như vậy! Trong khi đó, tại một hội nghị mới đây, Bộ NN&PTNT cho biết vừa có công văn gửi UBND các tỉnh và thành phố chỉnh đốn việc xin kinh phí đầu tư tu bổ đê điều không đúng tiêu chí. Cụ thể là thời gian qua nhiều địa phương đã trình những đề án xử lý các công trình đê điều sạt lở cấp bách, kèm theo khoản dự toán kinh phí xin được hỗ trợ. Nhưng qua kiểm tra thực tế thì nhiều hạng mục đề xuất không đúng tiêu chí và nhiều dự toán kinh phí quá lớn so với nhu cầu. Nghĩa là, cả danh mục công trình và kinh phí đề xuất đều… thừa so với thực tế.
Cùng một công tác phòng hộ đê điều mà có hai hiện tượng thiếu và thừa trái ngược nhau. Không sớm khắc phục ngay tình trạng trên đây thì đê điều khắp nơi còn thường xuyên… phấp phỏng!./.
(Theo: Mai Nam Thắng/QĐND)