Thứ Ba, 26/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 23/9/2011 16:54'(GMT+7)

Phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tiễn cho thấy, vài năm gần đây, chuyện tắc đường giờ cao điểm trở thành thường xuyên hằng ngày và câu chuyện chống ách tắc giao thông ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh luôn trở thành vấn đề bức xúc nhất, là nỗ lo của mỗi người dân đô thị. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tắc đường giờ cao điểm? Ở nước ta, trong khoảng vài thập kỷ gần đây, khi đời sống người dân được nâng lên, có bát ăn bát để, nhiều gia đình nông thôn cũng sắm cho mình 1 chiếc xe máy, có nhà khá giả hơn thì có tới 2-3 chiếc để làm phương tiện đi lại. Còn ở các đô thi lớn, nhất là Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh thì khỏi phải nói, hầu như gia đình nào cũng có vài chiếc xe máy, không ít gia đình sở hữu ô tô, có nhà khá giả có 2-3 chiếc ô tô. Ngoài ra, số xe tải, xe chở khách cũng gia tăng đến chóng mặt. Nói như vậy để thấy số lượng các phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh. Thêm vào đó, số lượng xe máy, ô tô, xe khách từ ngoại tỉnh vào 2 đô thị lớn tăng nhanh. Theo ước tính, chỉ tính riêng Hà Nội có khoảng 3,8 triệu xe máy, 400.000 ôtô và TP Hồ Chí Minh có khoảng 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô thường xuyên lưu thông.

Trong khi số lượng phương tiện gia tăng thì hạ tầng giao thông tuy có bước cải thiện nhưng chưa được bao nhiêu. Tình trạng đó dẫn đến hệ quả quá tải giao thông nội đô đang diễn ra ngày càng trầm trọng hơn là điều tất yếu. Đó là một nghịch lý mà dường như ai cũng thấy. Nhưng giải bài toán này không chỉ một sớm một chiều. Vì hạ tầng giao thông của ta đang lạc hậu so với các nước phát triển hàng trăm năm!. Hiện nay, ở các nước giàu có, hạ tầng giao thông ở thủ đô và các đô thị lớn rất phát triển, phong phú và đa dạng. Họ có tàu điện ngầm, tàu điện thường, đường sắt đô thị, hầm đường bộ qua các nút giao thông… mà vẫn còn xảy ra ách tắc giao thông. Trong khi đó ở nước ta, tất các các đối tượng tham gia giao thông đều diễn ra trên một lối thoát duy nhất là đường lộ thiên, do đó ách tắc giao thông kéo dài nhiều giờ trong một thời điểm, một không gian, nhất là ở các tuyến đường chính, các nút ngả tư, nga năm…là điều khó tránh khỏi.

Điều đáng lo ngại nhất là ý thức chấp hành luật giao thông của ta kém hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Ở các nước phát triển, khi xảy ra tắc đường thì người tham gia giao thông rất có ý thức. Họ chủ động, tự giác nhường nhịn nhau, chấp hành nghiêm hệ thống tín hiệu đèn giao thông và sự phân luồng của cảnh sát giao thông. Còn ở ta thì tâm lý khá phổ biến là không ai chịu ai nên khi xảy ra tắc đường thì mạnh ai nấy đi. Bất chấp luật, quy tắc an toàn giao thông, các chủ phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường, ô tô sang đường xe máy, xe máy, xe đạp lấn đường ô tô. Nhiều chủ phương tiện cố nhích từng mét, thậm chí từng centimet, cứ có khe hở là cố vượt lên cho hơn người. Vì thế nên khi xảy ra tắc đường thi những hành vi đó càng làm cho tắc thêm. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ở nước ta hiện nay.

Vậy giải pháp nào để hạn chế ùn tắc giao thông giờ cao điểm, vốn ngày càng phức tạp, đang gây bức xúc lớn trong xã hội? Vài năm gần đây ở hai đô thị lớn đã đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất để hạn chế ách tắc giao thông. Phải nói rằng việc bổ sung hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông; tăng cường lực lượng cảnh sát tham gia phân luồng giờ cao điểm; tăng cường hệ thống xe buyt công cộng; mở rộng một số tuyến đường giao thông… đã có tác dụng nhất định. Nhưng hầu như tình trạng ách tắc giao thông vẫn không giảm, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách bền vững, lâu dài, thiết nghĩ rất cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Có thể thấy rằng, với nhận thức pháp luật hạn chế, lại chưa có thói quen chấp hành luật giao thông mang tính phổ biến trong cộng đồng như hiện nay thì việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đây là giải pháp lâu dài có ý nghĩa quyết định trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở nước ta hiện nay. Như đã đặt vấn đề ở trên, nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông vẫn là do người tham gia giao thông không chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục để Luật Giao thông đường bộ thực sự đi vào cuộc sống. Tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ ở tất cả các cấp học, từ tiểu học đến phổ thông cơ sở, đến trung học phổ thông, cao đẳng,  đại học. Làm sao để ngay từ nhỏ, từ cấp tiểu học, các em thiếu nhi đã có ý thức chấp hành Luật giao thông. Sau này lớn lên các em sẽ có ý thức tự giác chấp hành luật lệ giao thông.

Hiện nay việc nhận thức, sự hiểu biết các quy tắc, biển báo giao thông đường bộ ở một bộ phận khá lớn người dân, nhất là người điều khiển mô tô, xe máy rất hạn chế. Phần lớn người đi mô tô xe máy chỉ biết các biển thông thường như đường một chiều, đường 2 chiều…, rất ít biết các biển cấm xe máy, hay biển chỉ dẫn rẽ trái, rẽ phải. Nhiều người không hề biết hoặc không chấp hành quy định sử dụng đèn xi nhan rẽ phái, rẽ trái… Do vậy cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ, phổ biến các biển báo giao thông qua các phương tiện truyền thông, các tiểu phẩm văn nghệ trên sóng phát thanh, truyền hình, qua các pa nô áp phích, các tờ rơi tại các khu công cộng...

Mặt khác cũng cần tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật. Cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Những lỗi vi phạm lớn như gây tai nạn, cố tình vượt đèn đỏ…, cũng cần thông báo về cơ quan nơi công tác hay địa phương nơi cư trú, lấy đó để răn đe, cũng như giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ trong cộng đồng. Các cơ quan hữu quan cũng cần từng bước sửa đổi, bổ sung các khung xử lý, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm. Ngược lại đối với bản thân lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần chấn chỉnh, kiên quyết xử lý những hành vi tiêu cực. Trong đó, cần thực hiện công bằng trong xử phạt hành vi vi phạm đối với tất cả mọi công dân tham gia giao thông, dù là người điều khiển ô tô, xe máy hay xe đạp, hoặc người đi bộ. Hiện nay người vi phạm luật lệ giao thông là người điều khiển xe đạp rất ít bị xử phạt. Hoặc trong hai trường hợp xe ô tô và xe máy va chạm giao thông thì đôi khi chỉ xử phạt người điều khiển ô tô. Chính việc xử phạt không công bằng như vậy vô hình chung sẽ không khuyến khích được những người chấp hành tốt luật lệ giao thông.

Thứ hai, từng bước giảm bớt các phương tiện giao thông nội đô, thực hiện tốt việc phân luồng, phân làn các phương tiện giao thông

Hiện nay đời sống nhân dân ở các đô thị lớn đã khá hơn trước rất nhiều, song đa số cũng chưa có điều kiện mua sắm xe ô tô, vì thế xe máy vẫn là phương tiện chính để tham gia giao thông hằng ngày. Như vậy đối tượng chính tham gia giao thông vẫn chủ yếu là người đi xe máy, số rất ít còn lại là người đi ô tô. Do đó mọi quy định cấm hay hạn chế ô tô hoặc xe máy cũng rất cần thận trọng, cân nhắc thấu đáo.

Do vậy, trước mắt cần quy định lại việc hạn chế đăng ký mới xe máy. Trong thực tế năm 2003, Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả biện pháp ngừng cấp đăng ký xe máy tại 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và tiếp đó là 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ. Tuy nhiên, năm 2005, quyết định này bị bãi bỏ và việc cấp đăng ký xe máy đã được mở lại. Theo ước tính từ năm 2009 đến hết năm 2010, trung bình mỗi tháng Hà Nội có thêm khoảng 10.000 - 15.000 phương tiện, trong đó khoảng 3.000 - 5.000 xe ôtô. Và chỉ tính 7 tháng đầu năm 2011, đã có thêm khoảng 28.000 ôtô, hơn 155.000 xe máy đăng ký mới, tức là trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 4.000 ôtô, hơn 20.000 xe máy đăng ký mới.

Tăng cường lực lượng hướng dẫn phân luồng, phân làn phương tiện giao thông ở tất cả các tuyến đường nội đô. Trước mắt, cần thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ triển khai thí điểm việc hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe môtô, xe gắn máy lưu thông trên một số tuyến phố để rút kinh nghiệm, nhân rộng nếu thấy hiệu quả tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên cũng cần cân nhắc thực hiện thí điểm cấm lưu thông các loại ô tô, nhất là ô tô buyt ở một số tuyến đường, nhất là các đường phố hẹp.

Thứ ba, Nhà nước cần quan tâm đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển đa dạng các loại hình phương tiện giao thông công cộng.

Với số lượng phương tiện giao thông khổng lồ tham gia lưu thông trên một hạ tầng giao thông lạc hậu như ở nước ta hiện nay thì không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy giải pháp có tính cơ bản lâu dài vẫn là Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, phong phú. Ngoài dự án xây dựng đường tàu điện ngầm, đường sắt đô thị đã được Chính phủ phê duyệt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống hầm đường bộ, cầu vượt tại các nút giao thông. Đồng thời phát triển hệ thống xe buyt loại nhỏ phù hợp với hệ thống đường nội đô vốn rất hẹp ở Thủ đô Hà Nội./.

Đức Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất