Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 1/10/2008 20:38'(GMT+7)

Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý bền vững

 Về tình hình năm 2008, nhiều ý kiến phát biểu đồng tình với những nhận định được nêu trong báo cáo: với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo quyết liệt, tập trung cao của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn dân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì được sự phát triển… Nhiều đại biểu đánh giá từ việc xác định đúng diễn biến tình hình nên đã có sự chuyển biến kịp thời sang mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát; đồng thời đề ra những hệ thống giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu này. Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đã làm được, các ý kiến đều nêu lên rằng đây chỉ là những kết quả bước đầu, chưa bền vững, trước mắt còn rất nhiều khó khăn.

Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự chưa thỏa mãn với bản báo cáo vì chưa phân tích sâu sắc những hạn chế, tồn tại, chưa chỉ ra được những bài học tương xứng với thực tiễn. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng năm 2008 đã đạt được những kết quả bước đầu là do có chủ trương đúng (ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng…), chỉ đạo đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng hơn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị… Theo đại biểu, cần phải tổng kết 3 bài học này cho năm 2009 và những năm tiếp theo. Đại biểu Trần Đình Thiên đánh giá những nhận định nêu trong báo cáo chưa sâu sắc, cần phải rút ra những bài học lớn về tầm nhìn hội nhập, cách tiếp cận thời cơ, bài học về phối hợp thực hiện chính sách cần bài bản hơn, về cơ cấu đầu tư…

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu lên trong 25 chỉ tiêu đề ra, trong năm 2008 có 9 chỉ tiêu chưa đạt, hầu hết ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân. Đại biểu nhận định năm 2009 sẽ còn rất nhiều khó khăn, cần có giải pháp đồng bộ để cuộc sống của nhân dân tốt hơn. Đại biểu Ánh Tuyết và nhiều đại biểu khác nêu vấn đề bất cập trong việc dự báo của các bộ, ngành. Các ý kiến nêu lên thực trạng trồng lúa, nuôi cá trong nhân dân…, việc thu mua không kịp thời đã đẩy bà con vào hoàn cảnh khó khăn trong sản xuất.

Đại biểu Mai Xuân Hùng (Ủy ban Kinh tế) nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, vấn đề dự báo, cảnh báo là rất quan trọng. Đại biểu Võ Trí Thành (Viện quản lý Kinh tế Trung ương) nhận định, trước tình hình hiện nay cần làm 3 việc: thực thi chính sách tài khóa một cách nghiêm túc; giữ vững thắt chặt tiền tệ và chủ động nguồn lực để đối phó với những tình huống xảy ra. Nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu lên những vấn đề bức xúc về môi trường, giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề…, rất cần có sự phân tích sâu sắc, những nội dung trong báo cáo đề cập mờ nhạt. Các đại biểu đề nghị cần thấy được nguyên nhân và nêu các giải pháp cụ thể để năm 2009, cuộc sống của người dân được cải thiện nhiều hơn.

Về mục tiêu nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2009, nhiều ý kiến đồng tình với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, từ đó ổn định dần kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; đồng thời tạo mọi điều kiện để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững. Các phương án của mục tiêu tăng trưởng đề ra trong báo cáo cần được phân tích lý lẽ cụ thể rõ ràng, thuyết phục. Bên cạnh việc đề ra những giải pháp cho cơ chế chính sách, nhiều ý kiến đề nghị cần có các giải pháp trung hạn và dài hạn, trong báo cáo mới đề cập tới những giải pháp ngắn hạn… Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị nêu lên những giải pháp cụ thể về môi trường, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân… Đại biểu Đặng Văn Thanh cho rằng năm 2009 cần tiếp tục thực hiện 3 giải pháp: cơ cấu lại nên kinh tế; thắt chặt tài chính và giám sát tình hình, phản ứng nhanh chóng.

Phát biểu kết thúc nội dung phân tích, đánh giá Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ: từ những phân tích, đánh giá của các đại biểu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về vấn đề này cần tập trung phân tích sâu sắc một số nội dung: những mặt hạn chế, yếu kém của nền kinh tế; chính sách trung hạn và dài hạn; tăng trưởng kinh tế; điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách tiền tệ, tài khóa, sự phối hợp của hai chính sách này; quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; hoạt động thu chi ngân sách; các vấn đề liên quan tới chính sách cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; các vấn đề về xã hội, môi trường, trong việc thực hiện chính sách về an sinh xã hội. Đối với nội dung năm 2009, báo cáo thẩm tra cần phân tích những khó khăn, thách thức, sự ảnh hưởng của nên kinh tế Mỹ tới nước ta, các phương án tăng trưởng kinh tế…/.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất