Tiếng máy bay rền rĩ, bầu trời đỏ rực lửa, phố xá ngổn ngang... Từng ấy hình ảnh về Hà Nội năm 1972 vẫn chưa bao giờ nhạt trong tâm trí những người trong cuộc.
Một buổi sáng mùa đông sau 40 năm, họ gặp lại nhau trong buổi ra mắt tập sách “Đối mặt với B-52.” Nước mắt xót xa và hạnh phúc đan xen nhau trong những câu chuyện, ký ức đọng lại.
“Đối mặt với B-52” tái hiện lại một cách sinh động chân dung Hà Nội những ngày đêm lịch sử 1972, đối mặt với B-52 bằng những cách thức linh hoạt, chủ động. Cùng với đó, những đau thương, mất mát của người dân Thủ đô được gợi lại một cách sâu lắng.
Tập sách được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng. Người trẻ nhất sinh năm 1966 (vào năm 1972 mới lên 6 tuổi) và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910 (khi ấy đã 62 tuổi).
Ánh mắt rưng rưng, giọng nghẹn ngào, nhà báo Chu Chí Thành (nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam), một trong những nhân chứng của những ngày đêm lịch sử ấy chia sẻ: “Cầm cuốn sách trên tay, tôi thấy lòng nghẹn lại. Ngày ấy, chúng tôi là phóng viên, trong tay không có vũ khí để có thể trực tiếp chiến đấu nhưng cũng không hề cảm thấy sợ hãi trước cái chết!”
Theo lời kể của người cựu quân nhân Vương Toàn Tước: Ngày 20/12/1972, trước thông tin Mỹ cho không quân trở lại bắn phá Hải Phòng và Hà Nội, lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành. Những con phố ngày thường vốn đông đúc trong một lúc trở nên hoang vắng lạ thường. Những ụ pháo dã chiến, công sự cá nhân nhanh chóng mọc lên, biến cả Thủ đô thành một mâm pháo lớn.
Với ba phần, “Đối mặt với B-52” đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, qua những câu chuyện của các nhân chứng, nhóm tác giả đã dựng lại bối cảnh Hà Nội những năm 1966-1972.
Cùng với đó là quá trình quân đội ta nghiên cứu cách thức hạ "pháo đài bay" B-52.
Trong ký ức của Đại đội trưởng Dương Văn Thuận, người trực tiếp điều khiển khí tài mang ký hiệu D59 khi xưa: “Toàn bộ trận đánh, từ khi phóng tên lửa đến khi gặp mục tiêu chỉ khoảng hơn 40 giây, rất căng thẳng.
Đến cự ly 22km, chưa bao giờ chúng tôi thấy một điểm nổ lại đặc biệt như thế: cùng lúc ở xe điều khiển, màn theo dõi của ba trắc thủ và màn của sỹ quan điều khiển mất hẳn dải nhiễu, giống như màn hình tắt phụt một cái. Trắc thủ Nguyễn Trí Quang hô cháy rất to: ‘Máy bay cháy rồi, cháy to lắm, thủ trưởng ơi;…”
Thời gian đã lùi xa nhưng những mảnh ký ức về 12 ngày đêm ấy chưa bao giờ mờ nhòe trong tâm thức những người đã trực tiếp sống và chiến đấu giữa lòng Hà Nội. Họ cùng kể lại những câu chuyện xúc động về một thời kỳ đạn bom, góp phần lưu giữ lại lịch sử ở “Đối mặt với B-52.”
“Nhà tôi ở ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên. Cái đêm 18, nó đánh ở ga Yên Viên, 21 thì đánh ga Hàng Cỏ, 22 đánh Bệnh viện Bạch Mai,… Ngày 26, khoảng 11 giờ kém 15 phút, bắt đầu còi báo động. Còi rú lên, tôi được lệnh lên số 75 Hàng Bồ, có hai phân xưởng in báo trên đấy. Lên tới nơi, thấy súng bắn chung quanh bốn phía, sáng rực lên.
Lúc báo an rồi, tôi xin phép về nhà. Tới đầu Khâm Thiên, thấy dây điện đứt, nhà cửa đổ nát. Trong ngõ có cái hầm tập thể to, ôi giời ơi, nó cho mấy quả bom 500 cân, chết chẳng toàn thây. 41 người chết. Gia đình tôi mất sáu người. Tôi đi tìm vợ chỉ còn nửa người trên, thằng con chỉ còn mỗi cái chân. Tôi nhận ra được vì nó có cái sẹo bị bỏng ngày xưa.”
Những ký ức ấy luôn thường trực, ám ảnh trong tâm trí ông Nguyễn Văn Cầu. Đôi mắt nhòa lệ, hướng ánh nhìn về xa xăm, ông nói: “Đêm nào tôi cũng mơ thấy phố rừng rực cháy như 40 năm về trước. Cả khu phố chìm trong lửa đỏ!”
Cùng với những lời kể của các nhân chứng là gần 300 tấm ảnh tư liệu, hệ thống bảng biểu và sơ đồ chú thích, khiến bức chân dung Hà Nội những ngày tháng lịch sử ấy hiện lên cụ thể, chân thực hơn.
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê chia sẻ: "Tôi thích cách nhóm biên soạn tiếp cận một đề tài có tính lịch sử như “12 ngày đêm”. Việc ghi lại và hệ thống những hồi ức cá nhân về một sự kiện trong lịch sử của đất nước là việc làm cần thiết và rất quý báu."
“Đối mặt với B-52” là thành quả của nhóm biên soạn đứng đầu là nhà báo, Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không-Không quân. Ông chính là một trong những nhân chứng sống của 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Suốt hai năm liên tục, nhóm tác giả đã cùng lắng nghe những hồi ức của các nhân chứng để ghép lại thành một câu chuyện chung.
Nhà báo Đào Huyền, một trong các đồng tác giả của cuốn sách cho biết khi nghe các nhân chứng kể chuyện, chị cảm thấy cuộc chiến qua lời kể của họ không quá ác liệt và đáng sợ như là mình từng hình dung.
Lúc bom đạn thì khẩn trương xuống hầm. Khi còi báo yên thì đường phố lại đông đúc trở lại, mọi người đi lại làm việc. Trong những con người ấy có lo lắng nhưng không hề hoảng loạn. “Qua những cuộc phỏng vấn, tôi hiểu được rằng, chính tinh thần ấy đã giúp chúng ta vượt qua tất cả,” chị Huyền chia sẻ./.
(Phương Mai - Vietnam+)