Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua chính thức tuyên bố hành động tích hợp cứng trình duyệt Internet Explorer vào hệ điều hành Windows của Microsoft là vi phạm nghiêm trọng luật chống độc quyền của liên minh.
“Việc Microsoft tích hợp cứng Internet Explorer vào hệ điều hành Windows đã có những tác động không tốt đối với sự cạnh tranh trên thị trường trình duyệt web, ngăn cản sự sáng tạo và hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng”, EU khẳng định trong tuyên bố chính thức.
Cùng với đó EU cũng lên tiếng yêu cầu “người khổng lồ phần mềm” phải loại bỏ Internet Explorer ra khỏi mọi phiên bản hệ điều hành Windows được hãng này bán ra thị trường 27 quốc gia thuộc liên minh.
Microsoft sẽ có 8 tuần để trả lời EU về vấn đề trên đây. Liên minh cũng khẳng định Microsoft hoàn toàn có thể tổ chức một buổi điều trần để bảo vệ quan điểm của mình - tức chuyện vì sao hãng phải tích hợp Internet Explorer vào trong Windows.
Đại diện của Microsoft khẳng định hãng này luôn cam kết tuân thủ đầy đủ luật pháp của EU, đồng thời từ chối bình luận thêm về vấn đề trên đây.
Kết quả một năm điều tra
Người châm ngòi cho cuộc điều tra của EU đối với trình duyệt Internet Explorer hơn một năm trước đây chính là Jon von Tetzchner - giám đốc điều hành (CEO) của Opera Software.
Tháng 12-2007, CEO của hãng phát triển trình duyệt Opera đã chính thức gửi đơn khiếu nại lên EU về việc Microsoft tích hợp cứng IE vào trong hệ điều hành Windows gây ảnh hưởng đến các đối thủ cạnh tranh.
“Đây là một vấn đề thật sự quan trọng. Nó quan trọng ở chỗ người dùng có quyền được lựa chọn sử dụng trình duyệt mà họ ưa thích. Và thứ hai là chúng ta không thể chứng kiến cảnh thị trường trình duyệt toàn cầu bị thống trị bởi một hãng duy nhất”.
“Những bằng chứng thu thập được sau hơn một năm điều tra đã chứng minh cho thấy việc Microsoft tích hợp cứng IE vào Windows - trình duyệt đang chiếm tới 90% thị phần thị trường trình duyệt web toàn cầu - đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối thủ cạnh tranh. Cụ thể Internet Explorer có lợi thế hơn hẳn các đối thủ khác về phương thức cung cấp tới tay người dùng” - EU khẳng định trong cáo buộc.
Theo con số thống kê mới nhất của Net Applications Inc., tính đến hết tháng 12-2008, IE chỉ còn chiếm lĩnh khoảng 68,2% thị phần thị trường trình duyệt toàn cầu. Con số này ở thị trường châu Âu còn thấp hơn nữa.
Applied Technologies Internet cho biết ở thời điểm cuối tháng 12-2008 IE chỉ chiếm khoảng 59,5% thị phần thị trường trình duyệt châu Âu. Trong khi đó ở châu Âu, Firefox chiếm lĩnh được tới 28% thị phần. Opera chỉ khiêm tốn với 0,7%.
Giải pháp nào?
Tuyên bố như trên nhưng EU vẫn để ngỏ cửa cho một giải pháp tương tự như phán quyết đã đưa ra trong năm 2004 trong một vụ việc tương tự nhưng với Windows Media Player. Khi đó Microsoft đã phải cung cấp một phiên bản Windows không có Windows Media Player riêng cho thị trường châu Âu.
“EU có thể sẽ áp án phạt và yêu cầu Microsoft phải ngừng ngay việc làm vụ và thực thi giải pháp khôi phục đầy đủ quyền được lựa chọn của người sử dụng cũng như bảo đảm quyền lợi cạnh tranh chính đáng của các đối thủ”, EU khẳng định.
CEO Opera cũng đưa ra ý kiến về giải pháp. “Thứ nhất là nên tích hợp nhiều trình duyệt web vào trong Windows. Và thứ hai là yêu cầu Microsoft cung cấp một biểu tượng trên màn hình Desktop Windows có chức năng hỏi người dùng muốn sử dụng trình duyệt nào để duyệt web”.
Nhưng mục tiêu cuối cùng mà CEO Opera muốn nhắm đến là buộc Microsoft phải loại bỏ hoàn toàn IE ra khỏi hệ điều hành Windows. “Tôi muốn Microsoft phải loại bỏ hoàn toàn trình duyệt của họ ra khỏi Windows”.
Theo T.Dũng
Tuổi Trẻ/AP/Computerworld