Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 27/6/2019 14:53'(GMT+7)

EVFTA: Mở cánh cửa cho hàng Việt vào EU

Doanh nghiệp cá tra chuẩn bị tích cực để hưởng các ưu đãi từ EVFTA.

Doanh nghiệp cá tra chuẩn bị tích cực để hưởng các ưu đãi từ EVFTA.

THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, thời gian qua, xuất khẩu cá tra sang EU đã có sự tăng trưởng ngoạn mục. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang EU đã có sự bứt phá ngoạn mục khi tăng trưởng tới 31,5% và đạt 105,2 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang bốn thị trường đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan tăng 12,2%; Anh tăng 59,4%; Đức tăng 61,6% và Bỉ tăng 63,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá cá tra xuất khẩu sang các nước EU cũng tăng trung bình từ 2-2,6 USD/kg năm 2016-2017 lên 2,8-3,5 USD/kg vào năm 2018 và ba tháng đầu năm nay, giá cá tra đạt 2,93 - 3,55 USD/kg.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, sở dĩ xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tăng trưởng trở lại trong mấy tháng đầu năm nay sau thời gian giảm sút là do nỗ lực kiên trì của các doanh nghiệp trong quá trình ổn định chất lượng và giải quyết các vấn đề truyền thông, chuẩn bị kỹ càng để đón nhận những thuận lợi về thuế quan khi EVFTA sắp có hiệu lực.

Cá tra nói riêng và thủy sản nói chung là một trong những mặt hàng đã có sự chuẩn bị tích cực để có một bước đệm vững chắc khi EVFTA chuẩn bị được ký kết và có hiệu lực.

Vào tháng 10/2010, EVFTA đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đồng ý khởi động đàm phán. Sau một thời gian dài, ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký kết các Hiệp định, gồm EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). EVFTA sẽ được ký kết tại Hà Nội vào cuối tháng 6 này.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (chỉ sau bảy năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. “Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đáng chú ý, hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Do đó, FTA Việt Nam - EU đã có hiệu lực rất kịp thời nhằm trợ sức cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cạnh tranh ở thị trường EU ngay khi GSP hết hiệu lực.

Về đầu tư, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc ta đã và đang thực hiện các Hiệp định FTA quan trọng, như FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, với Hàn Quốc, hay Hiệp định CPTPP.

CẦN CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG

Bên cạnh những lợi ích, cũng như các FTA khác, Hiệp định này cũng có thể tạo ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững... Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý trong nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

Đáp ứng những đòi hỏi từ thị trường EU, ông Trương Đình Hòe chia sẻ, VASEP đã và đang tiếp tục thực hiện các chiến dịch truyền thông để quảng bá hình ảnh cá tra tại EU nhằm chuyển những thông tin về cải thiện chất lượng, đáp ứng các yêu cầu nuôi trồng mà người tiêu dùng ở thị trường này đưa ra. Đồng thời thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm cá tra chất lượng tới người tiêu dùng EU. Đặc biệt, doanh nghiệp cá tra nói riêng và thủy sản trong hiệp hội đang hướng tới phát triển chu trình khép kín, từ giống, nuôi và chế biến cá tra, nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng nhất trong EVFTA. Theo đó, các mặt hàng dệt may Việt Nam phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có hiệp định song phương với EU. Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may đang tăng cường liên kết, nâng cao sự chủ động về nguyên phụ liệu, giảm bớt nhập khẩu, để giảm chi phí đầu vào và tận dụng các ưu đãi thuế từ EVFTA./.

Hà Anh (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất