Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11 trong bối cảnh đời sống chính trị, kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn.
Ngày 15/11, Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã chính thức khai mạc tại thành phố Bri-xben, bang Quyn-xlen, Ô-xtrây-li-a. Đây là cơ hội để các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn thảo luận kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Song bài toán khó cho kế hoạch này chính là giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa các nước giàu và nước phát triển mới nổi, những lợi ích kinh tế gắn với xung đột chính trị.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra trong hai ngày 15 và 16/11 trong bối cảnh đời sống chính trị, kinh tế thế giới tồn tại nhiều khó khăn. Sáu năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đang tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều và phải đối mặt với một loạt thách thức. Trong khi đó, mối quan hệ giữa một số nhà lãnh đạo G-20 đang căng thẳng do những tranh cãi trong nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc xung đột ở miền Đông U-crai-na. Nhiều nền kinh tế cũng bị chi phối bởi những cuộc xung đột triền miên mà nguy cơ không còn nằm gọn trong vấn đề kinh tế.
Mục tiêu tăng tốc độ tăng trưởng lên 2% trong 5 năm tới
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni A-bốt (Tony Abbott) cho biết, Hội nghị cấp cao G-20 lần này muốn gửi tới thông điệp rằng, các chính phủ có thể hoạch định và thực hiện chương trình kinh tế nhằm tạo thêm nhiều việc làm và bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Đó cũng là điều mà thế giới kỳ vọng vào Nhóm G-20.
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận nhằm tìm ra biện pháp giải quyết các thách thức toàn cầu, với mục tiêu nổi bật là nâng tốc độ tăng trưởng của G-20 lên ít nhất 2% so với hiện nay trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một bước phát triển quan trọng, giúp tăng thêm hơn 2 nghìn tỷ AUD (1,75 nghìn tỷ USD) cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới. Chiến lược tăng trưởng của G-20 sẽ bao gồm cải cách cả về kinh tế vĩ mô và cấu trúc phù hợp với từng nền kinh tế, tăng cường đầu tư có chất lượng vào cơ sở hạ tầng, cắt giảm rào cản thương mại, thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường tạo việc làm. G-20 cũng sẽ thảo luận vấn đề phục hồi kinh tế toàn cầu với một số nội dung thảo luận bao gồm cải cách quy định tài chính, hiện đại hóa hệ thống thuế quốc tế, cải cách các thể chế toàn cầu, đẩy mạnh phục hồi thị trường năng lượng, các biện pháp củng cố hệ thống trao đổi thương mại toàn cầu và chống tham nhũng.
Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận Chương trình Hành động Bri-xben nhằm đề ra những hành động cụ thể trong ngắn hạn và trung hạn để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Những hành động này cũng sẽ cần được cụ thể hóa tới từng quốc gia thành viên và G-20 là thời điểm thế giới mong đợi các quốc gia đưa ra kế hoạch chi tiết.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một kế hoạch tham vọng nhưng không phải không thực hiện được. Thời điểm này, nhiều liên minh kinh tế đang hình thành, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do song phương… Điều này giúp thúc đẩy từng nền kinh tế thành viên cũng như giúp các cam kết kinh tế tiến gần nhau hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến phản đối các chính sách mà G-20 đưa ra. Từ trước đến nay, G-20 luôn phải đối mặt với chỉ trích là “nói suông”, thậm chí những chính sách phát triển của G-20 thiên về hướng có lợi cho các nước giàu. Điều này đang tạo ra một khoảng cách lớn về phát triển. Ngoài ra, việc hội nghị "lờ đi" vấn đề biến đổi khí hậu đang khiến nhiều người tức giận, nhất là sau một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 12/11 vừa qua cam kết hạn chế phát thải khí các-bon. Những người phản đối cho rằng, các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới bàng quan, không tìm cách "cứu lấy Trái đất, cứu lấy nhân loại", khi các hiện tượng của biến đổi khí hậu đang ngày một phát tác.
Khủng hoảng U-crai-na “đốt nóng” hội nghị
Không chỉ đối mặt với những vấn đề kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay còn bị che phủ do “bóng đen” của xung đột chính trị tại U-crai-na. Một cuộc đối đầu giữa các lãnh đạo phương Tây và Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) nhiều khả năng diễn ra tại Hội nghị G-20 sau những lời cáo buộc mới về việc binh lính Nga tràn vào miền Đông U-crai-na. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) ngày 14/11 gọi hành động trên là không thể chấp nhận được và cảnh báo những hành vi này có thể khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt thêm Mát-xcơ-va. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va đã bác bỏ cáo buộc này. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga Itar Tass, Tổng thống V.Pu-tin nhấn mạnh, những lệnh trừng phạt không chỉ gây tổn hại đến Nga mà cả nền kinh tế toàn cầu. Nhưng ông cho biết, sẽ không nêu vấn đề này tại G-20 bởi "nó không có ý nghĩa gì".
Theo giới phân tích, nếu như ở G-8, Nga bị coi là một yếu tố “nước ngoài” thì ở G-20, Mát-xcơ-va sẽ không bao giờ cảm thấy bị “cô đơn” hay "cô lập". Các cuộc tranh luận sôi nổi về Xy-ri tại Hội nghị cấp cao G-20 năm 2013 ở Nga đã chứng minh sự chia rẽ trong việc ủng hộ các cách tiếp cận của Mỹ và Nga về vấn đề này. Các nước có ảnh hưởng lớn trong G-20 (như Trung Quốc, Bra-xin, Nam Phi và Ấn Độ) thường không theo sự “chỉ đạo” của Mỹ, tạo ra một “khoảng trống” nhất định cho sự “cơ động” và hình thành các liên minh. Vì vậy, Nga sẽ tận dụng tối đa Hội nghị G-20 để củng cố ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế./.
Bình Nguyên (QĐND)