Thứ Năm, 28/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 15/11/2014 17:56'(GMT+7)

Italy tê liệt vì tổng bãi công phản đối cải cách trên toàn quốc

Người biểu tình ném đá và trứng vào trụ sở Bộ Kinh tế Italy ở Rome ngày 14/11. (Nguồn: ANSA)

Người biểu tình ném đá và trứng vào trụ sở Bộ Kinh tế Italy ở Rome ngày 14/11. (Nguồn: ANSA)

Người lao động thuộc các công đoàn giao thông, thợ thủ công, những người lao động có hợp đồng thời vụ, giáo viên và sinh viên đã đồng loạt xuống đường ở các thành phố Rome, Milan, Turin, Padova, Genoa, Florence, Bologna, Naples, Caserta, Bari và Palermo theo lời kêu gọi của các nghiệp đoàn lao động lớn nhất nước này trong một chiến dịch chống lại cải cách lao động và chính sách về kinh tế của chính phủ. Các cuộc biểu tình và bãi công đã khiến giao thông ở trung tâm các thành phố này tắc nghẽn và một số cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra.

Tại Rome, người biểu tình đã ném trứng, đá và pháo hoa vào trụ sở Bộ kinh tế Italy và va chạm với cảnh sát chống bạo động. Trứng và đá cũng được ném vào Đại sứ quán Đức ở Rome, khi người biểu tình đổ lỗi cho chính phủ của Thủ tướng Merkel vào việc áp đặt chính sách thắt lưng buộc bụng với Italy, hiện là một con nợ lớn của Đức.

Người biểu tình cũng tấn công trụ sở của hãng dịch vụ năng lượng và nước Acea, phản đối chính sách tư hữu hóa và giảm nhân công của tập đoàn do nhà nước quản lý này. Một số cuộc tuần hành khác do những người phản đối chính sách nhà ở, nhập cư và cải cách giáo dục của chính phủ cũng được tiến hành. 22 chuyến bay đã bị hoãn ở sân bay quốc tế Fiumicino do các nhân viên hàng không nghỉ làm.

Tại Milan, thành phố lớn thứ hai của Italy, CGIL, nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy và FIOM - nghiệp đoàn công nhân luyện kim, đã tổ chức một cuộc tổng đình công trên quy mô lớn trong phạm vi toàn vùng bắc và trung Italy với khẩu hiệu "Lao động hợp pháp, dân chủ công bằng và tổng đình công." Ít nhất năm người đã bị thương khi cảnh sát giải tán một cuộc tuần hành của các nhân viên trung tâm xã hội.

Trong khi đó, tại Naples, các đường vành đai đã tắc nghẽn khi người biểu tình chống chính phủ tràn ra đường, ngăn cản các dòng xe vào thành phố. Ở Bologna, Genoa và Padova, xô xát đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình.

Theo báo chí Italy, đây là đợt đầu trong một chiến dịch lớn mang tính toàn quốc của các nghiệp đoàn nhằm chống lại các cải cách của chính phủ, trong đó nổi bật là cải cách lao động và dự luật ngân sách 2015, sắp được đưa ra trình Quốc hội đầu tháng tới. Chính phủ Italy, các nghiệp đoàn cũng như các đảng nhỏ cánh tả và nội bộ đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đã mâu thuẫn nghiêm trọng sau khi chính phủ đệ trình hai viện Quốc hội dự luật lao động mới, trong đó sửa đổi điều 18 của Luật lao động 1970, cho phép các doanh nghiệp dễ dàng sa thải người lao động.

Trong khi mâu thuẫn trong nội bộ Pd đã giảm nhiệt hôm 13/11 sau khi Thủ tướng Renzi và một số đảng viên Pd thiểu số chống đối đạt được một số thỏa thuận xung quanh việc sửa đổi điều 18 này, các nghiệp đoàn vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi bảo vệ quyền lợi của người lao động và buộc chính phủ phải hủy điều này trong cải cách lao động, được chính phủ gọi là Jobs Act.

Bà Susanna Camusso, người đứng đầu nghiệp đoàn CGIL, tuyên bố CGIL sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình và tổng đình công trên cả nước trong thời gian tới.

Điều 18 của Luật lao động được thông qua năm 1970 nhằm bảo vệ người lao động khỏi bị sa thải một cách bất công bởi giới chủ. Tuy nhiên, chính phủ Italy cho rằng, điều này không còn giá trị thích hợp trong thời điểm kinh tế suy thoái, và phải điều chỉnh sao cho các doanh nghiệp có thể thuê các nhân công mới, đồng thời tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài vào Italy.

Dự luật cải cách này đã được trình lên Quốc hội xem xét và chờ phê chuẩn. Dự luật đã được EU và nhiều tổ chức đánh giá kinh tế và tài chính thế giới đánh giá cao./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất