Thứ Hai, 23/12/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 10/9/2014 15:11'(GMT+7)

Gần 2.800 trường học nhất trí với phương án thi THPT của Bộ GD-ĐT

Tại buổi họp báo chiều 9/9, Bộ GD-ĐT chính thức công bố số liệu và ý kiến đóng góp phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Kết quả này được tổng hợp sau khi Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được công bố ngày 29/7/2014. Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22/8/2014 trên các đối tượng: Giám đốc một số Sở GD-ĐT và Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Các trường ĐH, CĐ; Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) trong cả nước. Kết quả tổng hợp được thể hiện như bảng dưới đây:

Tổng hợp số liệu và ý kiến đóng góp phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia

Đa số ý kiến nhất trí nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm.

Đa số ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (phương án 1) vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông; kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo. Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của kỳ thi quốc gia giống như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các cụm thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn. Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên ở các Sở GD-ĐT tham gia coi thi và chấm thi.

Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá. Bên cạnh đó, nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng dự thi.

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do Sở GD-ĐT chỉ đạo; Duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung”, vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH,CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển.

Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kỳ thi; đồng thời dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kỳ thi./.

Theo VOV



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất